- Cử tri Nguyễn Thị Lân, trú tại xóm Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh hệ thống đường điện, cột điện trên địa bàn xã Vĩnh Thành đã xuống cấp nghiêm trọng, những cột điện bị gãy đổ ra giữa đường, trơ thép, đã gây ra thiệt hại về người, về vật nuôi, người dân phản ánh nhiều lần nhưng ngành điện vẫn chưa khắc phục.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Lưới điện xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành được tiếp nhận bán đến tận hộ theo hình thức tăng giảm vốn và từ khi tiếp nhận Công ty điện lực đã thực hiện đầu tư cải tạo dắm mới 5 trạm biến áp, sửa chữa lớn như thay dây trần, thay cột kém chất lượng sau các trạm Vĩnh Thành 1 đến 6. Tuy nhiên do lưới điện cũ nát nên chưa thể khắc phục được, trong đó có xóm Vĩnh Sơn thuộc trạm biến áp Vĩnh Thành 8 (trạm mới được dắm chống quá tải năm 2021).
Sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri Nguyễn Thị Lân; Điện lực Yên Thành đã làm việc với các hộ dân, rà soát hiện trạng lưới điện và hiện nay xóm Vĩnh Sơn còn 5 cột kém chất lượng, ngành điện đã đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên để thay thế và hoàn thành trước ngày 30/6/2024.
- Cử tri Phạm Văn Trinh, trú tại xóm Phì Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Vĩnh Thành vì các tuyến mương do xí nghiệp thủy lợi quản lý hiện nay đã hư hỏng nặng, không đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các xóm Tiên Trung, Phì Bắc, Phì Nam, Trung Thành, Hào Cường, Phú Điển.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Nghệ An: Trên địa bàn xã Vĩnh Thành có 4 tuyến kênh tưới do XN thuỷ lợi Yên Thành quản lý, cấp nước tưới phục vụ cho 461,5ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó (Kênh N2-7-3T và N2-7-3H tổng chiều dài là 3.000m, Kênh N2-7-6 dài 800m, Kênh N2-7-7 dài 1.700m) với tổng chiều dài là 5,5km. Các kênh này đã được gia cố bằng đá xây nhưng không tô da từ trước năm 2000. Đến nay, đã xuống cấp trầm trọng, nhiều vị trí đã vỡ bờ, lộng đáy, rò rỉ gây mất nước trong quá trình dẫn nước phục vụ sản xuất.
Hàng năm, để đảm bảo công tác phục vụ tưới bằng nguồn vốn kế hoạch sửa chữa công trình thường xuyên được UBND tỉnh phân giao Công ty đã duy tu, sửa chữa nhưng chỉ đủ khắc phục những sử cố hư hỏng nhỏ, cục bộ.
Với hệ thống công trình thủy lợi Bắc rất lớn phục vụ tưới, tiêu cho 5 huyện thị; hàng năm nguồn kinh phí sửa chữa công trình do UBND Tỉnh phân giao rất hạn chế, nên không đủ để đầu tư trên toàn hệ thống. Năm 2019 và năm 2021, từ nguồn sửa chữa lớn Công ty đã đầu tư kiên cố tuyến kênh N2-7-3T hơn 450m với tổng kinh phí 1,0 tỷ đồng. Để đầu tư nâng cấp đồng bộ những kênh này cần kinh phí khoảng 15,0 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty không có đủ nguồn vốn để thực hiện. Kính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho lập dự án từ nguồn vốn đầu tư Trung hạn hàng năm.
