1. Cử tri Hồ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai kiến nghị sớm thu hút các nhà đầu tư vào Khu du lịch sinh thái hồ Vực Mấu, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của thị xã Hoàng Mai.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch đang phối hợp với các sở chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã cập nhật Danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2030 của tỉnh. UBND thị xã Hoàng Mai căn cứ Dự thảo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), các loại quy hoạch có liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng); định hướng thu hút đầu tư, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khả năng đáp ứng quỹ đất; các thông số liên quan đến dự án để đề xuất Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tổng hợp vào Danh mục thu hút đầu tư, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư dự án.

2. Cử tri Nguyễn Thị Oanh, Bí thư Chi bộ khối 3, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm y tế thị xã Hoàng Mai để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai được khởi công vào tháng 03/2020 (thời gian thực hiện là 48 tháng, dự kiến kết thúc vào 03/2024); Dự án đã thi công hoàn thành được 95% khối lượng. Vì vậy, Hiện nay, UBND thị xã Hoàng Mai đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế điều chỉnh lại hạng mục PCCC và các hạng mục liên quan trình UBND tỉnh và các Sở Ban ngành thẩm định phê duyệt điều chỉnh (theo Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng Về QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 16/01/2023). Sau khi được phê duyệt điều chỉnh, thi công hoàn thành hạng mục PCCC, UBND thị xã Hoàng Mai sẽ bàn giao cho Trung tâm y tế thị xã đưa vào sử dụng và vận hành.

3. Cử tri nhiều phường, xã thuộc thị xã Hoàng Mai phản ánh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân còn quá nhiều thủ tục, làm người dân phải đi lại nhiều lần. UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định nhưng khi ban hành chưa có tính dài hạn, chưa tính hết các trường hợp đang tồn đọng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 40 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) việc chuyển quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) là không quá 10 ngày. Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được giảm đáng kể so với pháp luật về đất đai năm 2003 (giảm từ 20 ngày đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu và giảm 10 ngày đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện quyền). Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT) bao gồm: Đơn đăng ký đất đai; Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (nếu có); Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có). Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021) bao gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai; bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Hợp đồng thực hiện việc chuyển quyền.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương hoặc trực tiếp ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Cử tri Võ Đức Trọn, trú tại khối 5, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đề nghị UBND tỉnh phê duyệt trích đo cho các hộ dân phường Quỳnh Xuân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A phạm vi 13,5m.

UBND tỉnh trả lời như sau:

UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 366/TB-UBND ngày 31/5/2023 về việc kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc về bồi thường GPMB Dự án Nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai; trong đó nêu rõ:

- Do hiện trạng thửa đất đã thay đổi so với thời điểm trước khi thực hiện Dự án, nên việc trích đo diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ là không đủ điều kiện thực hiện theo quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh giao UBND thị xã Hoàng Mai tập trung giải quyết đơn thư, kiến nghị, khiếu nại đối với từng trường hợp cụ thể, trong đó đối với các trường hợp đủ điều kiện bồi thường, có hồ sơ tài liệu đảm bảo độ tin cậy, bản đồ qua các thời kỳ (bản đồ trước khi thực hiện Dự án PMU1 và bản đồ sau khi thực hiện Dự án PMU1) thể hiện ranh giới thửa đất của các hộ không có nhiều biến động (trừ ranh giới phần diện tích đất đã bị giải phóng mặt bằng) thì khẩn trương rà soát để ban hành Kết luận kiểm tra, Quyết định giải quyết khiếu nại. Đối với các trường hợp hồ sơ tư liệu thể hiện thông tin không thống nhất, có nhiều biến động thì cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, đối chứng thông tin thửa đất thể hiện giữa các tư liệu khác nhau (như: Bản đồ 299 có trước khi giải phóng mặt bằng dự án PMU1, Bản đồ 1997 được đo đạc sau khi thực hiện Dự án PMU1, Bản đồ đo đạc năm 2015...; thông tin tại các tài liệu có độ tin cậy khác như: Hồ sơ bồi thường tài sản công trình cho các hộ khi thực hiện Dự án PMU1, hồ sơ thiết kế thi công dự án nâng cấp mở rộng QL1A năm 2010, hồ sơ đăng ký biến động của các hộ dân...); kết hợp trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của UBND cấp xã, sử dụng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra,... để kết luận được diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ. Đối với các trường hợp không có tư liệu và bản đồ qua các thời kỳ, UBND thị xã Hoàng Mai cần xác minh, báo cáo đầy đủ, xin hướng dẫn của các ngành chuyên môn để ban hành kết luận, quyết định giải quyết đúng pháp luật.

