quyhoachchungcudothi-a12-7216-1.jpg
Một góc thành phố Vinh

1. Cử tri phường Lê Lợi, thành phố Vinh phản ánh hiện nay trên địa bàn phường Lê Lợi có dự án của Dự án Khu nhà ở liền kề của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế đường bộ Nghệ An và Dự án Nhà ở cao cấp, Thương mại dịch vụ của Công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội 30 được quy hoạch nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan đô thị. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hoặc thu hồi các dự án này.

UBND tỉnh trả lời:

- Dự án Khu nhà ở liền kề tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh do Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ Nghệ An làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4709/QĐ-UBND ngày 28/9/2016; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 5852/QĐ-UBND ngày 24/11/2016. Dự án trên triển khai chậm tiến độ, dự án không còn phù hợp với các quy định của Luật nhà ở nên UBND tỉnh đã thu hồi pháp lý liên quan đến dự án tại Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 29/3/2023.

- Dự án Nhà ở cao cấp, thương mại dịch vụ (tên chính xác là Dự án chung cư cao tầng gắn với thương mại dịch vụ tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh) do Công ty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 5866/QĐ.UBND-ĐT.C ngày 25/12/2008; đã hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Do khu vực xây dựng dự án nêu trên thuộc khu dân cư cũ, hệ thống giao thông, mương thoát nước xung quanh nhỏ hẹp nên việc tiếp tục thực hiện dự án với quy mô và mục đích sử dụng là nhà chung cư sẽ làm tăng mật độ dân số trong khu dân cư, gây nứt nẻ các công trình nhà ở dân cư xung quanh; đồng thời gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực nên Chủ đầu tư đã đề nghị điều chỉnh từ nhà ở cao tầng thành nhà ở thấp tầng. UBND tỉnh đã có Công văn số 1157/UBND-CN ngày 24/02/2022 đồng ý chủ trương và gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến Quý IV/2022. Do dự án này đến nay chưa được các Sở, ngành tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai; Sở Xây dựng sẽ đề xuất bổ sung dự án vào Danh mục kiểm tra các dự án đầu tư chậm tiến độ trong năm 2023 để kiểm tra, báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.

2. Cử tri phường Trường Thi, thành phố Vinh phản ánh nhà chung cư Vinaconex 16 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc và sớm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân của chung cư này.

20220929-060814-763-1.jpg
Chung cư Vinaconex 16

UBND tỉnh trả lời:

Liên quan đến nội dung kiến nghị của cử tri, các vướng mắc liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất đã được Công ty CP XD 16 vinaconex khởi kiện, Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành Bản án sơ thẩm số 05/2023/HC-ST ngày 19/4/2023 về việc khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai do Công ty Cổ phần Xây dựng 16 Vinaconex khởi kiện. Hiện nay các bên liên quan đang xem xét nội dung bản án. Sau khi bản án có hiệu lực, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện.

3. Cử tri Hoàng Văn Hảo, Chủ tịch Hội đông y tỉnh Nghệ An kiến nghị trong công tác khám chữa bệnh cần phát huy hơn nữa việc kết hợp Đông - Tây y; tăng cường khám chữa bệnh trên lĩnh vực đông y ở các trạm y tế xã, thị trấn, đồng thời tăng cường xã hội hóa y tế để tạo nguồn lực cho ngành y tế phát triển hiệu quả.

UBND tỉnh trả lời:

Ngày 11/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2014/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Phát triển công tác y tế theo hướng xã hội hóa nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025”. Hiện nay, hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 05 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 07 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 21 trung tâm y tế huyện, thành, thị (trong đó có 12 Trung tâm y tế thực hiện 3 chức năng khám chữa bệnh, dự phòng và dân số; 09 Trung tâm y tế thực hiện chức năng dự phòng và dân số) và 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dự phòng và khám chữa bệnh. Ngoài hệ thống khám chữa bệnh công lập, hệ thống y tế ngoài công lập gồm: 15 bệnh viện (đa khoa và chuyên khoa), 593 phòng khám đa khoa, chuyên khoa: Trong đó có 1 Bệnh viện Y học cổ truyền hạng 1 với quy mô 650 giường kế hoạch; cơ bản các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đã triển khai khám và điều trị theo y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại theo quy mô khoa phòng hoặc liên khoa cùng với các trạm y tế trên địa bàn (93% trạm y tế xã phường, thị trấn xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế) có triển khai khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại. Bênh cạnh đó, Hội Đông y tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai các hoạt động khám chữa bệnh bằng đông y có hiệu quả cho người dân trên địa bàn. Như vậy trong thời gian qua công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đã được ngành y tế quan tâm chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

Công tác xã hội hóa công tác y tế được chú trọng đến nay đã 15 bệnh viện (đa khoa và chuyên khoa) tư nhân; các bệnh viện đã khoa chuyên khoa hạng II trở lên đã tự chủ nhóm 2. Tính đến hết năm 2022 toàn tỉnh có540 cán bộ y tế đã được đào tạo về khám chữa bệnh y học cổ truyền (trong đó 9 Bs CK2, 8 Ths, 62 BS.CK1...) tham gia thực hiện công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Số lượt khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đạt từ 80 % đến 85% so với kế hoạch đề ra của đơn vị tại tất cả 3 tuyến. Công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y học cổ truyền được chú trọng như: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã tiến hành khảo sát về nhu cầu đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của 16 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện; Bệnh viện Châm cứu trung ương tổ chức nhiều lớp đào tạo cho y tế tuyến cơ sở...

