Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
TRÁNH HÌNH THỨC TRONG THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Tại phiên làm việc trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ.
Tại Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An, thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cơ bản thống nhất với dự thảo luật, song bày tỏ sự băn khoăn về tính thống nhất giữa một số điều khoản trong dự thảo luật với hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và sự phù hợp với thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Cụ thể, Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đưa vào quy định các tiêu chuẩn xét đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó cần có tiêu chuẩn “100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến”; tương tự để được xét danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” thì cần phải có một trong các tiêu chuẩn là “100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua”. Theo nữ đại biểu, nếu giữ nguyên nội dung này thì khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) dễ dẫn đến có trường hợp hình thức.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Vì thực tiễn cho thấy rằng, có những tập thể nội bộ luôn đoàn kết, tích cực tham gia tất cả các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, có một cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ nên tập thể đành xếp loại cho cá nhân đó hoàn thành nhiệm vụ, nếu không muốn mất danh hiệu.
Điều này vô hình trung triệt tiêu động lực thi đua của các cá nhân còn lại trong tập thể. Không chỉ dừng lại ở đó, việc này dẫn đến không quyết liệt để xử lý cán bộ, công chức trong thực tế không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; cũng như cản trở quá trình tinh giản biên chế.
Vì vậy, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị đưa ra khỏi dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nội dung có “100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao” hoặc thay vào đó quy định chỉ cần “có ít nhất 90% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao” là đã được công nhận danh hiện “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị Quyết thắng”.
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng tình với việc ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nội dung dự thảo cũng đã thể hiện quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là thúc đẩy phong trào đổi mới, sáng tạo để xây dựng đất nước trong bối cảnh mới nhưng đồng thời tránh bệnh thành tích.
Vì vậy, trong dự án luật này đã mở rộng đối tượng, phạm vi, nguyên tắc; hình thức khen thưởng cũng rất bài bản, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người lao động; đặc biệt đã mở rộng đối tượng là người trực tiếp lao động sản xuất, đồng thời bổ sung các đối tượng khen thưởng khu vực ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, để luật đi vào cuộc sống hiệu quả, dễ thực hiện, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị cần làm rõ nội hàm “tiêu biểu” trong luật; ban hành khung tiêu chuẩn, tiêu chí của một số danh hiệu để các bộ, ngành, địa phương dễ cụ thể hóa sát với đặc trưng lao động, ngành nghề;…
Đại biểu Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần có quy định về sáng kiến kinh nghiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng vị trí, ngành nghề của các đối tượng khác nhau; qua đó thúc đẩy phong trào thi đua.
CẦN KHUYẾN KHÍCH TƯ NHÂN VÀ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO ĐIỆN ẢNH
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ tạo được hành lang pháp lý để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có những tác phẩm giá trị, phản ánh trung thực hiện tại, dẫn dắt được tư tưởng, định hướng dư luận, văn hóa cho xã hội. Đại biểu cũng cho rằng, dự án luật này cần khuyến khích được sự đầu tư của tư nhân, các tập toàn kinh tế để tạo cú hích, chuyển mình cho điện ảnh Việt Nam.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An cũng cho rằng, điện ảnh, truyền hình ở nước ta hiện còn nhiều định kiến về giới, nhất là về nữ giới có những hình ảnh về phụ nữ đã “đóng đinh” trên phim; do đó cần phải quan tâm để có sự thỏa đáng trong các văn bản pháp luật nhằm tạo bình đẳng về giới.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An cho biết: Mục tiêu xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải cân bằng lợi ích công chúng, nhà sản xuất và Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo luật đang tập trung nhiều vào vai trò quản lý của Nhà nước.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Về chính sách phát triển điện ảnh, đại biểu An Chung cũng đề nghị cân nhắc quy định Nhà nước đầu tư xây dựng trường quay, thay vào đó chỉ cần có quy định khuyến khích tư nhân xây dựng; đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, nhất là từ các nước có nền điện ảnh phát triển để góp phần phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu Thái Thị An Chung tại dự thảo còn những quy định chung chung, mang tính chất định tính nên cần phải có quy định gọn, rõ ràng để các nhà sản xuất phim dễ thực hiện, tránh bị “quy chụp”. Mặt khác, theo đại biểu, việc phân loại phim cũng chỉ nên phân thành 3 loại là: Không được phép phổ biến, được phép phổ biến và có giới hạn độ tuổi; thay vì phân thành 6 loại như trong dự thảo./.
Thành Duy
(Nguồn: BNA)