5. Cử tri Lê Hữu Ngân, trú tại khối 14, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh có nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mất bản đồ 299, do diện tích đất thực tế tăng nhiều so với giấy chứng nhận cũ, xây dựng công trình phụ trên đất thừa...; đề nghị sớm có giải pháp cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai đã rà soát, phân loại các thửa đất trên địa bàn khối 14, phường Quỳnh Xuân; kết quả có khoảng 390 thửa đất trong đó: 154 thửa đất ở chưa kê khai, lập hồ sơ cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận và 141 thửa đất nông nghiệp. Đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai đã lập xong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khối 14, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai để bàn giao cho UBND phường Quỳnh Xuân, Ban cán sự khối 14 thực hiện việc xét duyệt nguồn gốc, thời điểm, quá trình, hiện trạng sử dụng đất, niêm yết công khai theo quy định.

Về xem xét cấp đổi Giấy chứng nhận đối với trường hợp diện tích tăng, ranh giới thay đổi đã được quy định cụ thể tại Điều 24a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chỉnh phủ, Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT ngày 15/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (sửa đổi, bổ sung Điều 9a Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT), điểm c khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 21 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh. Việc lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận được căn cứ theo số liệu Bản đồ đo đạc mới nhất được phê duyệt, bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg là một tài liệu tham khảo, không phải là một loại Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Do đó, việc cử tri phản ánh mất bản đồ 299/TTg không ảnh hưởng đến việc kê khai cấp Giấy chứng nhận cho người dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn người dân (trong đó có các hộ gia đình, cá nhân tại khối 14, phường Quỳnh Xuân) kê khai hồ sơ cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận; tổ chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng thời gian công vụ quy định.

6. Cử tri Hồ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh một số diện tích đất nuôi trồng thủy sản do Công ty nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn quản lý và cho người dân thầu khoán nhưng không sản xuất, hoặc sản xuất không hiệu quả, xây dựng nhà quá diện tích, không phép, sai phép gây lãng phí tài nguyên đất...; đến năm 2024 là hết hạn thuê đất của đơn vị này, vì vậy đề nghị thu hồi và có giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UBND thị xã Hoàng Mai để xử lý theo quy định.

7. Cử tri Đậu Văn Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Nhân dân phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh Văn phòng Quỹ Tín dụng Nhân dân phường Quỳnh Xuân có trụ sở tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu mua lại đất của người dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, thủ tục xin chuyển từ đất ở sang đất thương mại gặp nhiều khó khăn; đề nghị có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho hoạt động của Quỹ.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4629/STNMT-QLĐĐ ngày 10/7/2023 trả lời, hướng dẫn ông Đậu Văn Thuần xử lý nội dung kiến nghị.

8. Cử tri Đinh Văn Hoan, Tổ dân phố Toàn Thắng, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai đề nghị chi trả cho Nhân dân thị xã Hoàng Mai tiền đền bù đất thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, phạm vi 13,5m.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 2182/BGTVT-KHĐT ngày 06/3/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị như sau:

- Về cơ sở tính toán và kinh phí hỗ trợ, UBND tỉnh Nghệ An báo cáo đã được xác định trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 4353/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/8/2020 với kinh phí là 1.282,52 tỷ đồng.

