Gần trưa 11/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh Nghệ An, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương, nhận các câu hỏi liên quan đến việc giám sát, quản lý hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh, TP Vinh, nói việc quản lý bán hàng rong trước cổng trường học và bệnh viện không chỉ gây trở ngại cho lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ an toàn thực phẩm do nguồn gốc không rõ ràng. Bà Linh đưa ra 5 gói kẹo mình đã mua trước cổng một trường học với giá 16.000 đồng, và nói thêm "rất dễ mua".

dai-bieu-linh-chat-van-2113-1720683295.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FVDmqBnb5Kd0bz4rh2PuYg

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh cầm kẹo "trôi nổi" mua trước cổng trường chất vấn Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đức Hùng

"Ngày nào học sinh cũng ăn những thực phẩm này. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và lo ngại. Đề nghị Giám đốc Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường cho biết giải pháp để quản lý chặt chẽ người bán cùng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh và người dân", bà Linh hỏi.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An Phạm Văn Hóa sau đó chỉ trả lời vế đầu trong câu hỏi của đại biểu Linh. Ông phân tích rằng việc bán hàng rong trước cổng trường "suy cho cùng là trách nhiệm của quản lý đô thị". Theo ông, người bán rong nhiều, quản lý thị trường hay công an đứng canh cũng không phù hợp. Đây là trách nhiệm của các địa phương, Sở và quản lý thị trường không thể kiểm soát việc này.

"Người bán hàng cần phải đăng ký, tuân thủ các quy định để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý, theo dõi vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền các cấp phải thường xuyên vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh không tham gia vào thị trường này. Không có người mua thì chắc không có người bán", ông Hóa nói.

ong-hoa-tra-loi-2734-1720683295.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9deg_8vnKWBbMbN_2THPUg

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Hùng

Bà Trần Thị Khánh Linh chưa hài lòng với phần trả lời ông Phạm Văn Hóa, xin tranh luận thêm. Cầm kẹo trên tay, bà nói trước cổng trường học không những chỉ bán hàng rong mà còn có các cửa hàng cố định, và một số sản phẩm bán tại đây cũng không có nguồn gốc xuất xứ.

"Những sản phẩm đó nguồn gốc thế nào, vì trên bao bì ghi toàn chữ nước ngoài. Lâu nay, Sở đã xử phạt được vụ nào chưa, nếu đã xử phạt rồi thì vì sao những hàng hóa trên vẫn bán tràn lan, dễ mua như vậy", bà Linh tiếp tục nêu câu hỏi.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An nói lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng "nếu nói là kiểm soát hết thì chỉ ở mức độ nào đó". Theo ông, vai trò rất quan trọng là từ phía người tiêu dùng chứ không phải hoàn toàn chỉ dựa vào lực lượng chức năng.

"Các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về vấn đề này. Các cơ quan, trường học chắc cũng đã nhận thông tin. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất không phải là sự kiểm tra của lực lượng chức năng, mà là vận động nâng cao nhận thức của người tiêu dùng", ông Hóa nói và cho hay Sở tiếp thu những phản ánh của cử tri, sẽ cùng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, cho rằng "không khó".

Ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, cũng đồng tình hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ bán, dễ mua, giá trị không lớn, chẳng hạn như bánh kẹo trước cổng trường cũng chỉ từ 5.000-10.000 đồng một cái. Trong khi đó chế tài xử lý việc này như "bắt cóc bỏ đĩa", chủ yếu là thu hồi và xử phạt hành chính, xong đâu lại vào đấy. Do đó cần sự vào cuộc của các cấp để hạn chế việc này.

6 tháng đầu năm, Nghệ An đã kiểm tra, xử phạt hành chính 4.233 vụ, khởi tố hình sự 896 trong 1.163 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 115 tỷ đồng.