- Cử tri Phan Thanh Bình, trú tại xóm Hào Cường, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh tình trạng ngập úng do nước sông Biên Hòa dâng cao làm ảnh hưởng đến một lượng lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Vĩnh Thành, canh tác gặp nhiều khó khăn, nên đất đai bị bỏ hoang nhiều. Mặc dù cử tri đã phản ánh nhiều lần nhưng chưa có phương án khắc phục. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết để người dân yên tâm canh tác.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành: Kênh tiêu Biên Hòa bắt nguồn từ xã Công Thành qua các xã Bảo Thành, Viên Thành, Long Thành, Vịnh Thành, Nhân Thành và tiêu ra Sông Bùng; Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã có kênh đi qua tiến hành khơi thông dòng chảy, trục vớt bèo tây trên tuyến kênh. Đến nay, cơ bản dòng chảy kênh tiêu Biên Hòa đã đảm bảo phục vụ tiêu lũ cho diện tích sản xuất nông nghiệp và hiện nay UBND các xã đã tiến hành hợp đồng giao khoán cho các hộ dân để trục vớt bèo tây, khơi thông dòng chảy. Còn hệ thồng cống Diễn Thành (do Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Nghệ An quản lý) được thiết kế, vận hành đóng mở tự động với mục đích ngăn mặn, xả lũ và thường xuyên được bảo dưỡng nên hiện nay hoạt động tốt.
- Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Nghệ An:
+ Hàng năm, trước mùa mưa lũ Công ty đã đầu tư kinh phí để trục vớt rong bèo và giải quyết các ách tắc đăng đó trên Sông Bùng (năm 2020: 55,3 triệu đồng; năm 2021: 98,6 triệu đồng; năm 2022: 61,0 triệu đồng).
+ Mấy năm gần đây nước sông Biên Hòa dâng cao hơn nên dẫn đến có một số diện tích trồng lúa bị ngập, nguyên nhân chính do thi công cầu qua sông Bùng trên đường cao tốc Bắc Nam tại địa bàn Diễn Quảng. Đơn vị thi công đắp đường ngang sông để thi công trụ cầu làm co hẹp dòng chảy. Việc tiêu nước từ kênh Biên Hòa về sông Bùng rất chậm, mặc dù đầu mối các cống tiêu Diễn Thành, Diễn Thủy vận hành theo đúng quy trình. Hiện nay, Công ty đã yêu cầu đơn vị thi công bốc dọn trả lại dòng chảy nguyên trạng cũ cho sông Bùng tại vị trí làm cầu đảm bảo tiêu thoát lũ.
- Cử tri Nguyễn Như Thùy, trú tại xóm Phú Điển, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành kiến nghị có cơ chế phát triển đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn lợn; quan tâm hỗ trợ vacxin dịch tả lợn châu Phi để phòng bệnh cho đàn lợn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi thú y, được quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, cụ thể:
(1) Lợn đực giống ngoại: Hỗ trợ 50% giá lợn đực giống ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo của tỉnh.
(2) Tạo giống bò, cải tiến giống trâu:
+ Hỗ trợ 100% chi phí: Tinh trâu, tinh bò sữa, tinh bò giống hướng thịt, vật tư phối giống và hỗ trợ 70.000 đồng/con có chửa, bao gồm: tiền công, phối giống, kiểm tra trâu hoặc bò có chửa;
+ Hỗ trợ 80% đối với các huyện: Kỳ sơn, Tương Dương, Quế Phong; 60% đối với các huyện, xã miền núi còn lại giá trị trâu đực giống ngoài vùng (cách tối thiểu 50 km), bò đực giống lai hướng thịt (về đến địa phương), để phối giống trực tiếp cho trâu cái, bò cái tại địa phương không có điều kiện thực hiện phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Định mức 25-30 con trâu hoặc bò cái sinh sản đối với các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; 30-50 con trâu hoặc bò cái sinh sản đối với các huyện còn lại, được bố trí 01 con trâu hoặc bò đực giống.
(3) Tiêm phòng gia súc, gia cầm:
+ Hỗ trợ 100% các loại vắc xin và các loại thuốc chống sốc tiêm phòng gia súc đối với các xã miền núi khu vực III, khu vực II.
+ Hỗ trợ 100% giá trị gia súc, gia cầm bị chết do phản ứng tiêm phòng vắc xin. Đơn giá hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 35.000 đòng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
(4) Chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà: Hỗ trợ 40% chi phí mua chế phẩm vi sinh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung vào thức ăn, nước uống trong chăn nuôi lợn, gà quy mô trang trại, để tăng sức đề kháng, giảm thiểu mùi hôi chất thải gây ô nhiễm, nhưng không quá 100.000.000 đồng/trang trại.