- Về nguồn vốn: Do khoản mục chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, Bộ GTVT ủng hộ kiến nghị sử dụng nguồn vượt thu năm 2022 của Trung ương theo đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An và được Bộ Tài chính đồng thuận tại văn bản số 1455/BTC-ĐT ngày 16/02/2023.

- Về cơ quan chủ trì thực hiện và tiếp nhận nguồn vốn: Do các dự án thành phần đã hoàn thành và được quyết toán; đồng thời không nằm trong danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bộ GTVT thống nhất theo đề xuất của tỉnh Nghệ An, giao UBND tỉnh Nghệ An tiếp nhận nguồn kinh phí này và giao một nhiệm vụ chi ngân sách riêng cho tỉnh Nghệ An để chi trả dứt điểm cho các hộ dân và quyết toán theo quy định.

- Trường hợp, trong quá trình triển khai thực hiện, phát sinh thêm kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cân đối nguồn vốn của địa phương để triển khai thực hiện.

UBND tỉnh đã có văn bản số 1750/UBND-BTD ngày 15/3/2023 giao các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu báo cáo trước ngày 31/3/2023, đến ngày 13/4/2023 Sở GTVT mới nhận đủ ý kiến của các Sở. Ngày 19/4/2023, Sở đã tổng hợp ý kiến, báo cáo UBND tỉnh tại văn bản số 1290/SGTVT-QLDA, trong đó nội dung giao cơ quan chủ trì tiếp nhận nguồn kinh phí chưa được Sở Tài chính báo cáo. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các Sở, ngành, làm việc với Chính phủ, Bộ GTVT, KHĐT, Tài chính giải trình, làm rõ các nội dung khi có yêu cầu để sớm hoàn thành thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi trả giải quyết tình trạng đơn thư khiếu nại.

9. Cử tri Lê Hữu Ngân, trú tại khối 14, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai kiến nghị có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa khối, xóm vì sau khi sáp nhập nhà văn hóa hiện tại không đủ diện tích, chỗ ngồi sinh hoạt.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT (đợt 1) cho 15 thôn; Quyết định số 899/QĐ-UBND ngày 07/4/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT (đợt 2) cho 23 thôn, tổng kinh phí được đầu tư 02 đợt hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn bản là 10.400.000.000 đồng. Tổng 2 đợt là 38/83 thôn đã được đầu tư.

- Vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: số thôn được đầu tư hỗ trợ xây dựng, nâng cấp sửa chữa là 48 nhà văn hóa thôn, bản, tổng kinh phí 36,177 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đã được phân bổ cho các địa phương (Nghị quyết số 08/NQ HĐND ngày 24/6/2022 của HĐND tỉnh). Vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 đầu tư cơ sở vật chất văn hóa là 43,256 tỷ đồng, KH 2023: 33,256 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị khẩn trương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý tài sản công của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, nhà văn hóa các xã sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các thôn sau sáp nhập theo quy định trình Sở Tài chính thẩm định. Trên cơ sở đó, tham mưu cho tỉnh quyết định phương án khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu về thiết chế văn hóa, thể thao tại các xã, thôn sau khi thực hiện sáp nhập.

- Về thiết kế mẫu nhà văn hóa cấp thôn áp dụng cho vùng ngập lụt thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 908/SXD-QLXD ngày 18/3/2022 về việc phát hành và hướng dẫn áp dụng hồ sơ thiết kế mẫu nhà văn hóa cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

10. Cử tri Nguyễn Hải Vân, trú tại khối 7, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh khi đi khám ở các bệnh viện công lập thì chi phí khám thấp hầu như được thanh toán đầy đủ, nhưng khi đi khám ở bệnh viện tư thì phải thanh toán nhiều hơn, đề nghị xem xét lại phần chi phí khám ở các bệnh viện tư để không có nhiều chênh lệch so với bệnh viện công.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện tại giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập thực hiện theo giá quy định của Nhà nước (giá KCB sử dụng quỹ BHYT theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp; Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT; Giá viện phí do người bệnh chi trả theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Nghệ An quản lý).

Giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập: Theo khoản 1 Điều 11 của Luật giá và khoản 5 Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ KCB và phải công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Do đó, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá nhằm đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy để phát triển; cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải kê khai và niêm yết giá khám chữa bệnh theo đúng quy định để người dân được biết rõ trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.

11. Cử tri Lê Thị Hằng, trú tại khối 13, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động trên địa bàn thị xã Hoàng Mai bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, số 126/NQ- CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid- 19 từ ngày 30/6/2022. Vì vậy, không có cơ sở để giải quyết kiến nghị của cử tri Lê Thị Hằng.

12. Các cử tri: Ngô Quang Tiếp, đại biểu HĐND phường Quỳnh Xuân; Trần Nguyên Nhung, trú tại khối 5, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh ngành viễn thông thi công sử dụng hệ thống cột điện của điện lực để treo mắc dây gây mất mĩ quan, mất an toàn cho Nhân dân. Các vật liệu sau khi sửa chữa không thu dọn vứt làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung. Đề nghị có giải pháp giải quyết dứt điểm.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Một số nội dung chỉnh trang, hạ ngầm mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023:

- Các văn bản triển khai thực hiện:

+ Quyết định số 4148/QĐ-UBND ngày 29/8/2016 về việc ban hành Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông năm 2018 – 2020.

+ Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 về việc ban hành Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông năm 2018 – 2020.

+ Quyết định số 2790/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 ban hành Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông năm 2022,2023).

- Kết quả đã thực hiện:

+ Hạ ngầm: Đạt 6,8/10,657 km (64/%). Khối lượng còn lại đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện theo lộ trình phù hợp với nguồn lực doanh nghiệp, địa phương.

+ Hạ ngầm kết hợp chỉnh trang: 22.100/23.600m (94%). Việc chỉnh trang cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, ngầm hóa gặp nhiều khó khăn.

+ Chỉnh trang mạng cáp: 335.487/236.900m (142%).

- Biện pháp đã và đang triển khai:

+ Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 802/STTTT CĐS ngày 21/4/2023 về triển khai Kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp 2023, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan chủ động rà soát, ưu tiện khắc phục ngay các vị trí ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Văn bản số 1221/STTTT-CĐS ngày 14/6/2023 về việc đề nghị phối hợp thực hiện Kế hoạch chỉnh trang mạng cáp viễn thông treo trên cột điện lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

+ Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo việc chỉnh trang, ngầm hóa, bảo đảm các mục tiêu theo Kế hoạch. Việc bảo đảm vệ sinh môi trường, các kế hoạch triển khai đã giao cho các đơn vị thi công thực hiện đúng các quy định về thi công, thu hồi, don dẹp vệ sinh môi trường. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp và hướng dẫn các địa phương nghiêm túc thực hiện.

13. Cử tri Nguyễn Viết Hiên, Phó Chủ tịch HĐND phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai phản ánh nhiều cột điện từ năm 1993 đến nay đã xuống cấp nhưng các Hợp tác xã của phường Mai Hùng đã bàn giao về điện lực. Trong đó có 02 HTX bàn giao về điện lực giá trị không đồng, còn lại HTX Toàn Thắng bàn giao giá trị tài sản 192 triệu đồng, đã có hồ sơ gửi đến Điện lực Quỳnh Lưu nhưng đến nay vẫn chưa chi trả. Cử tri kiến nghị sớm giải quyết chi trả khoản tiền này cho người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

