Dự án Nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên

1. Cử tri Trần Văn Việt, Bí thư Chi bộ 5, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên để tạo điều kiện cho người dân khi có người thân từ trần. Vì việc đưa người thân sang tỉnh khác để hỏa táng gây tốn kém kinh phí và thời gian đi lại của người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng của Công ty TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017 (Quyết định số 3762/QĐ-UBND ngày 17/8/2017). Tuy nhiên, do dự án đang vướng mắc trong công tác thỏa thuận bồi thường GPMB, đồng thời đang còn một số hộ dân xã Phúc Điền, huyện Hưng Nguyên chưa đồng thuận (đang có kiến nghị) nên đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích quy hoạch của Dự án và chưa được bàn giao đất trên thực địa để triển khai thực hiện. ​

Các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân đã được các sở, ngành kiểm tra, rà soát và trả lời cụ thể, đầy đủ bằng văn bản nhiều lần. Ngày 16/10/2023, UBND tỉnh cũng đã tổ chức tiếp công dân, tuy nhiên một số nội dung liên quan đến quy hoạch Dự án và khoảng cách an toàn môi trường vẫn chưa được người dân đồng thuận. Về việc này, UBND tỉnh có Thông báo kết luận số 783/TB-UBND ngày 19/10/2023 và Văn bản số 9161/UBND-TD ngày 27/10/2023 giao Thanh tra tỉnh chủ trì, thành lập Tổ liên ngành thực hiện rà soát lại để trả lời công dân theo quy định. Thanh tra tỉnh đã chủ trì thực hiện rà soát và báo cáo UBND tỉnh; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, rà soát các nội dung để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ phương án xử lý.

2. Các cử tri: Nguyễn Văn Thứ, Nguyễn Xuân Tứ, trú tại xóm Phúc Yên, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Sửa chữa, nâng cấp và lắp đặt biển báo trên tuyến đường tỉnh 534, đoạn qua xã Ngọc Sơn. Hiện nay tuyến đường đã xuống cấp và chưa có biểu báo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tuyến Đường tỉnh 534 dài 47,5km được chuyển từ tuyến đường Ngọc-Lam-Bồi, huyện Đô Lương, một số đoạn của tuyến Tả ngạn sông Lam và ĐH.39, huyện Anh Sơn theo Quyết định số 3552/UBND-CN ngày 22/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Trong quá trình quản lý, Sở Giao thông vận tải luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, hàng năm đều có các dự án sửa chữa tuyến đường đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn.

Đoạn đi qua địa bàn xã Ngọc Sơn có lý trình từ Km5+00-Km7+200 ĐT 534, trong đó đoạn Km5+00-Km6+500 thuộc dự án do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, hiện chưa bàn giao cho Sở GTVT quản lý. Sở sẽ đôn đốc UBND huyện Đô Lương bố trí đầy đủ biển báo hiệu trên đoạn tuyến theo đúng quy định.

Đoạn còn lại từ Km6+500-Km7+200, Sở GTVT dự kiến đưa vào kế hoạch sửa chữa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai trong năm 2024.

3. Cử tri Nguyễn Văn Hà, trú tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương phản ánh trên địa bàn tỉnh có 19 trường THPT tư thục. Trong những năm qua, các trường này đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong những năm qua, mặc dù số lượng các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung chưa nhiều nhưng cũng đóng góp đáng kể cho sự đa dạng giáo dục của tỉnh. Nhiều trường mầm non tư thục có đủ diện tích, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt chất lượng giảm áp lực học sinh đến trường công lập và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Đối với các trường ngoài công lập nói chung, cấp THPT nói riêng đã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Quy hoạch cho thuê đất, cho thuê cơ sở vật chất, miễn thuế hàng năm, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên…

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đến chỉ tiêu của các trường THPT ngoài công lập và BT THPT, Thống nhất tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch như số lớp, học sinh của các trường đề xuất. Đối với cấp tiểu học và THCS thực hiện tốt kế hoạch được giao và thu hút được học sinh tham gia đăng ký học tại những trường ngoài công lập. Tuy nhiên nhiều trường THPT ngoài công lập trong quá trình thực hiện tuyển sinh không đạt được như kế hoạch đề ra.

Đề nghị các trường THPT ngoài công lập phải chủ động về công tác quản lý chuyên môn, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đổi mới hoạt động giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng dạy học, thu hút học sinh. Các trường cũng cần chú trọng trong xây dựng chiến lược, xây dựng thương hiệu để thu hút học sinh, đa dạng hóa các hoạt động, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...