1. Cử tri phường Vinh Tân, thành phố Vinh phản ánh dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền (Danatol) kè ra sát bờ sông Vinh để chia lô bán nền, gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ vấn đề này để nhân dân được biết.
Về nội dung này, UBND tỉnh đã có Công văn số 2875/UBND-CN ngày 03/5/2019 về việc kiểm tra, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình Sông Vinh khu thực hiện dự án đầu tư (theo phản hồi chuyên mục "vấn đề trách nhiệm” của Đài PTTH Nghệ An). Trong đó, chỉ đạo Công ty Cổ phần Danatol tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của Sông Vinh khi thực hiện dự án; báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở ngành, địa phương liên quan xem xét tham mưu UBND tỉnh.
Ngày 14/4/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 125/BC-SNN.TL về việc báo cáo kiểm tra đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của sông Vinh khu vực thực hiện dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền với nội dung:
+ Qua kết quả nghiên cứu của Đề tài "Nghiên cứu đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ sông Vinh khi thực hiện dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An" do Trường Đại học Giao thông vận tải thực hiện đã khẳng định: Việc xây dựng khu đô thị mới Cửa Tiền chỉ gây ra ảnh hưởng rất nhỏ tới độ dâng mực nước phía thượng lưu, tuy nhiên mực nước tăng là rất nhỏ, không làm thay đổi năng lực phục vụ của sông Vinh trong mùa mưa lũ.
+ Căn cứ Điều 48, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017 về việc xử lý công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có nêu:
- Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi được tiếp tục sử dụng nhưng không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu.
- Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời."
+ Từ kết quả của Đề tài và căn cứ Điều 48, Luật Thủy lợi, kính đề nghị UBND tỉnh xem xét trước mắt cho phép Dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền được tiếp tục hoạt động nhưng không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu. Về lâu dài, nếu trong quá trình hoạt động các công trình thuộc dự án hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình sông Vinh gây ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của sông Vinh thì phải thực hiện các biện pháp khắc phục, trong trường hợp không thể khắc phục thì Công ty CP Danatol phải chịu trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền dỡ bỏ hoặc di dời.
Ngày 23/4/2020, UBND tỉnh có Công văn số 2445/UBND-CN đồng ý với đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 125/BC-SNN.TL nêu trên. Đồng thời giao, Công ty CP Danatol có trách nhiệm phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng, UBND thành phố Vinh và các cơ quan liên quan trong quá trình quản lý, bảo vệ công trình sông Vinh và đảm bảo an toàn, năng lực phục vụ của sông Vinh tại khu vực thực hiện dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền.
2. Cử tri phường Vinh Tân, thành phố Vinh phản ánh dự án Khu đô thị mới Vinh Tân (thuộc Tập đoàn TECCO) có gần 1.000 hộ dân; dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền (Danatol) … không quy hoạch đất và chưa có nhà văn hoá. Cử tri đề nghị UBND tỉnh khi phê duyệt các dự án khu Chung cư cần đảm bảo có nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trường học, tránh trường hợp khi trình phê duyệt ban đầu có các hạng mục này, nhưng sau đó nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch thì không có các hạng mục này nữa.
a) Đối với việc xây dựng Nhà văn hóa tại 2 Khu đô thị nói trên:
- Khu đô thị mới Vinh Tân: Ngày 07/01/2022, Công ty CP Tập đoàn Tecco - Chi nhánh tại Nghệ An đã có văn bản số 03/TECCO.CN-KTDA đề nghị trả đất quy hoạch cây xanh (số 6, diện tích 885,8m2) trong khu đất CT4 thuộc Dự án, giao lại cho Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa cho người dân. Quy hoạch phân khu phường Vinh Tân đã bố trí Nhà văn hóa trong phạm vi dự án (tại vị trí Công ty CP Tập đoàn Tecco - Chi nhánh tại Nghệ An trả đất nói trên). Hiện nay, UBND thành phố đang đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị mới Vinh Tân để có cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng Nhà văn hóa.
- Khu đô thị mới Cửa Tiền: theo điều chỉnh quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4924/QĐ.UBND-XD ngày 03/10/2014 thì có hạng mục nhà văn hóa với diện tích là 1.223,23m2. Theo báo cáo của Công ty CP Danatol tại văn bản số 15/TT.CN.2022 ngày 06/3/2022 thì dựa trên quy hoạch chi tiết được duyệt, Công ty đang lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp phép xây dựng để tiến hành xây dựng. Công ty cam kết sẽ hoàn thiện xây dựng công trình Nhà văn hóa trong năm 2022.
b) Đối với việc đảm bảo có nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trường học tại các dự án khu chung cư: Các dự án Khu chung cư trên địa bàn tỉnh chủ yếu được lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng từ nhiều năm trước. Hiện nay, trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn và thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị (trong đó có các chung cư cao tầng), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư lập quy hoạch bố trí đúng và đầy đủ quỹ đất xây dựng các công trình công cộng như: cây xanh, nhà văn hóa, trường học... đảm bảo theo đúng quy định.
