Sáng 9/7, tại phường Thành Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 31 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025). HĐND tỉnh đã chia 4 tổ để tiến hành thảo luận. Tại tổ 2, đồng chí Nguyễn Hữu An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hoàng Mai điều hành thảo luận.

bna_dieu-hanh-hn.jpg
Tại tổ 2, đồng chí Nguyễn Hữu An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hoàng Mai điều hành thảo luận. Ảnh: Ngân Hạnh

"Nóng" vấn đề đất đai

Liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, bảng giá đất mới được áp dụng vừa qua có mức tăng mạnh so với các đợt điều chỉnh trước đây, tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị rằng, bảng giá đất mới đã khiến giá thuê đất tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn. Vì vậy, đại biểu Chu Đức Thái đề nghị HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng cần trao đổi, giải thích rõ hơn vấn đề này để người dân nắm rõ.

bna_chu-duc-thai(1).jpg
Đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Ngoài ra, đại biểu Chu Đức Thái cũng đề nghị HĐND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền thông tin cho cử tri về nguyên nhân chậm giải ngân tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL1A và tiến độ cho đến hiện nay.

Trao đổi ý kiến của đại biểu, đồng chí Nguyễn Duy Nhật - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, mức giá quy định ở bảng giá đất tăng là để tiệm cận với giá thị trường. Đây là tình hình chung trên cả nước, không chỉ riêng tỉnh Nghệ An. Theo đồng chí Nguyễn Duy Nhật, bảng giá đất trước khi sửa đổi có nhiều bất cập, chênh lệch rất lớn với giá thị trường. Vì vậy, việc thay đổi để tiệm cận giá thị trường là xu hướng tất yếu. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã cố gắng cân bằng giữa quy định của Luật Đất đai, giá thị trường và mong muốn của người dân, doanh nghiệp để xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế.

bna_so-nn-tn.jpg
Đồng chí Nguyễn Duy Nhật - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian qua sở cùng với chính quyền địa phương đã tập trung nhiều giải pháp để rà soát, tính toán, thẩm định phương án bồi thường. Theo số liệu mới nhất, đến ngày 30/6, kinh phí đã cấp là 1.275 tỷ đồng; đã phê duyệt được hơn 676 tỷ đồng; đã chi trả được 616,339/676,013 tỷ đồng; đã phê duyệt nhưng chưa chi trả hơn 59 tỷ đồng; chưa phê duyệt hơn 304 tỷ đồng.

Một số vấn đề khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Sau khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trung tâm văn hóa - truyền thông cấp huyện được chuyển về trực thuộc quản lý của một số xã trung tâm. Thảo luận tại tổ 2, đại biểu Trần Minh Ngọc - Tổng Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An bày tỏ mong muốn thời gian tới các xã cùng phối hợp chặt chẽ để bộ phận truyền thanh - truyền hình thực hiện tốt công tác tuyên truyền rộng khắp các xã trên toàn tỉnh, là cánh tay nối dài của Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An.

bna_tran-minh-ngoc.jpg
Đại biểu Trần Minh Ngọc - Tổng Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Cùng ý kiến, đại biểu Hà Xuân Quang - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Châu kiến nghị, UBND tỉnh và các sở liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể về cách thức hoạt động, vận hành đơn vị này một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Trao đổi về nội dung này, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hiện tại sở đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng hướng dẫn quy chế làm việc của trung tâm văn hóa - truyền thông sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

bna_ha-xuan-quang.jpg
Đại biểu Hà Xuân Quang - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Châu trao đổi một số nội dung tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Tại hội nghị, đại biểu Hà Xuân Quang cho rằng, mục tiêu khi xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là để gần dân hơn, sát dân hơn, vì vậy Trung tâm Phục vụ hành chính công đóng vai trò rất quan trọng. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư máy móc, phương tiện, con người cho Trung tâm Phục vụ hành chính công, đặc biệt tại một số xã miền núi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu nâng cấp hệ thống đường truyền, công nghệ thông tin, tránh tình trạng tắc nghẽn làm chậm trễ việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.