Thảo luận tại Tổ 1 có 19 đại biểu HĐND tỉnh thuộc các đơn vị: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Đô Lương.

bna_3678.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Dự thảo luận tại Tổ 1 có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ đại biểu thành phố Vinh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ đại biểu huyện Đô Lương; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc; Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh, Tổ đại biểu thành phố Vinh.

Đại biểu Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện, Tổ đại biểu huyện Đô Lương làm Tổ trưởng, chủ trì, điều hành thảo luận.

bna_3785-f89c3657810b96370015280d16c92605(1).jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ đại biểu thành phố Vinh dự thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Sẽ mở phân hiệu 2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Tại phiên thảo luận, đề cập đến một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Duy Cần, Tổ đại biểu thành phố Vinh chia sẻ những trăn trở, lo lắng của cử tri thành phố Vinh về việc hiện nay trên địa bàn có quá ít trường THPT công lập, tạo áp lực lớn cho phụ huynh và học sinh.

Theo đại biểu, thực trạng trên dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh e ngại không đạt điểm đậu vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố nên đã chấp nhận đi học xa và những khó khăn trong sinh hoạt để lựa chọn đăng ký thi vào vào các trường THPT công lập ở các huyện.

bna_3722.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Cần, Tổ đại biểu thành phố Vinh phát biểu ý kiến. Ảnh:Thành Cường

Cũng theo vị đại biểu thành phố Vinh, thực tế một số học sinh sau khi thi đậu, học ở các trường huyện một thời gian sẽ có hướng chuyển về học ở thành phố Vinh, lúc đó lại gây áp lực cho các trường của thành phố.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Duy Cần cũng nêu lên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ một số nơi trong tỉnh. Cơ sở vật chất của các nhà trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội khó khăn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt ở các điểm trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trên cơ sở nêu 3 ý kiến đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh, chính quyền các cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm xử lý, để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là tại thành phố Vinh.

Được biết hiện nay trên địa bàn TP. Vinh có 3 trường THPT công lập là: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng; Trường THPT Hà Huy Tập; Trường THPT Lê Viết Thuật. Đến nay đã 48 năm qua, thành phố Vinh chưa mở thêm trường THPT công lập kể từ khi Trường THPT Lê Viết Thuật thành lập vào năm 1976.

Sau gần nửa thế kỷ, quy mô dân số tăng lên nhiều lần nhưng quy mô trường công lập THPT trên địa bàn thành phố Vinh không tăng đã tạo nên áp lực cho phụ huynh, học sinh vào mỗi kỳ thi để thi vào các trường công lập.

bna_3741-ca2ffcdc2fcf0a8b76be04317d4ce08c(1).jpg
Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh, Tổ đại biểu huyện Đô Lương phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh, Tổ đại biểu huyện Đô Lương nêu ý kiến: Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tuy vậy, đại biểu cho rằng, qua nhiều năm triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; qua đó đề nghị ngành Giáo dục làm rõ kết quả, giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Mai đã giải trình ý kiến các đại biểu; qua đó cho biết, trước áp lực tuyển sinh trên địa bàn thành phố Vinh, ngành đã tham mưu để thành lập phân hiệu 2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Riêng trong năm học 2024 - 2025, do tăng đột biến về quy mô dân số trong độ tuổi, ngành đã có giải pháp tăng sĩ số tuyển sinh, số lớp trong các trường THPT công lập ở mức tối đa có thể, từ đó tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được học THPT công lập khi chưa mở thêm được trường.

Đối với mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay có 77,3% số trường trên toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia với con số tuyệt đối là 1.104/1.427 cơ sở giáo dục công lập; còn lại 323 trường chưa được công nhận, trong này có những trường đã được công nhận nhưng đến nay quá thời hạn chưa kiểm tra công nhận lại.

Làm rõ thêm các giải pháp để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định chắc chắn sẽ đạt chỉ tiêu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 là 75 - 78% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra.

Sớm cụ thể hóa Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh

Đề cập đến phát triển du lịch, đại biểu Trần Phan Long, Tổ đại biểu TX. Cửa Lò đề nghị tỉnh hỗ trợ thị xã để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng một số cơ sở phía Đông đường Bình Minh nhằm sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, để có thêm các sản phẩm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Cửa Lò.

bna_3703.jpg
Đại biểu Trần Phan Long, Tổ đại biểu TX. Cửa Lò phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Được biết, Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò rộng gần 74 ha, thuộc các phường Nghi Hương, Nghi Thu và Thu Thủy. Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu lâm viên này được tổ chức không gian kiến trúc thành 5 khu vực hiện đại, độc đáo, bản sắc, thân thiện và hiệu quả kinh tế cao; đồng thời quy hoạch 14 bãi đỗ xe, trong đó có 3 bãi xe ngầm, đã được phê duyệt vào tháng 9/2023.

Ngoài ra, vị đại biểu đến từ TX. Cửa Lò nêu lên những thách thức và những khó khăn mà thị xã đang gặp phải khi hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng quá tải; chất lượng nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, đại biểu Trần Phan Long đề nghị tiếp tục tiến hành rà soát các dự án trên địa bàn không triển khai, chậm tiến độ để thu hồi và giao cho nhà đầu tư có năng lực; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đồng thời quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao tính chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh của người dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

bna_3796.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh giải trình ý kiến của đại biểu trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Thành Cường

Ngoài ra, tại thảo luận Tổ 1, ý kiến các đại biểu cũng đã đề cập nhiều nội dung khác về kinh tế, xã hội, bổ sung các cơ chế, chính sách; trong đó đề nghị có giải pháp căn cơ để khắc phục các tồn tại, hạn chế diễn ra qua nhiều năm như: Nợ đọng thuế, giải ngân vốn đầu tư công chậm, tình trạng tái lấn chiếm hành lang giao thông…

Các đại biểu cũng đề nghị sớm xây dựng kênh tiêu thoát nước xung quan Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 và dọc đường N5, để giải tỏa nỗi lo ngập lụt cho nhiều xã của huyện Nghi Lộc; có giải pháp căn cơ để xử lý ô nhiễm tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc); tăng tỷ lệ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nhân rộng mô hình trồng lúa carbon thấp; dành nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp; có chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên giỏi về tỉnh;…

bna_3836.jpg
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Hồng Hoa giải trình ý kiến của đại biểu về tình trạng thiếu nhân lực trong ngành Y tế và việc thực hiện chính sách thu hút bác sĩ giỏi về làm việc. Ảnh: Thành Cường

Sau 6 ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh, đã có 7 lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải trình, làm rõ các nhóm vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền.

Thành Duy