3. Cử tri phường Vinh Tân, thành phố Vinh kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An tại phường Vinh Tân vì kéo dài nhiều năm nhưng không thực hiện.
Ngày 25/8/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6179/UBND-CN về việc kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đoàn liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì đã tổ chức kiểm tra dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An tại phường Vinh Tân. Đoàn kiểm tra đã có báo cáo số 667/SXD-BC ngày 01/3/2022 về kết quả kiểm tra dự án.
Ngày 20/4/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 2790/UBND-CN về việc xử lý các dự án chậm tiến độ thuộc lĩnh vực nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đối với dự án Khu đô thị Dầu khí tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vinh và các cơ quan liên quan rà soát về điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác có liên quan để xem xét việc tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ điều kiện, tham mưu UBND tỉnh hủy bỏ quy hoạch dự án và xử lý các nội dung liên quan đúng quy định hiện hành.
4. Cử tri xã Hưng Đông, thành phố Vinh phản ánh Khu công nghiệp Hưng Đông ở các xóm: Yên Xá, Yên Vinh, xã Hưng Đông được triển khai xây dựng đã lâu nhưng bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp khắc phục.
CCN Hưng Đông diện tích 39,5 ha thuộc Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 91/2007/QĐ-UBND.CN ngày 11/01/2007; Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3437/QĐ-UBND ngày 4/10/2005 và phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN tại Quyết định số 8827/QĐ-UBND.ĐT ngày 31/12/2008 Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị đường sắt làm Chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 271211000032 ngày 15/11/2011; Điều chỉnh lần thứ nhất ngày 26/9/2013; Điều chỉnh lần thứ hai ngày 01/4/2020.
CCN Hưng Đông là một trong ba CCN trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp làm Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Vị trí CCN Hưng Đông thuộc địa bàn thành phố Vinh, có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế. Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB và xây dựng tuyến đường D3, đường N3 thuộc hạ tầng CCN. Tổng kinh phí đã thực hiện trên 110,4 tỷ đồng, trong đó được ngân sách tỉnh đã hỗ trợ theo Nghị quyết 167/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN với kinh phí là 10,4 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và xây dựng hệ thống đường giao thông trong CCN, ngoài ra nhà đầu tư đã bỏ gần 100 tỷ đồng.
Hiện nay, Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND thành phố Vinh tiến hành thủ tục giao đất để tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại và thu hút lấp đầy CCN. Dự án đã kéo dài gần 10 năm, mặc dù Chủ đầu tư đã bỏ kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường GPMB và xây dựng đường giao thông trong CCN, tuy nhiên việc chậm tiến độ chủ yếu từ nguyên nhân khách quan do Chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc người dân không phối hợp thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái lấn chiếm sau sau bồi thường, chậm được nhà nước giao đất, cho thuê đất (đến ngày 20/7/2021, UBND thành phố Vinh mới có Công văn số 4774/UBND-PTQĐ xác nhận cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường, GPMB), đối với vị trí quy hoạch đường vào CCN vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Mặt khác, theo nội dung Công văn số 6775/UBND-TNMT ngày 13/10/2021 của UBND thành phố Vinh thì nguyên nhân của việc chậm trễ trong giao đất còn do việc xác định diện tích đất giao cho Chủ đầu tư còn thiếu (có sự chênh lệnh trên thực địa so với hồ sơ), hiện nay Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND TP Vinh để xác định lại phần diện tích còn thiếu và tiến hành hoàn thành công tác giao đất.
