1. Cử tri thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc đề nghị ngành điện đầu tư, nâng cấp trạm biến áp và hệ thống đường dây tại khối 4, thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc vì thường xuyên xẩy ra sự cố mất điện, ảnh hưởng tới sinh hoạt và kinh doanh của người dân.

Thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay Điện lực Nghi Lộc đã thực hiện bổ sung xuất tuyến và thay Attomat để cấp điện phục vụ nhân dân. Ngoài ra, đã thoả thuận thiết kế dắm thêm 01 TBA cấp điện cho cơ quan hành chính khu vực thị trấn Quán Hành do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư, chống quá tải ĐZ 0,4kV và TBA khu vực cấp điện cho khu vực. Công ty Điện lực Nghệ An đã lập phương án dắm thêm 01 trạm biến áp san tải cho 02 trạm biến áp nói trên và đăng ký danh mục đầu tư chờ Tổng công ty Điện lực miền Bắc bố trí nguồn vốn để thực hiện.    

2. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:

+ Đầu tư, cải tạo kênh Thọ Sơn và hệ thống cấp, thoát nước để Nhân dân sản xuất và đảm bảo tiêu thoát nước (cử tri thị trấn Quán hành, huyện Nghi Lộc);

+ Kiên cố hóa kênh thoát nước của xã Nghi Thái, bởi vì vào mùa mưa lụt nước thải từ thành phố Vinh các xã thuộc huyện Nghi lộc kéo theo bèo tây tràn vào đất sản xuất của người dân xã Nghi Thái (cử tri Lương Văn Hưng, trú tại xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc);

+ Xây dựng hệ thống ngăn nước thải tràn vào đất sản xuất của người dân, bởi vì hiện nay sông Rào Đừng, xã Nghi Thái đã bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân (cử tri Nguyễn Công Tứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc);

UBND tỉnh trả lời như sau:

* Đầu tư, cải tạo kênh Thọ Sơn và hệ thống cấp, thoát nước để Nhân dân sản xuất và đảm bảo tiêu thoát nước (cử tri thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc): Dự án cải tạo nâng cấp trạm bơm Chợ Cầu, trạm bơm Thọ Sơn thuộc hệ thống thuỷ lợi Nam Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 5055a/QĐ-UBND ngày 24/12/2021: Mục tiêu đầu tư: Đảm bảo cấp tưới nước ổn định cho khoảng 669 ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 30 ha nuôi trồng thuỷ sản và cấp nước sản xuất dân sinh (trong đó, trạm bơm Chợ Cầu cấp nước tưới ổn định cho khoảng 379 ha đất sản xuất nông nghiệp và 30ha nuôi trồng thuỷ sản; 2 tuyến kênh N1 (dài 2.083,26m và N2 (dài 3.576,9m) của trạm bơm Thọ Sơn được kiên cố bằng BTCT cấp tưới nước ổn định cho khoảng 290 ha đất sản xuất nông nghiệp). Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là 60.000 triệu đồng và vốn đầu tư xây dựng của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam là 3.000 triệu đồng; Thời gian xây dựng: Không quá 3 năm. Công trình được khởi công: 15/10/2022. Đến nay, các hạng mục công trình thuộc trạm bơm Thọ Sơn, Trạm bơm Chợ Cầu đã thi công hoàn thành hơn 95% khối lượng (trong đó: Kênh và công trình trên kênh N1 và N2 hoàn thành 95-96% khối lượng; nhà trạm, nhà quản lý đang thi công cơ bản hoàn thành).

