Đoàn giám sát do đồng chí Phạm Thành Chung - Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn; cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và đại diện các phòng, ban của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An.
Báo cáo trước đoàn giám sát, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2023, cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã ban hành mới 16.896 quyết định thi hành án, trong đó có 15.007 quyết định thi hành án chủ động và 1.889 quyết định thi hành án theo yêu cầu. Tổng số vụ việc được thụ lý là 21.567 vụ và hơn 2.323 tỷ đồng tổng thụ lý về tiền. Kết quả thi hành xong 16.164 việc/18.840 việc có điều kiện thi hành; thi hành xong hơn 611 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.231 tỷ đồng có điều kiện thi hành.
6 tháng đầu năm 2024, cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp cũng đã ban hành mới 8.943 quyết định thi hành án, trong đó có 7.674 quyết định thi hành án chủ động và 1.269 quyết định thi hành án theo yêu cầu; nâng tổng số vụ việc được thụ lý là 14.378; số tiền tổng thụ lý là hơn 2.503 tỷ đồng. Kết quả thi hành xong 7.222/11.904 việc có điều kiện thi hành; thi hành xong hơn 457 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.526 tỷ đồng có điều kiện thi hành.
Kết quả thực hiện thi hành án dân sự, hành chính năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, hành chính kịp thời, đồng bộ, quyết liệt; xác định đúng trọng tâm trọng điểm là tập trung giải quyết các vụ việc án kinh tế, tham nhũng, án kinh doanh thương mại, án tín dụng ngân hàng...
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với đoàn giám sát, ông Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cũng đã nêu lên một số những khó khăn đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính trong thời gian qua. Trong đó, một vài vụ việc khó khăn phức tạp kéo dài nhiều năm, đã được tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng chưa thi hành xong như vụ thi hành án đối với bà Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thăng (huyện Đô Lương), ông Hồ Trọng Quyên (huyện Diễn Châu). Số lượng việc và tiền phải thi hành án hàng năm ngày càng tăng và càng phức tạp...
Nhiều vụ việc đưa ra bán đấu giá, nhất là bất động sản khu vực nông thôn thời điểm này rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc thi hành án những vụ việc cho tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng gặp nhiều vướng mắc khi liên quan đến tài sản thế chấp và các bên liên quan... Đặc biệt, trong điều kiện số việc, tiền tăng cao, nhất là tội phạm ma túy tăng, khiến cho khối lượng tang vật về ma túy tăng lớn, trong khi đó 13 đơn vị chưa có kho vật chứng.
Tại buổi làm việc, một số thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An làm rõ công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan, đơn vị có liên quan; cần đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành án, nhất là các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng... Trong bối cảnh nhiều đơn vị chưa có kho vật chứng thì cần phải có giải pháp để bảo quản vật chứng một cách an toàn nhất.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Phạm Thành Chung - Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả mà Cục Thi hành án đã thực hiện được trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở báo cáo, những khó khăn, hạn chế và các ý kiến của thành viên đoàn giám sát, đồng chí Phạm Thành Chung cũng đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn. Khi ban hành các quyết định thi hành án cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo kịp thời, chính xác. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Toà án nhân dân các cấp, cũng như các tổ chức tín dụng, ngân hàng để triển khai việc thi hành án hiệu quả, nhanh chóng...
Tiến Đông