CCN Hưng Đông giáp với KCN Bắc Vinh và gần KCN VSIP, có vị trí thuận lợi về giao thông để thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, phù hợp với Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh và Quyết định số 2007/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh phê duyệt phân khu tỷ lệ 1/2000 xã Hưng Đông, thành phố Vinh. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư liên hệ để khảo sát để đăng ký thuê đất nhưng do chưa có đường vào CCN, diện tích đất đã hoàn thành bồi thường theo dạng báo đốm nên nhà nước chưa thể hoàn thiện hạ tầng và làm các thủ tục thuê đất đã ảnh hưởng đến tiến độ và công tác thu hút dự án vào trong CCN, gây lãng phí về sử dụng đât đai. Để đẩy nhanh tiến độ phát triển CCN Hưng Đông:
- Đề nghị UBND thành phố Vinh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị đường sắt có phương án tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ công tác giao đất để Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị đường sắt tiếp tục tiến hành hoàn thiện các hạng mục hạ tầng CCN còn lại, thu hút các dự án vào trong CCN, tạo việc làm cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Hoàn thiện việc GPMB để mở đường vào CCN phía mặt đường Nguyễn Chí Thanh để đảm bảo sau khi được nhà nước giao đất sẽ nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và thu hút các dự án vào lấp đầy diện tích CCN;
- Yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong CCN đặc biệt là hệ thống xử ký nước thải tập trung mới cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong CCN. Chỉ thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ không có nguy cơ gây ô nhiễm, các ngành thân thiện với môi trường theo Quyết định số 876/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về điều chỉnh chức năng, mục tiêu và quy hoạch ngành nghề thu hút đầu tư trong CCN Hưng Đông để đảm bảo phát triển bền vững và không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh CCN.
5. Cử tri phường Vinh Tân, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đặt tên đường ở một số tuyến đường trên địa bàn phường Vinh Tân. Bên cạnh đó, việc đặt tên đường nên lấy tên các danh nhân gắn liền với lịch sử của Tỉnh, tên đường nên ngắn gọn để dễ nhớ và có ý nghĩa (như đoạn đường từ đường tàu thống nhất đến xóm 7 xã Hưng Chính đặt tên là Đặng Thị Hồng Vân nhân dân có ý kiến là chưa phù hợp vì tên dài và không gắn liền với lịch sử của tỉnh Nghệ An).
Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu quy trình đặt tên, đổi tên đường và điều chỉnh chiều dài các tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đợt VI theo đúng quy định của Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Theo quy trình, hồ sơ đặt tên đường thành phố Vinh đợt VI đã được thông qua Hội đồng tư vấn, xin ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành liên quan, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh để xin ý kiến của quần chúng nhân dân. Riêng đối với phường Vinh Tân, nơi có tuyến đường Đặng Thị Hồng Vân đi qua, UBND thành phố Vinh đã chỉ đạo UBND phường Vinh Tân tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trên địa bàn phường và UBND phường đã có Báo cáo số 238/BC-UBND ngày 08/6/2021 về kết quả triển khai lấy ý kiến với sự đồng thuận cao của nhân dân.
Ngày 13/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ- HĐND về việc đặt tên, đổi tên đường và điều chỉnh chiều dài các tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đợt VI, trong đó đoạn đường từ Đường sắt Bắc Nam đến Xóm 7, Xã Hưng Chính, có chiều dài 850m được đặt tên: Đặng Thị Hồng Vân. Bà là nhà khoa học người Nghệ An có lý lịch trích ngang như sau:
Bà Đặng Thị Hồng Vân (1925-1991) - Giáo sư, Nữ Viện sĩ thông tấn đầu tiên ở nước ta, quê ở xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An. Tốt nghiệp tú tài, Đặng Thị Hồng Vân theo học Đại học Dược Hà Nội. Đang học dở nǎm thứ 2 thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà gia nhập quân đội. Đầu nǎm 1953, bà tốt nghiệp Đại học Dược. Nǎm 1955, bà chuyển ngành về Bộ Y tế và trở thành giảng viên trường Đại học Dược. Gần 40 nǎm giảng dạy, bà đã tham gia đào tạo hàng ngàn dược sĩ cao cấp, trên Đại học và hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh hoàn thành luận án Phó tiến sĩ. Trên 20 nǎm làm Trưởng bộ môn bào chế, bà đã tham gia nghiên cứu và chủ nhiệm 40 đề tài khoa học. Ngày 7/10/1990, Giáo sư Đặng Thị Hồng Vân được trao danh hiệu Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm quốc gia Dược học Pháp vì những đóng góp to lớn trong ngành Dược học.
Như vậy, việc lựa chọn danh nhân khoa học Đặng Thị Hồng Vân để đặt tên đường phố ở thành phố Vinh là đúng với quy định. Ngoài ra tên của bà cũng không quá dài so với một số tên đường khác đã đặt trên địa bàn tỉnh.
