1. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Nâng cấp tuyến đường giao thông từ xã Châu Kim đến xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (cử tri huyện Quế Phong);

Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong

Đường Châu Kim - Nậm Giải là tuyến đường huyện ĐH.331, hiện trạng đường láng nhựa, có tổng chiều dài đường trên 20km. Công trình đã đưa vào khai thác sử dụng đã lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa bão, sạt lở mái ta luy dẫn đến nhiều đoạn đã bị hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương buôn bán, sản xuất của nhân dân.

Năm 2021, tuyến đường được bố trí kinh phí để sửa chữa khắc phục được 560m, với tổng kinh phí 640 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Hiện nay, UBND huyện Quế Phong đang đề xuất đưa tuyến đường vào danh mục công trình bảo trì đường bộ năm 2022 từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ, để ưu tiên sửa chữa một số đoạn ách yếu trên tuyến trong năm 2022. Đối với các đoạn còn lại, UBND huyện Quế Phong sẽ chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

2. Cử tri huyện Quế Phong phản ánh việc Công ty Cao su Nghệ An lấn chiếm đất cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bản Pỏm Om và bản Chàm, xã Hạnh Dịch. Mặc dù UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc lấn chiếm hoặc có phương án xử lý đối với số diện tích đã trồng cây trên đất rừng cộng đồng nhưng công ty không hợp tác giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm của Công ty cao su Nghệ An.

Nội dung phản ánh của cử tri huyện Quế Phong về việc Công ty Cao su Nghệ An lấn chiếm đất cộng đồng dân cư bản Pỏm Om và bản Chàm, xã Hạnh Dịch, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc trường hợp tranh chấp đất đai.

Theo quy định về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên (tại khoản 1, 2, 3 Điều 202 và Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013), UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cộng đồng dân cư Pỏm Om và bản Chàm, xã Hạnh Dịch gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Trường hợp, hòa giải không thành thì gửi đơn đến Tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Cử tri các xã: Tri lễ, Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong đề nghị UBND tỉnh quan tâm và có sự ưu tiên trong tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ít người (như dân tộc H’Mông và Khơ Mú…) trên địa bàn huyện Quế Phong, bởi vì hiện nay số lượng cán bộ là người các dân tộc này trong các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, xã rất ít.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ban hành các văn bản: Công văn số 5001/UBND-TH ngày 10 tháng 7 năm 2018 về việc tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; Công văn số 1771/UBND-TH ngày 01/4/2021 về xây dựng kế hoạch tuyển dụng, trong đó các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức viên chức đề xuất vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển.

wrpe_10-1.jpg

Đối với huyện Quế Phong, là một huyện miền núi vùng cao, có đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dân số có 16.043 hộ với 75.599 nhân khẩu; có 04 thành phần dân tộc chủ yếu gồm Thái (81,86%), Kinh (9,83%), H’Mông (4,74%), Khơ Mú (3,4%). Trong những năm qua, cấp ủy chính quyền huyện cũng đã quan tâm công tác trong tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc thiểu số ít người nói riêng, kết quả tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng như sau:

- Cấp huyện: tiếp nhận, bổ nhiệm 01 phó trưởng phòng UBND huyện là dân tộc Khơ Mú, là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021; đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026);

- Cấp xã: Tuyển dụng 02 Công chức Chỉ huy trường Ban Chỉ huy Quân sự xã là người dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chủ chốt ở những xã có người DTTS ít người sinh sống như Nậm Nhoóng, Tri Lễ là người dân tộc thiểu số ít người.

- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc và trường học: tuyển dụng 124 người (trong đó dân tộc Thái: 87 người; dân tộc thiểu số ít người: 05 người).

- Hàng năm cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ít người được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng được theo yêu cầu vị trí việc làm. Những trường hợp người dân tộc thiểu số ít người chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, chính trị đều được ưu tiên tham đào tạo bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định (năm 2020 cử 01 trường hợp người DTTS ít người (Khơ Mú) tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị tại Học viện chính trị Quốc gia HCM.

Thống kê tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại huyện Quế Phong hiện có như sau:

+ Cấp huyện: Dân tộc Thái: 56,1%; Dân tộc Khơ Mú: 0,81%; Dân tộc Thổ: 1,63%;

+ Cấp xã: Dân tộc Thái: Dân tộc Thái: 82,76%; Dân tộc H’Mông: 0,34%; Dân tộc Khơ Mú: 1,72%;

+ Đơn vị sự nghiệp thuộc huyện: 56,58%; Dân tộc H’Mông: 2,21%; Dân tộc Khơ Mú: 0,64%.

Trong thời gian qua, mặc dù cấp ủy chính quyền huyện Quế Phong đã quan tâm công tác trong tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người, tuy nhiên chưa có sự đồng đều giữa các cấp, ơ cấp huyện chưa có cán bộ là người dân tộc H’Mông, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người còn tương đối thấp. Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức là người dân tộc thiểu số ít người, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn huyện Quế Phong thực hiện tốt các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa công tác tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn huyện.