- Ngoài ra, hàng năm tỉnh Nghệ An hỗ trợ các loại vắc xin: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm, Dại cho các địa phương tiêm phòng vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, vùng xây dựng an toàn dịch bệnh Dại; hỗ trợ hóa chất trên cạn, thủy sản để khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh.
* Về đề nghị hỗ trợ vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi: Do vắc xin DTLCP mới được phép lưu hành, chưa tiêm phòng rộng rãi, nên chưa có trong "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025" và chưa thuộc danh mục phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin theo quy định tại Phụ lục 07, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Do vậy Sở Nông nghiệp và PTNT chưa có căn cứ để tham mưu đưa vào đối tượng đề nghị hỗ trợ.
- Cử tri Nguyễn Thị Lân, trú tại xóm Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Đôn đốc nhà thầu sớm triển khai điểm tiếp giáp giữa Quốc lộ 7A với các tuyến đường dân sinh, nhà ở của người dân. Hiện nay, việc nâng cấp, sửa chữa tuyến Quốc lộ 7A đã hoàn thành lòng đường, tuy nhiên các điểm tiếp giáp này chưa triển khai, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 4 – Bộ Giao thông vận tải:
Dự án nâng cấp cải tạo QL.7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (sau đây gọi tắt là Dự án QL7) đoạn qua xã Vĩnh Thành thuộc gói thầu XD01, hiện đã hoàn thành thi công nền, mặt đường và đang thi công các hạng mục phụ trợ còn lại. Đối với các đường giao dân sinh trên địa bàn xã Vĩnh Thành hiện Nhà thầu đã thi công hoàn thành được 10/22 vị trí và đang tiếp tục thi công hoàn thành các vị trí còn lại. Trong thời gian sắp tới, Ban QLDA4 tiếp tục chỉ đạo Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tiến độ, hoàn thành vuốt nối các đường dân sinh tại các vị trí đã thi công xong bê tông nhựa, để đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho người dân khi tham gia giao thông.
- Cử tri Nguyễn Xuân Ân, trú tại xóm Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành kiến nghị công nhận địa chỉ “ Khe trẹo, hòn đá bàn” có địa chỉ tại xóm Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành là di tích cách mạng, vì đây là nơi 8 đảng viên đầu tiên của xã Vĩnh Thành họp bàn thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Địa điểm Khe Trẹo Hòn Đá Bàn nằm trên sườn động Cao Sơn, xóm Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, hiện đang thuộc diện tích đất rừng lâm nghiệp do UBND xã Vĩnh Thành quản lý. Theo lời một số người dân địa phương cho biết đây từng là địa điểm 8 đảng viên đầu tiên của xã Vĩnh Thành đã họp bàn việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã. Tuy nhiên, chưa tìm thấy tài liệu nào xác định đây là nơi thành lập chi bộ Đảng. Địa điểm Khe Trẹo Hòn Đá Bàn cũng không có tên trong danh mục kiểm kê theo Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn Nghệ An. Qua làm việc với cử tri Nguyễn Xuân Ân (53 tuổi, Xóm trưởng xóm Ngọc Thành) và UBND xã Vĩnh Thành, phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thành, nguyện vọng của cử tri muốn cấp trên cho chủ trương và kinh phí để xây dựng bia dẫn tích tại đây chứ không phải đề nghị xếp hạng di tích.
Căn cứ Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản Văn hoá của Quốc hội; Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá; Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ VHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 của Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL địa điểm Khe Trẹo Hòn Đá Bàn xóm Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành không đủ tiêu chí để xếp hạng di tích lịch sử. Việc xây dựng bia dẫn tích tại địa điểm Khe Trẹo Hòn Đá Bàn thuộc thẩm quyền của UBND xã Vĩnh Thành.