+ Về nội dung cải tạo lưới điện: Khi tiếp nhận lưới điện phường Mai Hùng, toàn phường có 5 trạm biến áp. Đến nay Công ty Điện lực Nghệ An đã thực hiện đầu tư xây dựng thêm 11 trạm, nâng tổng số lên 16 trạm biến áp. Hiện tại Công ty Điện lực Nghệ An đang triển khai dự án đầu tư lưới điện trung thế 22kV cấp điện khu vực phường Mai Hùng và Quỳnh Trang và dự án cải tạo lưới điện hạ thế tại khu vực khối 10 đang triển khai công tác lập hồ sơ. Chất lượng điện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tuy nhiên còn một số cột kém chất lượng tại khu vực khối 15; 16 phường Mai Hùng. Khu vực này Điện lực đã thay thế một số cột kém chất lượng, hiện nay còn một số cột tự đúc Công ty Điện lực Nghệ An sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch thay thế theo lộ trình.

+ Về nội dung hoàn trả vốn đầu tư: Khi có chủ trương hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn, phường Mai Hùng đã lập hồ sơ, Công ty Điện lực Nghệ An đã trình Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đợt 1 tuy nhiên hồ sơ chưa hoàn thiện nên phải bổ sung. Sau khi bổ sung hồ sơ, Công ty Điện lực Nghệ An đã trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang hoàn thiện thủ tục để ra quyết định chi trả; Sau khi có Quyết định phê duyệt, Công ty Điện lực Nghệ An sẽ triển khai thực hiện chi trả theo quy định.

14. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:

+ Nâng cấp hệ thống kênh Vực Mấu do hiện tại kênh này đã bị bể, chảy nước tại khối 15, phường Quỳnh Xuân nên khu vực cao hơn bị thiếu nước, gây chết lúa (cử tri Nguyễn Đình Hanh, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Kênh chính Vực Mấu (kênh Chính + kênh Nam) dài 19,985 km, trong đó đoạn đã được kiên cố hóa 7,54 km gồm, đoạn từ K0+000 - K6+200, K13+226 - K13+469 và đoạn K18+885 - K19+985, còn lại là kênh đất dài 12,44 km. Tuyến kênh đất được xây dựng từ lâu lại đi qua vùng đồi núi, bờ kênh đắp bằng đất pha cát có độ chênh cao quá lớn; Do đó, trong quá trình dẫn nước tưới bị rò thấm gây trượt, vỡ, lở. Đặc biệt, khi có mưa lớn nước trên các triền núi đổ dồn vào kênh gây bồi lắng, vỡ, lở bờ kênh.

Ngày 29/9/2022, do ảnh hưởng của các trận mưa lớn gây ra làm vỡ bờ hữu kênh chính Vực Mấu tại vị trí K8+660, hư hỏng cống tiêu ngang và gây sạt lở mái ngoài bờ tả tại K10+470 - K10+498 thuộc địa bàn phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai.

Ngày 25/3/2023, bờ hữu kênh tại vị trí K8+660 lại bị vỡ lần thứ 2, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc đã khắc phục tạm thời để cấp nước phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí hơn 78,0 triệu đồng bằng nguồn vốn của Công ty và đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, kinh phí để khắc phục triệt để.

UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công hạng mục công trình: Xử lý vỡ kênh bờ hữu và bể cống tiêu ngang tại K8+660 và sạt lở mái ngoài bờ tả đoạn K10+470-:-K10+498 kênh chính Vực Mấu, bằng nguồn vốn dự phòng Trung ương về khắc phục các công trình hư hỏng do mưa bão năm 2022 gây ra, dự kiến công trình sẽ thi công trong tháng 10 năm 2023.

HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 13/8/2021về Chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, có danh mục Chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến kênh tưới chính hồ chứa nước Vực Mấu (Phụ lục số 43).

Mục tiêu đầu tư: Bảo đảm cấp nước tưới ổn định cho khoảng 1.340 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó: kênh Bắc cấp nước tưới ổn định cho khoảng 1.015 ha, kênh Đông cấp nước tưới ổn định cho khoảng 325ha.