* Kiên cố hóa kênh thoát nước của xã Nghi Thái, bởi vì vào mùa mưa lụt nước thải từ thành phố Vinh và các xã thuộc huyện Nghi lộc kéo theo bèo tây tràn vào đất sản xuất của người dân xã Nghi Thái (cử tri Lương Văn Hưng, trú tại xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc):

Các xóm Thái Thịnh, Thái Thọ, Thái Lộc có gần 160 ha đất sản xuất nông nghiệp nằm 2 bên tuyến kênh tiêu thoát nước dân cư và nông nghiệp từ các xã Nghi Trường, Nghi Đức, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc chảy qua, đồng thời còn có kênh tiêu nước từ thành phố Vinh qua xã Hưng Lộc chảy xuống, nhập với kênh tiêu của khu vực Nghi Lộc tại ngã ba kênh thuộc xóm Thái Thọ trước khi đổ về tuyến tiêu sông Rào Đừng. Với chiều dài kênh tiêu thuộc khu vực xã Nghi Thái khoảng 1,8 km chưa được kiên cố; hàng năm, tuyến tiêu này bị thu hẹp khẩu độ do bồi lắng bởi rác, do cây cối, cỏ lác mọc hai bên, dẫn đến việc nước thải và bèo tây tràn vào ruộng sản xuất của người dân. Vì vậy, hàng năm, UBND xã Nghi Thái đã cấp kinh phí để nạo vét kênh mương, đồng thời huy động công lao động của nhân dân để thanh thải vật cản, khơi thông dòng chảy.

Về ý kiến của cử tri xã Nghi Thái kiến nghị gia cố kênh tiêu qua khu vực này nhằm tiêu thoát nước thải và đặc biệt là xử lý ách tắc dòng chảy vào mùa mưa, UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo kiểm tra, khảo sát và nghiên cứu, xem xét lập chủ trương đầu tư bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để gia cố đoạn kênh này đảm bảo ổn định sản xuất cho người dân, đảm bảo tiêu thoát nước và chống ô nhiễm môi trường.

* Xây dựng hệ thống ngăn nước thải tràn vào đất sản xuất của người dân, bởi vì hiện nay sông Rào Đừng, xã Nghi Thái đã bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân (cử tri Nguyễn Công Tứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc):

Khu vực đất nông nghiệp ngoài tuyến đê bao sông Rào Đừng có diện tích gần 180 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (trong đó: có 150 ha đất lúa, 15 ha màu và gần 15 ha nuôi trồng thuỷ sản). Hiện nay, tuyến đê bao sông Rào Đừng đang được ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai gia cố tại dự án “Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Nghệ An”. Với chiều dài tuyến đê bao được gia cố là dài 2.995,35m (kết cấu: mặt đê rộng 4m, gia cố mặt đê bằng bê tông M300 dày 18cm, rộng 3m; mái đê trồng cỏ chống xói). Tuy nhiên, tuyến đê này chỉ có nhiệm vụ bảo vệ khu dân cư và một phần đất nông nghiệp ở phía đồng của xã Nghi Thái và các xã lân cận. Khu vực sản xuất nông nghiệp ngoài đê nói trên chưa được bảo vệ nên vẫn bị ảnh hưởng của sông Rào Đừng khi mùa mưa lụt gây ô nhiễm đất sản xuất và ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Về vấn đề này, đề nghị UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra hiện trạng khu vực sản xuất của người dân xã Nghi Thái, xem xét đánh giá tác động môi trường, hoạt động tiêu thoát nước vào mùa mưa lụt tại khu vực sản xuất này, đề xuất phương án xử lý, giảm nhẹ ảnh hưởng của việc ngập lụt từ nguồn nước của sông Rào Đừng với khu vực sản xuất của người dân xã Nghi Thái.

3. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:

+ Xây dựng mương thoát nước hai bên đường Tỉnh 535, đoạn qua xóm Thái Thịnh và xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc để đảm bảo thoát nước mặt đường và chống ngập lụt nhà dân (cử tri xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đường tỉnh 535 dài 11,5km từ thành phố Vinh đi Cửa Hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng năm 2012 với quy mô Bnền=12m, Bmặt= 11m bằng thảm bê tông nhựa; hệ thống rãnh dọc: hiện tại chỉ có đoạn Km10+500 – Km11+500 thuộc phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò có rãnh dọc kín bên trái tuyến; các đoạn còn lại chưa có rãnh, nước từ mặt đường chảy tự do về hai bên tuyến.