- Cử tri Trần Thị Lộc, trú tại xóm Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều bất cập: (1) Xây dựng Chương trình; đào tạo giáo viên không đồng bộ; (2) việc tích hợp các bộ môn chưa phù hợp với khả năng của giáo viên; (3) Giá cả sách giáo khoa quá cao và có quá nhiều bộ sách khác nhau (tùy chọn); (4) Sách bài tập chỉ sử dụng được 1 lần. Kiến nghị:
+ Khi chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo để giảng dạy theo tích hợp các bộ môn thì vẫn giữ nguyên các bộ môn, chưa nên tích hợp các bộ môn; thống nhất 1 bộ sách giáo khoa để thống nhất chương trình dạy và học, đánh giá chất lượng, thi cử..v.v.
+ Giáo viên THCS được giao định biên 1,7 giáo viên/lớp, nhưng Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên 8 buổi/ tuần, vì vậy giáo viên thừa tiết nhưng chưa được chi trả. Kiến nghị có giải pháp giải quyết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đối với chương trình, đào tạo giáo viên, tổ chức dạy học: Bản chất của việc dạy học tích hợp, chủ trương dạy học tích hợp ở bậc THCS là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, các môn học tích hợp nói riêng đã được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực, không còn truyền thụ những kiến thức khoa học hàn lâm. Trong thực tiễn, các vấn đề tự nhiên, xã hội thường được giải quyết trong mối liên hệ tổng thể với yêu cầu tổng hợp về kiến thức, kĩ năng chứ không mang tính riêng lẻ. Việc dạy học tích hợp giúp học sinh phát triển được năng lực giải quyết các vấn đề một cách tổng thể nhất.
Chương trình GDPT 2018 của tất cả các môn học đã được các nhà khoa học đầu ngành cả nước nghiên cứu xây dựng, phản biện và được nghiệm thu ở Hội đồng cấp nhà nước. Quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình GDPT 2018 của tất cả các môn học đã tính đến việc tổ chức dạy học. Hiện tại các giáo viên đang dạy ở các lĩnh vực có trong môn tích hợp (như môn học: KHTN và LS&ĐL ở cấp THCS) đã và đang được bồi dưỡng để dạy tích hợp; các trường Đại học sư phạm đang đào tạo sinh viên có chuyên môn dạy tích hợp và khóa sinh viên đầu tiên được đào tạo dạy tích hợp sắp ra trường. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã hướng dẫn cách thực hiện việc tổ chức dạy học qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện nhà trường. Vì vậy việc xây dựng chương trình và đào tạo giáo viên là khoa học, logic, đồng bộ; việc tích hợp các bộ môn đã phù hợp với khả năng của giáo viên.
Đối với sách giáo khoa: Giá cả sách giáo khoa đã được các Nhà xuất bản thực hiện các thủ tục phê duyệt, việc lựa chọn sách giáo khoa đã tính đến tiêu chí phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Hiện nay, dạy học và thi là theo chương trình, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là để người dạy và người học được tự chọn cho mình bộ sách phù hợp). Sách bài tập của các môn học không có trong Danh mục các sách giáo khoa được Bộ GDĐT phê duyệt ban hành và UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn.
- Cử tri Phan Thanh Bình, trú tại xóm Hào Cương, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành kiến nghị trong việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo cần thay đổi ba-rem chấm điểm để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của cuộc sống.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện theo phương pháp khảo sát thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng các mẫu phiếu theo quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025; Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 và Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 và biểu mẫu báo cáo.
Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại các văn bản nêu trên được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Ý kiến cử tri đề nghị “thay đổi ba-rem chấm điểm để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của cuộc sống” là chưa có cơ sở để thực hiện.