4. Cử tri Trần Thị Hường, phường Bến Thủy, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu hình thức chi trả phụ cấp cho cán bộ Hội Cựu TNXP phường, xã cho phù hợp, không nên bố trí kinh phí hoạt động 10 triệu đồng/năm như hiện nay.

UBND tỉnh trả lời:

Hiện nay, trên địa bản tỉnh Nghệ An, chưa có hội có phạm vi hoạt động cấp xã nào được công nhận là hội có tính chất đặc thù. Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội; ngân sách nhà nước không có cơ sở để cấp kinh phí thực hiện chế độ thù lao cho người đứng đầu các hội cấp xã.

Về mức hỗ trợ hoạt động đối với các hội giai đoạn 2022-2025: Hàng năm, HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các hội cấp xã theo mức 48 triệu đồng/xã trong dự toán đầu năm và đưa vào dự toán chi thường xuyên cấp xã để UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện. Việc phân bổ cụ thể kinh phí hỗ trợ cho các hội cấp xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để phân bổ cho phù hợp để trình HĐND xã xem xét, quyết nghị theo phân cấp.

5. Cử tri Trần Công Anh, trú tại khối 7, phường Trường Thi phản ánh nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo qua mạng xã hội. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quản lý các mạng xã hội chặt chẽ hơn.

UBND tỉnh trả lời:

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền Thông, năm 2022, Việt Nam có 72 triệu người dùng mạng xã hội (tăng 7% so với năm 2021). Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa đảo, mất tiền oan sau khi nghe cuộc điện thoại lạ tự xưng là cán bộ công an, nhân viên ngân hàng hay những tin nhắn chứa đường link giả mạo. Hầu hết các vụ lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn tạo các trang thông tin điện tử giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo, hướng dẫn truy cập, đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu và đọc mã OTP… Ngoài việc tạo các trang thông tin điện tử giả mạo, các đối tượng còn tạo các tài khoản mạng xã hội, các fanpage giả mạo của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp như: giả mạo fanpage của Ban Tuyên giáo Trung ương; giả mạo fanpage “Cảnh sát hình sự” của Bộ Công an; giả mạo fanpage VTV, giả mạo tài khoản của Trung Tâm khí tượng thủy văn quốc gia, giả mạo VietinBank, giả mạo truyền hình Quốc phòng Việt Nam và nhiều tài khoản giả mạo tài khoản Đài Truyền hình Việt Nam…

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân cảnh giác với các chiêu trò lùa đảo trên mạng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng (như: Cảnh giác trước nguy cơ lộ tài khoản và mật khẩu từ các trang mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến; tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng trong thời gian Tết nguyên đán Quý Mão; Bản tin an toàn thông tin; Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội...); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định; phối hợp với cơ quan công an xác minh các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ, chặn lọc các nội dung có dấu hiệu lừa đảo.

6. Cử tri Nguyễn Doãn Trương, trú tại khối 14, phường Trường Thi đề nghị quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh, uy tín của người nổi tiếng để quảng cáo các thực phẩm chức năng phổ biến như hiện nay.

an-sinh-9307-1592277010_860x0.jpg

UBND tỉnh trả lời:

Hoạt động quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật chuyên ngành. Quảng cáo của các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực, tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế) xác nhận nội dung quảng cáo.

Gần đây, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều clip quảng cáo có sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, trong đó có trường hợp người nổi tiếng trực tiếp đóng quảng cáo và trường hợp người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có10 tên miền (website) đăng thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật bị xử lý; 25 website vi phạm pháp luật, không được gắn quảng cáo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đàm phán với Google để đạt thoả thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm (thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) bằng phương thức nhanh hơn; 6 tháng cuối năm 2022, Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian qua chưa có hoạt động quảng cáo nào trên báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, mạng xã hội bị yêu cầu gỡ bỏ.

Về việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, theo quy định, việc sử dụng hình ảnh, trang phục của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm văn bản số 1216/PTTH&TTĐT của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu các Đài Phát thanh - Truyền hình rà soát, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo, thời gian phát sóng quảng cáo; đồng thời loại bỏ những quảng cáo có nội dung cắt ghép, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trên báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Facebook và Google gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật. Tuyên truyền, quảng bá đường dây điện thoại công vụ: 089.9888222/089.6888222 tiếp nhận các sai phạm về quảng cáo trên các Đài Phát thanh - Truyền hình và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội được cấp phép.