ĐT.535 đoạn đi qua xóm Thái Thịnh có lý trình Km4+200 – Km5+100 (phía bên phải tuyến) và đi qua xóm 6 có lý trình từ Km4+300 - Km5 (phía bên trái tuyến), xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc hiện chưa được đầu tư rãnh dọc hai bên tuyến. Trong thời gian vừa qua, dân cư sinh sống hai bên tuyến tăng nhanh, nhiều hộ gia đình đã tiến hành đắp đất, đổ bê tông cao hơn mặt đường; một số nhà dân không có hệ thống thoát nước phía sau đã xả thải nước sinh hoạt ra mặt đường ĐT.535… do đó khi trời mưa mặt đường thường bị đọng nước cục bộ về 2 bên tuyến như cử tri nêu.

Do khó khăn về nguồn vốn, trước mắt cần ưu tiên đầu tư xây dựng rãnh thoát nước tại các đoạn đi qua khu đông dân cư, các vị trí mặt đường trũng thấp so với dân cư 2 bên tuyến thường bị ngập nước. Năm 2023, Sở GTVT đang triển khai dự án xây dựng rãnh thoát nước dọc trên đoạn Km7+800 - Km8+700 (thuộc địa bàn xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc và phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) với kinh phí 5,63 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào Quý 4/2023. Đối với các đoạn còn lại, Sở GTVT sẽ tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh xem xét và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

4. Cử tri Vương Trung Kiên, trú tại xóm Thái Quang, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc phản ánh chất lượng khám ban đầu cho trẻ em tại bệnh viện Nhi Nghệ An còn thấp, đề nghị quan tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại bệnh viện.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là bệnh viện hạng I, tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An. Với chức năng, nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh về Sản khoa và Nhi khoa trên địa bàn toàn tỉnh. Quy mô giường bệnh năm 2023 với 1.200 giường bệnh theo kế hoạch (trong đó có 50 giường bệnh XHH); 1.532 giường bệnh thực kê. Bệnh viện có 41 khoa/phòng, trung tâm, trong đó có 9 phòng chức năng, 25 khoa lâm sàng, 06 khoa cận lâm sàng và 01 trung tâm. Về nhân lực bệnh viện có 1.033 công chức, viên chức, người lao động, cụ thể: có 968 công chức, viên chức; hợp đồng lao động 65 người. Trình độ chuyên môn tại Bệnh viện ngày càng được chú trọng và nâng cao với đội ngũ trình độ chuyên môn cao như: 05 Tiến sỹ; 9 BSCKII; 34 BSCKI; 43 Thạc sĩ; 196 Bác sỹ. Tỷ lệ tuyển dụng bác sỹ tốt nghiệp bác sỹ nội trú đạt 17,1%.

Trong thời gian vừa qua, bệnh viện đã và đang không ngừng nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện tốt hơn mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em. Trung bình một ngày tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, 250 - 300 bệnh nhân vào điều trị, tỷ lệ chuyển viện 1,1%. Tại khoa khám bệnh triển khai 43 phòng khám, trong đó có 36 phòng khám chuyên ngành nhi với đầy đủ các lĩnh vực như: nội nhi, chấn thương, ngoại, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt… đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân khi đưa trẻ đi khám và chữa bệnh. Bệnh viện thực hiện đúng và đạt tiêu chí của quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế, về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện.