Quy mô đầu tư: Tuyến kênh Bắc: Kiên cố hoá tuyến kênh có chiều dài 4,5km, gia cố bờ kết hợp làm đường quản lý; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình trên kênh; Tuyến kênh Đông: Kiên cố hoá đoạn đầu kênh có chiều dài khoảng 300m, gia cố bờ kết hợp làm đường quản lý; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình trên kênh.

Tổng mức đầu tư: 72.000 triệu đồng (72 tỷ đồng).

Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: 65 tỷ đồng; Nguồn vốn đầu tư của Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc Nghệ An: 7 tỷ đồng.

Địa điểm thực hiện dự án: Trên địa bàn các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai.

Tiến độ thực hiện dự án: 3 năm kể từ ngày khởi công.

Hiện nay dự án đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cải tạo, nâng cấp các tuyến kênh tưới chính hồ chứa nước Vực Mấu. Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc (Chủ đầu tư) sẽ tiến hành triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án đảm bảo theo quy định.

15. Cử tri Hoàng Xuân Thụ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phản ánh việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng khá khó khăn, rủi ro cao, đã có nhiều hộ dân bị thiệt hại. Kiến nghị UBND tỉnh khảo sát, tổng kết để khuyến cáo, hỗ trợ, tập huấn cho người dân phương pháp nuôi tôm an toàn, hiệu quả hoặc chuyển đổi mô hình nuôi tôm tại vùng Hói Bù, Hói Chẽm, Quang Minh 2 và một số vũng nhỏ l khác thuộc xã Quỳnh Xuân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Vụ nuôi chính năm 2023, bà con nuôi tôm toàn tỉnh nói chung và trên địa bàn phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do tác động tiêu cực của thời tiết, dịch bệnh trên tôm nuôi, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi. Nhiều hộ nuôi đã cắt giảm diện tích hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm chính vụ, chuyển sang thả tôm nuôi vụ Đông.

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương có diện tích nuôi tôm triển khai nhiều biện pháp như:

- Cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến nuôi tôm tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, duy trì thả nuôi với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

- Thông tin đầy đủ về quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để kịp thời khuyến cáo cho người nuôi tôm trên địa bàn các biện pháp chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất. Đồng thời triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh thuỷ sản nguy hiểm trên tôm nuôi tại các địa phương.

- Khuyến cáo người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường,…), từ đó giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

- Tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm tăng cường thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình nuôi mới (như mô hình nuôi nhiều giai đoạn, mô hình nuôi nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao... ) để bà con nghiên cứu, áp dụng kịp thời giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trong nuôi tôm.

- Hỗ trợ chính sách cho người nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ mới theo Nghị quyết số 18/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025.

Đến thời điểm hiện nay đã hỗ trợ cho 17 mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ 3.880 triệu đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 14/NQ-HDNĐ ngày 20/12/2017 của HĐND tỉnh là 2.070 triệu đồng; theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND là 1.810 triệu đồng). Riêng UBND phường Quỳnh Xuân từ khi có chính sách đến nay đã hỗ trợ 02 mô hình với tổng kinh phí 690 triệu đồng. Hiện nay, đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho 01 mô hình tại Khối 7, phường Quỳnh Xuân để thực hiện trong năm 2023 theo đúng quy định. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và khuyến cáo cho người nuôi tôm triển khai các giải pháp kỹ thuật đồng thời áp dụng những quy trình, công nghệ phù hợp để nuôi tôm an toàn, đạt hiệu quả.

