1. Cử tri huyện Quỳ Hợp đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân dân có trâu, bò bị chết do dịch bệnh viêm da nổi cục và tiếp tục hỗ trợ người dân có lợn chết do dịch tả Châu Phi gây ra trong năm 2021.

Năm 2021, bệnh trên đàn gia súc chủ yếu xảy ra 02 loại: (1) Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, tổng chết, tiêu hủy 2.423 con, trọng lượng 325.061 kg; (2) bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), tổng số lợn tiêu hủy 36.599 con, trọng lượng 2.175.245 kg.

Nếu áp dụng mức giá hỗ trợ lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP theo Quyết định số 250/QĐ ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020: 35.000 đ/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác; 30.000 đ/kg đối với lợn thịt, lợn con và hỗ trợ trâu, bò bị bệnh, chết tiêu hủy mức giá ước tính 45.000 đ/kg hơi thì kinh phí hỗ trợ cho người dân khoảng 86 tỷ đồng.

8b590b681b28f276ab398738278_2362019.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Để có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy do dịch bệnh sớm khôi phục sản xuất, ngày 27/5/2021 UBND tỉnh đã có văn bản số 3329/UBND-NN đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò và bệnh Dịch tả lợn Châu phi năm 2021.

Ngày 27/8/2021 UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 497/BC-UBND đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo, trình Thủ tưởng Chính phủ có cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh DTLCP, VDNC năm 2021.

Tại cuộc họp trực truyến ngày 11/02/2022, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022, do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì; nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, bệnh VDNC; ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trả lời: Về chính sách hỗ trợ gia súc bị bệnh DTLCP, VDNC năm 2021, Bộ Nông nghiệp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ từ tháng 10 năm 2021, nhưng do ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên đến nay vẫn chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình chỉ đạo, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y hướng dẫn cơ sở: Khi trâu, bò bị chết do bệnh VDNC, lợn bị bệnh DTLCP phải tiêu hủy, tiến hành lập hồ sơ, ghi cụ thể từng loại trâu, bò, bê, nghé, lợn tiêu hủy, cân nặng, có ký xác nhận của các bên liên quan. Khi có cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh: UBND cấp huyện kịp thời nộp hồ sơ trình hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do tiêu hủy gia súc bệnh.

  1. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Xây dựng mương thoát nước tuyến đường tỉnh lộ 532 đoạn Km20 đến đoạn Km21 và nửa Km 22 thuộc trung tâm xã Châu Hồng (Cử tri xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp);

Tuyến ĐT.532 dài 28,5 Km, trong đó có 17km đoạn từ Km0 - Km17 được chuyển từ đường huyện thành đường tỉnh theo quyết định số 5394/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện trạng đoạn tuyến từ Km0 - Km17 thời điểm bàn giao chuyển thành đường tỉnh đã bị hư hỏng xuống cấp; đối với đoạn tuyến cũ từ Km17-Km28+500 do được đầu tư xây dựng đã lâu, ngoài phục vụ đi lại của nhân dân tuyến đường còn phục vụ vận chuyển đá của các mỏ 2 bên tuyến. Do đó, hiện tại tuyến đường có nhiều đoạn mặt đường bị xuống cấp cần sửa chữa, hệ thống an toàn giao thông và thoát nước chưa đồng bộ (gồm rãnh đất và rãnh hở hình thang gia cố). Riêng đoạn tuyến qua trung tâm xã Châu Hồng mà cử tri phản ánh có khoảng 1.050m rãnh hở hình thang có gia cố, còn lại chưa có rãnh.

Thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành chỉnh trang tuyến, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, bổ sung biển báo đảm bảo an toàn giao thông. Trong các năm 2017 – 2020, Sở GTVT đã thực hiện sửa chữa các đoạn Km8 – Km10+500, Km7 – Km9+170, Km0+552 – Km4+500, Km9+790 – Km11+900, Km7 - Km8+340, Km8+773 - Km9+160, Km16+500 - Km17, cầu tràn trên tuyến với tổng mức đầu tư 12,8 tỷ đồng. Năm 2021, sửa đoạn Km0+550 - Km4+500 với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành. Do nguồn kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo trì còn nhiều khó khăn, trong khi đó trên ĐT.532 còn có nhiều đoạn mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cần sửa chữa nên thời gian qua Sở GTVT ưu tiên sửa chữa mặt đường và các hạng mục công trình hư hỏng, bổ sung các cống qua đường ngang để đảm bảo an toàn giao thông nên chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống mương dọc trên tuyến, trong đó có đoạn qua trung tâm xã Châu Hồng.

Giải pháp trong thời gian tới:

+ Trước mắt, chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường công tác khơi thông rãnh dọc, đồng thời đào rãnh đất đối với các đoạn chưa có rãnh để đảm bảo thoát nước trên toàn tuyến; trong đó có đoạn qua trung tâm xã Châu Hồng.

+ Tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để khắc phục, sửa chữa hư hỏng và đầu tư xây dựng hệ thống rãnh dọc trên tuyến (đối với những đoạn cần thiết)./.