6. Cử tri phường Vinh Tân, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp đổi đổi Huy chương chiến sĩ vẻ vang cho người dân vì một số người đã làm hồ sơ đề nghị từ năm 2013 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tại Điều 56 Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi năm 2013quy định tiêu chuẩn tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang: “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến liên tục từ 20 năm trở lên;“Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến liên tục từ 15 năm đến dưới 20 năm; “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến liên tục từ 10 năm đến dưới 15 năm.(Đối với công nhân viên chức quốc phòng được tính thời gian để xét khen thưởng từ 1/7/2004 trở về sau). Năm 2013 Bộ Quốc phòng không có chủ trương triển khai việc cấp đổi Huy chương chiến sỹ vẻ vang mà chỉ triển khai hướng dẫn cho các đối tượng có đủ tiêu chuẩn kê khai, lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang. Việc lập hồ sơ đề nghị thực hiện đúng quy trình,thủ tục từ xã phường thị trấn tới Ban CHQS huyện, thành phố, thị xã xét duyệt, báo cáo Bộ Chỉ huy tỉnh xem xét báo cáo Quân khu, Bộ Quốc phòng đề nghị Nhà nước khen thưởng.
7. Ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản ánh trên địa bàn tỉnh còn có 11 huyện không có cán bộ thủy lợi. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bố trí cán bộ tham mưu công tác quản lý thủy lợi ở các huyện này.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã có Công văn số 9689/UBND-NN ngày 10/12/2021 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, địa phương liên quan xem xét kiến nghị của ông Nguyễn Quang Hòa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến nay chỉ có 10/20 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế) là có công chức được đào tạo chuyên ngành về thủy lợi (trừ thị xã Cửa Lò là địa phương không có công trình thủy lợi). Ngày 17/12/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 4770/SNN-TL đề nghị UBND các huyện, thành, thị chưa có cán bộ, công chức thủy lợi công tác tại phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc phòng Kinh tế) ưu tiên tuyển dụng ngay. Tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức chuyên ngành thủy lợi cho lực lượng quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn.
Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành, thị, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy trình tuyển dụng công chức theo đúng quy định hiện hành.
8. Cử tri thành phố Vinh phản ánh trạm bơm 16A tưới nước phục vụ cho vùng sản xuất lúa các xã Hưng Đông, Nghi Kim, thành phố Vinh và xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc không bơm được nước vào mùa hè, gây khó khăn, mất mùa trong sản xuất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sửa chữa, khắc phục.
Trạm bơm 16A được xây dựng năm 1970 tại xã Hưng Đông, TP Vinh do Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam quản lý. Trạm có 5 máy trục đứng; Lưu lượng: 4 máy x 1600m3/h và 01 máy 2100m3/h; Phục vụ tưới cho 473,2 ha/vụ, gồm các xã: Hưng Đông, Hưng Tây, Nghi Vạn, Nghi Kim, Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông Bắc Trung Bộ. Tuyến kênh dẫn vào trạm bơm có chiều dài: 30m lấy nước từ kênh Thấp để bơm cấp nước tưới phục vụ.
Vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 6, mực nước sông Lam xuống thấp nên nguồn nước kênh Thấp cũng cạn, việc cấp nước tưới rất khó khăn như phản ánh của cử tri thành phố Vinh
Hàng năm, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam đã chủ động bằng mọi biện pháp để chống hạn như: Thực hiện bơm luân phiên; Nạo vét kênh dẫn, bể hút, trạm 16A để tận dụng nguồn nước tối đa chống hạn. Tuy nhiên, do phụ thuộc từ nguồn nước sông Lam vào nên thực sự khó khăn trong công tác phục vụ tưới, đặc biệt là những năm thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất phù hợp đối với những diện tích không chủ động được nước tưới trong vụ Hè Thu.
9. Cử tri thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh bố trí diện tích khuôn viên hiện nay của Trường PTTH chuyên Phan Bội Châu tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh (khi chuyển địa điểm mới) sang cho Trường THCS Đặng Thai Mai để triển khai xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất: Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THCS Đặng Thai Mai là đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Hiện nay, Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THCS Đặng Thai Mai vẫn đang hoạt động tại vị trí cũ. Theo đó, sau khi Trường THPT Phan Bội Châu chuyển về vị trí mới và Trường THPT Phan Bội Châu, Trường THCS Đặng Thai Mai không còn nhu cầu sử dụng tại vị trí cũ; đề nghị Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THCS Đặng Thai Mai căn cứ quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để lập báo cáo kê khai phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được UBND tỉnh phê duyệt và căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, quy hoạch sử dụng đất được duyệt; Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh về đề nghị điều chuyển cơ sở nhà, đất của Trường PTTH chuyên Phan Bội Châu tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh (khi chuyển địa điểm mới) sang cho Trường THCS Đặng Thai Mai để triển khai xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao đảm bảo theo đúng chế độ quy định hiện hành.