16. Các cử tri: Lê Đăng Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh; Đậu Minh Công, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai phản ánh việc thi công tuyến đường cao tốc Bắc Nam còn có nhiều tồn đọng, vướng mắc trong công tác hoàn trả mặt bằng, các kiến nghị của người dân chậm được giải quyết như: Mương thoát nước bị chặn hoặc không có hướng chảy, đường gom dân sinh hẹp hơn so với hiện trạng ban đầu hoặc không còn đường vào đất sản xuất (khối 7, xã Quỳnh Vinh), đường đắp nền dẫn đến mưa bị dính đất, mùa khô bị bụi đất, dòng sông bị bồi đắp….gây khó khăn cho Nhân dân các xã. Kiến nghị có các giải pháp khắc phục.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu qua địa bàn thị xã Hoàng Mai với chiều dài khoảng 9km (Km386-Km395) đã hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT để thông xe khai thác tạm từ ngày 01/9/2023.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án vừa qua còn một số tồn tại, phát sinh cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế cũng như đảm bảo ATGT và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực tuyến đi qua. Trên cơ sở Văn bản số 1864/UBND-QLĐT ngày 10/7/2023 của UBND thị xã Hoàng Mai và qua các buổi kiểm tra, rà soát, làm việc tại hiện trường với Lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai, UBND xã Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang, Ban QLDA 6 đã có Văn bản số 1403/BQLDA6-BĐH NS-DC ngày 04/8/2023 chỉ đạo các Nhà thầu thi công thực hiện và Văn bản số 1404/B QLDA6-BĐH NS-DC ngày 04/8/2023 trả lời các kiến nghị của UBND thị xã Hoàng Mai (xin gửi kèm theo các Văn bản liên quan).

Ban QLDA 6 đã và đang tiếp tục đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường,… đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

17. Các cử tri: Hồ Ngọc Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Quỳnh Phương; Hồ Sỹ Tùng, Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai phản ánh mức thu phí bảo vệ môi trường theo Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh không đủ kinh phí chi trả cho các công ty môi trường. Kiến nghị cho phép việc thu phí vệ sinh môi trường theo từng loại hình kinh doanh để đảm bảo nguồn cân đối thu chi công tác vệ sinh môi trường.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Về ý kiến mức thu phí bảo vệ môi trường theo Quyết định số 19/2019/QĐ UBND của UBND tỉnh không đủ kinh phí chi trả cho các công ty môi trường: Quyết định 19/2019/QĐ-UBND tỉnh của UBND tỉnh quy định Giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể tại điểm a, b Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND đã quy định:“1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: a) Căn cứ vào mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt được quy định tại Điều 2 Quyết định này, UBND các huyện, thành phố, thị xã thẩm định mức giá cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đóng góp của các đối tượng trên địa bàn và không vượt mức giá tối đa theo quy định tại Điều 2 Quyết định này; b) Trong trường hợp số tiền thu từ giá dịch vụ chưa đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt thì UBND các huyện, thành phố, thị xã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để cấp bù cho các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn”.

Theo đó, đối với ý kiến cử tri về trường hợp số tiền thu từ giá dịch vụ chưa đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt (mức thu không đủ kinh phí chi trả cho các công ty môi trường) thì UBND các huyện, thành phố, thị xã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để cấp bù cho các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

- Về kiến nghị cho phép việc thu phí vệ sinh môi trường theo loại hình kinh doanh để đảm bảo nguồn cân đối thu chi công tác vệ sinh môi trường: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND được phân loại theo các đối tượng thu (hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, hộ kinh doanh,.... trong hộ kinh doanh cũng đã phân loại cơ bản các dịch vụ kinh doanh). Đồng thời, tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) quy định: “1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây: a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;…”. Tại khoản 2 Điều 29 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định như sau: “2. Nguyên tắc định giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau: a) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ CP được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương; b) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.” Đến thời điểm hiện tại, đơn giá dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND được tính toán theo khẩu (đối với hộ gia đình cư trú không tham gia kinh doanh); theo hộ, đơn vị (đối với các hộ tham gia kinh doanh, đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh)... mà chưa thực hiện thu theo khối lượng hoặc thể tích. Vì vậy, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn về định mức về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, căn cứ chức năng nhiệm vụ và phân công của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ kịp thời phối hợp xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp quy định pháp luật hiện hành.