Do bệnh nhi cũng là bệnh đa khoa liên quan đến nhiều chuyên ngành sâu do đó bệnh viện đã thực hiện chia tách, mở rộng và hoàn thiện các mô hình hoạt động tại các khoa, phòng, trung tâm theo hướng chuyên sâu trên tất cả các chuyên khoa, lĩnh vực như: Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Hồi sức tích cực chống độc, Hồi sức tích cực Ngoại khoa; nội nhi, ngoại nhi, sơ sinh, Mắt, TMH, RHM... phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các dị tật ở trẻ em cũng như điều trị thành công các ca bệnh khó.

Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, cứu sống nhiều ca bệnh khó ở tất cả các lĩnh vực nhi khoa. Một số kỹ thuật cao chuyên khoa Nhi như: Thở máy HFO, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, cấy điện cực ốc tai, chấn thương sọ não, phẫu thuật lác mắt, phẫu thuật khe hở môi vòm miệng… Triển khai và thực hiện chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo. Nuôi sống thành công nhiều trẻ sinh cực non 25 - 28 tuần, cân nặng < 1.000 gram… Nhiều bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp như đảo gốc động mạch, Fallow IV, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, kênh nhĩ thất toàn phần, bán phần, tim ba buồng nhĩ, thông liên thất, thông liên nhĩ đã được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi phẫu thuật điều trị thành công. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật tim bằng phương pháp mổ ít xâm lấn qua đường nách.

Về hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện tăng cường tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương, thường xuyên mời chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn để vừa trực tiếp khám, chữa bệnh, vừa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của bệnh viện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Riêng trong năm 2022, đã có 42 đợt chuyên gia tuyến trên như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật tại bệnh viện.

Bệnh viện chú trọng xây dựng bệnh viện thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý tất cả các hoạt động của Bệnh viện. Bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Năm 2022, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong y tế như chữ ký số, sinh trắc vân tay, lưu trữ hình ảnh, thanh toán không dùng tiền mặt, khảo sát không hài lòng người bệnh qua hệ thống màn hình chờ… Bệnh viện ứng dụng nhiều phần mềm để cung cấp tiện ích cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh.

Tồn tại, hạn chế và khó khăn

- Cơ sở vật chất chật hẹp, khó khăn để mở rộng, phát triển khoa, phòng; không đủ diện tích thiết lập các khu vực tiện ích (khu vui chơi trẻ em…) cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhi; Không đủ diện tích thiết lập các khu vực phục vụ đời sống cán bộ, viên chức, người lao động (nhà để xe,…).

- Một số trang thiết bị kỹ thuật cao chưa được bổ sung, như: máy chụp mạch, máy ECMO, MRI 1.5, … Số trang thiết bị đang sử dụng bước sang giai đoạn xuống cấp, giảm chất lượng sử dụng, phải thường xuyên sửa chữa, bảo trì…

- Chưa có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Bệnh viện. Nhân lực Bác sỹ trình độ cao đang thiếu do bác sỹ đã tuyển hàng năm đang trong quá trình đào tạo định hướng, chuyên sâu.

- Năm 2023 có sự thay đổi đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện nên việc đổi thẻ BHYT thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu mới triển khai nên người dân còn chưa quen, cùng với tỉ lệ đổi thẻ nhiều gây nên khó khăn cho người dân trong việc đăng kí và làm thủ tục đổi thẻ, ảnh hưởng đến chế độ và quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người bệnh và người nhà người bệnh.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

- Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ tốt cho công tác phát triển chuyên môn-khoa học kỹ thuật. Hoàn thiện cơ cấu Bệnh viện, thực hiện lộ trình chia tách các khoa, phòng theo đề án tự chủ đã phê duyệt. Triển khai trung tâm hỗ trợ sinh sản.

- Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Tăng cường công tác hợp tác, chuyển giao kỹ thuật với các bệnh viện tuyến trên. Cử cán bộ đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Đẩy mạnh hoạt động Công tác xã hội và chăm sóc khách hàng, truyền thông - marketing trong Bệnh viện theo định hướng của Bệnh viện.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ứng dụng chuyển đổi số trong khám, điều trị bệnh nhân.