Xem video:

 

Sáng 22/5, Quốc hội tiếp tục thực hiện các bước để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, đại biểu Quốc hội khóa 15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 -2026.

w-to-lam-205241-487.jpg?width=0&s=LrtNZZGNtlUFr_7EfQKdmg
Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức

Quy trình bầu Chủ tịch nước thực hiện theo trình tự các bước đã được quy định. Các đại biểu Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và An ninh.

Hiến pháp 2013

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ Hiến pháp, các quy định của pháp luật, nội quy kỳ họp Quốc hội, tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quộc hội, biên bản kiểm phiếu, Quốc hội quyết nghị ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa 15 giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết bầu ông Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với kết quả biểu quyết 472/473 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Lễ Tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Tô Lâm được tổ chức trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", tân Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ.

Quốc hội ghi nhận lời tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Sau Lễ Tuyên thệ, tân Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Lâm Hiển

Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957; quê xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Luật học.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Ông trưởng thành từ cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an từ những năm 80.

Trong quá trình gắn bó với Bộ Công an ông từng kinh qua các chức vụ: Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị I -Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Sau đó, ông làm Phó Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng phụ trách, rồi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I - Bộ Công an đến tháng 7/2010.

Ông Tô Lâm làm Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 8/2010 - 4/2016 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ tháng 4/2016 cho đến nay.

Ông được phong cấp bậc hàm Đại tướng từ tháng 2/2019.