10. Cử tri xã Hưng Hòa, thành phố Vinh phản ánh tại xã Hưng Hòa có nhiều diện tích đất bị thu hồi để thực hiện các dự án, dẫn đến nhiều lao động bị thất nghiệp, không có việc làm. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn ngân sách để đào tạo nghề; tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề để tránh lãng phí; khi triển khai chuyển đổi việc làm phải phù hợp với điều kiện của địa phương.
Năm 2020, UBND tỉnh phân bổ cho UBND thành phố Vinh 300 triệu đồng để thực hiện đào tạo nghề. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 144 triệu đồng chưa thực hiện. Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh tại Công văn số 920/UBND- LĐTBXH ngày 28/02/2022, thì lao động nông thôn trên địa bàn xã Hưng Hoà không có nhu cầu học nghề.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền, tư vấn, định hướng và thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của công tác đào tạo nghề.
11. Cử tri thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh theo quy hoạch. Nội dung này đã được đặt ra nhưng đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm.
Tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 975-QĐ/TU ngày 16/02/2022 về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 01/3/2022 thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án; Ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan hoàn thành xây dựng đề án theo Kế hoạch UBND tỉnh đề ra, đảm bảo đúng theo thời gian và các trình tự, thủ tục, hồ sơ đề án theo quy định để trình các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Dự kiến, trình UBND tỉnh tại phiên họp tháng 7/2022.
12. Cử tri thành phố Vinh phản ánh việc quản lý hộ khẩu trên thực tế vẫn còn có nhiều vấn đề phải quan tâm, có những trường hợp đã đi khỏi địa bàn thời gian dài nhưng vẫn còn trong hộ khẩu, vẫn đăng ký tạm trú. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn.
Trước ngày 01/7/2021, việc đăng ký, quản lý cư trú được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú sửa đổi năm 2013; trong đó, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp đã đi khỏi địa bàn thời gian dài nhưng không làm thủ tục chuyển khẩu, dẫn đến Công an các cấp không thể thực hiện việc xóa đăng ký thường trú, gây khó khăn trong việc quản lý dân cư.
Từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành (thay thế Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú sửa đổi năm 2013); trong đó, Luật Cư trú năm 2020 đã quy định các trường hợp xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cụ thể:
- Tại điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú năm 2020, quy định: “Công dân vắng mặt liên tục nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng” thì bị xóa đăng ký thường trú.
- Tại điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú năm 2020, quy định: “Công dân vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác” thì bị xóa đăng ký tạm trú.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai thực hiên nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý nhân khẩu thường trú, nhân khẩu tạm trú. Tập trung rà soát các nhân khẩu đã đi khỏi địa bàn thời gian dài nhưng còn thông tin trong sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú trên địa bàn để thực hiện xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo quy định của Luật Cư trú 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả: Từ ngày 01/7/2021 đến 31/01/2022, Công an tỉnh đã chỉ đạo thực hiện xóa dữ liệu thông tin công dân trùng nơi thường trú 39.635 trường hợp theo quy định; trong đó, riêng địa bàn thành phố Vinh thực hiện xóa dữ liệu trùng đăng ký thường trú đối với 5.985 trường hợp.
Từ năm 2018 đến nay, lực lượng Công an Nghệ An đã tập trung thu thập dữ liệu dân cư được 868.603 hộ; 3.654.993 nhân khẩu thường trú (đạt 100%); đồng thời, Công an tỉnh đã chuyển đổi các hồ sơ, tài liệu giấy (sổ hộ khẩu, các tài liệu có liên quan đến cư trú) thành hồ sơ điện tử và được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu cư trú. Việc quản lý hộ, nhân khẩu trên địa bàn Nghệ An từ ngày 01/7/2021 được thực hiện trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu cư trú, không tiến hành cấp mới, cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu giấy; đến ngày 31/12/2022 sẽ xóa bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu giấy. Công dân khi thực hiện các giao dịch chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân (thẻ Căn cước công dân), không phải xuất trình sổ hộ khẩu. Ngoài ra, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu cư trú đã phản ánh đầy đủ, chính xác thông tin của công dân. Việc quản lý cư trú thời gian tới được thực hiện trên hệ thông dữ liệu; trường hợp một công dân có 02 nơi thường trú trở lên (trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh), hệ thống dữ liệu dân cư sẽ thông báo trùng thông tin. Trên cơ sở thông báo của hệ thống dữ liệu dân cư, Công an đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh xác định chính xác nơi thường trú của công dân để thực hiện xóa nơi thường trú thực tế công dân không sinh sống, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.