Theo đó, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về nội dung hồ sơ dự thảo Luật, nhiều tài liệu chuẩn bị công phu, bố cục cơ bản chặt chẽ, xây dựng mới 54 điều, sửa đổi 93 điều chỉ giữ lại 7 điều; việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này cơ bản toàn diện, có nhiều quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy; về thẩm phán, hội thẩm, chức danh khác; quy định rõ hơn về việc đảm bảo hoạt động của Tòa án. Tuy nhiên, để góp phần hoàn hiện dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận trao đổi hai nội dung hiện đang có quan điểm khác nhau:
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân (Điều 3)
Đại biểu Quốc hội đồng tình với cơ quan soạn thảo và đa số Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về việc quy định nội dung “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án trong dự thảo Luật lần này. Bởi vì, đây là quy định nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” nhưng Luật hiện hành chưa quy định việc “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án là những nhiệm vụ, quyền hạn nào nên gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, Tòa án thực hiện toàn bộ quyền tư pháp hay chỉ thực hiện một số nhiệm vụ của quyền tư pháp.
Do vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu các quy định của Đảng, của Hiến pháp và hệ thống pháp luật về tư pháp của nước ta hiện nay để quy định “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án cho phù hợp, nhất là việc giao các nhiệm vụ mới, quyền hạn mới cho Tòa án ảnh hưởng đến chức, năng, nhiệm của các cơ quan khác. Đại biểu nhấn mạnh, việc giao quyền tư pháp cho Tòa án cần phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam đó là “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” như: Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp nhưng Quốc hội chỉ ban hành Hiến pháp, bộ luật, luật, nghị quyết; còn Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng vẫn tham gia vào quá trình xây dựng hiến pháp, bộ luật, luật; Chính phủ có quyền ban hành nghị quyết, nghị định…
Mặt khác, Hiến pháp 2013 cũng chỉ quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”, chứ không phải “chỉ có Tòa án thực hiện quyền tư pháp”.
Theo đó, tại Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định: “Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Với những viện dẫn trên, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho rằng hoạt động tư pháp rất nhiều nhiệm vụ và hiện nay đang giao cho nhiều cơ quan thực hiện như: Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án, trại tạm giam, trại giam, cơ quan giám định tư pháp…
Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 15)
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã bỏ một số quyền của Tòa án theo Luật hiện hành, đó là khi xét xử các vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính. Theo đại biểu Quốc hội, đây là điều đáng tiếc, vì quyền này của Tòa án mới được bổ sung sau khi có Hiến pháp 2013, trong đó xác định rõ thể chế chính trị của nước ta: quyền lực Nhà nước là tập trung, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước; và sau khi xác định được một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều vụ án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ sung, trả đi trả lại nhiều lần, dẫn đến án tồn đọng; vụ án, vụ việc hành chính, lao động, kinh tế, dân sự việc thu thập bổ sung chứng cứ của các đương sự gặp khó khăn dẫn đến Tòa án không thể xét xử được, án tồn động ngày càng nhiều hơn.
Từ những lập luận trên, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tham mưu cho Quốc hội không nên bỏ quy định về quyền này tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành bởi những ưu điểm sau:
Thứ nhất, đảm bảo việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong các vụ án hình sự là trách nhiệm và nghĩa vụ còn đối với Tòa án là quyền của mình, nếu thấy việc thu thập không đảm bảo khách quan, đầy đủ và toàn diện Tòa án có thể kiểm tra, xác minh, thu thập bổ sung.
Thứ hai, góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Trong thực tiễn không thể tránh khỏi việc điều tra viên, kiểm sát viên, đương sự, người tham gia tố tụng khác vì động cơ nào đó thu thập chứng cứ không đầy đủ, không khách quan, có thể tạo dựng chứng cứ giả… nếu có quyền này của Tòa án chắc chắn sẽ hạn chế được việc này, vì họ biết rằng mình làm không đúng sẽ có người khác kiểm tra.
Thứ ba, góp phần đảm bảo việc xét xử độc lập của Tòa án được khả thi. Vì Tòa án không chỉ dựa vào chứng cứ do cơ quan khác, người khác cung cấp, nếu thấy nghi ngờ có thể kiểm tra, trực tiếp thu thập, đánh giá để phục vụ cho việc nhận định và ra phán quyết của mình. Trong giải quyết các vụ án nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” vẫn luôn được coi trọng và không phải cái gì cũng tranh tụng làm rõ được tại Tòa án và chứng cứ không phải cái gì cũng đưa đến được tại phiên tòa.
Thứ tư, góp phần hạn chế việc trả hồ sơ điều tra vụ án khi vụ án thiếu các chứng cứ mà Tòa án có thể bổ sung được và vì vậy hạn chế các vụ án giải quyết tồn đọng, kéo dài.
Thứ năm, đây là quy định tạo điều kiện cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tự tin ra các bản án đúng pháp luật khi mà các chứng cứ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, đương sự thu thập có nghi ngờ về tính hợp pháp và không đảm bảo khách quan. Việc độc lập của Tòa án không chỉ ngồi nghe người khác nói, người khác cung cấp mà cái quan trọng là Tòa án quyết định dựa trên các chứng cứ được thu thập phản ánh đúng bản chất khách quan của vụ án, vụ việc.
Ngoài những phân tích cụ thể bảo vệ quan điểm giữ lại quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo luật hiện hành, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho rằng để nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế xẩy ra những vụ án tồn đọng, kéo dài, Tòa án cần có chương trình đào đạo nâng cao kỹ năng kiểm tra, phân tích, thu thập đánh giá chứng cứ, vì nếu không có quyền này thì Tòa án cũng cần có kỹ năng này để đánh giá các chứng cứ do cơ quan, tổ chức và đương sự cung cấp. Theo đó, Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành chế độ, chính sách của Tòa án theo hướng ngày càng tốt hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụđược giao./.