- Cử tri Nguyễn Thế Dương, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành kiến nghị cho phép trẻ em khuyết tật đi học theo diện hòa nhập được hưởng chính sách hỗ trợ như nhau, không phân biệt thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mới được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Tại Khoản 7 Điều 15 Thông tư 03/2018/TT-BGD ĐT ngày 29/01/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật quy định quyền của người khuyết tật: “Được hưởng chính sách, chế độ về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 42 và các quy định hiện hành khác”;
- Tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính quy định chính sách về học phí; chính sách về học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
Từ các căn cứ pháp lý nêu trên và các văn bản liên quan đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện, chính sách người học khuyết tật được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
- Cử tri Võ Thị Nội, trú tại xóm Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phản ánh ông Võ Văn Mạn và ông Trần Bá Độ là bộ đội hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình đã dày công làm hồ sơ trong nhiều năm, gửi đến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sỹ. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giải quyết để 2 ông được công nhận liệt sỹ.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Qua kiểm tra sổ sách lưu trữ tại Bộ CHQS tỉnh, ngày 12/01/2021, Ban CHQS huyện Yên Thành báo cáo hồ sơ của ông Võ Văn Mạn và ông Trần Bá Độ về Bộ CHQS tỉnh, qua xét duyệt ngày 09/3/2021 Bộ CHQS tỉnh đã trả hồ sơ của ông Võ Văn Mạn và ông Trần Bá Độ cho Ban CHQS huyện Yên Thành để trả về cho đối tượng lý do: Bổ sung xác nhận của UBND huyện về trường hợp đã được ghi tên trong nhà bia tưởng niệm.
Ngày 23/5/2021 Ban CHQS báo cáo hồ sơ ông Võ Văn Mạn và ông Trần Bá Độ, tuy nhiên thời gian này Bộ CHQS tỉnh đã dừng tiếp nhận hồ sơ thương binh, liệt sỹ theo yêu cầu Công văn số 1350/CS-TB ngày 15/3/2021 của Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 4 để chờ thực hiện theo nghị định và thông tư hướng dẫn mới.
Ngày 11/10/2023 Ban CHQS huyện Yên Thành báo cáo hồ sơ của ông Võ Văn Mạn và ông Trần Bá Độ về Bộ CHQS tỉnh để đề nghị xem xét công nhận liệt sỹ theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; hiện nay Bộ CHQS tỉnh đang tiến hành xét duyệt, kiểm tra xác minh ở các cơ quan, đơn vị để có cơ sở đề nghị cấp trên thực hiện chế độ chính sách cho đối tượng.
- Cử tri xã Bảo Thành, huyện Yên Thành phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Khắc phục tình trạng giao thông tuyến đường Quốc lộ 7, đoạn đi qua xã Bảo Thành đang thi công dang dở, một số đoạn đã hoàn thành và đã rải thảm, tuy nhiên có một số đoạn mặt đường thấp hơn lề đường, nên khi mưa xuống đường bị ngập nước gây cản trở giao thông đi lại; đoạn đường từ cột mốc 14 đến cột mốc 15 hiện đã xuống cấp, hư hỏng nặng, có nhiều “ổ gà”, dẫn đến nhiều vụ tai nạn xẩy ra.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Quốc lộ 7 đoạn qua huyện Yên Thành từ lý trình Km9+180 đến Km24+600 được đầu tư cải tạo tại dự án: Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế & Hạ tầng phối hợp cùng Ban Quản lý dự án 4 (Đại diện Chủ đầu tư) và UBND xã Bảo Thành tiến hành kiểm tra hiện trạng Quốc lộ 7 đoạn qua xã Bảo Thành ngày 13/4/2024. Kết quả kiểm tra cho thấy đoạn từ Km 14+00 đến Km 15+00 như cử tri phản ánh xuống cấp đến nay đã được thi công hoàn thành, hiện chỉ còn đoạn từ Km15+130 đến Km15+593 chưa thi công do còn vướng mặt bằng của 14 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của Hội đồng bồi thường GPMB huyện. Qua đây, UBND huyện đề nghị cử tri tuyên truyền, vận động đến các hộ dân đến nay vẫn chưa chấp thuận phương án bồi thường của HĐGPMB huyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để dự án cải tạo nâng cấp QL.7 sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.