1. Cử tri các xã: Keng Đu, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn phản ánh Dự án điện lưới quốc gia thi công đã lâu, nay lại tạm dừng. Đề nghị kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tiếp tục thi công để người dân sớm được sử dụng điện lưới quốc gia.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tình hình thực hiện cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn đến nay như sau:

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 9781/QĐ-BCT ngày 30/10/2014, trong đó xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn với quy mô xây dựng mới 46,45km đường dây trung thế 35kV; 09 TBA 35kV/0,4kV với tổng công suất 613kVA; 16,4 km đường dây 0,4kV cấp điện cho 724 hộ dân. Dự án xây dựng trên địa bàn xã Keng Đu được triển khai thi công 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (các hạng mục cấp bách): Xây dựng mới 10,419 km đường dây trung thế 35kV; 03 TBA 35/0,4kV với tổng công suất 200kVA; 4,065km đường dây hạ thế và cấp điện cho 349 hộ dân.

- Giai đoạn 2 (Bổ sung thêm 02 TBA Huồi Tông và Huồi Xui cụm 2): Xây dựng mới 24,396 km đường dây trung thế 35kV; 08 TBA với tổng công suất 519,5kVA; 9,63km đường dây 0,4kV và cấp điện cho 635 hộ dân; dự kiến hoàn thành đóng điện trong năm 2023.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án có một số diện tích cột và hành lang an toàn lưới điện ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp. Nội dung này, UBND huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với đơn vị tư vấn (do chủ đầu tư thuê) để kiểm tra đối chiếu các vị trí thực hiện công trình trên cơ sở hồ sơ ranh giới để chuyển đổi đất rừng, bồi thường GPMB thu hồi đất trên địa bàn xã Keng Đu, kết quả cụ thể như sau:

- Tổng số vị trí nằm trên phần Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý: 102 vị trí cột điện, 03 TBA và hệ thống hành lang lưới điện đi kèm.

- Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp: 245.413,7 m2, toàn bộ diện tích thuộc đối tượng rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý (Trong đó: Tổng diện tích chân cột ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp: 2.881,7m2; Diện tích hành lang an toàn lưới điện ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp: 242.532 m2).

Hiện nay, Công ty điện lực Nghệ An đang phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Keng Đu và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan nhằm đảm bảo điều kiện nghiệm thu đóng điện, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

2. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:

+ Xây dựng kè chống sạt lở đất khe Xốp Típ để người dân an tâm sinh sống, nhất là khi mùa mưa bão (cử tri bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn);

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn: khu dân cư Bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn nằm ở gần sông Nậm Típ, đoạn sông này có độ dốc lớn, quanh co, có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét khi thiên tai xảy ra, nhất là vào mùa mưa lũ, gây xói lở đất đai, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân ở gần bờ sông. Để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, UBND huyện Kỳ Sơn đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, đánh giá tính khả thi và dự kiến đề xuất xây dựng kè sạt lở với chiều dài 280m, chiều cao từ 2m đến 3m. Trong thời gian chưa được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân bản Xốp Típ sống gần bờ sông chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm đã được phê duyệt; Theo dõi diễn biến sạt lở, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT khi có diễn biến phức tạp.

3. Cử tri xã Mường Ải, Mường Típ, huyện Kỳ Sơn kiến nghị sớm hỗ trợ cấp gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn, do thời tiết bất thường, nắng nóng làm cho hoa màu, mùa màng của người dân mất mùa.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cấp gạo cứu đói cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An (điều kiện, định mức, quy trình, thủ tục) được thực hiện theo quy định tại Chương III, Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cụ thể là: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước: “Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 01 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia”.

UBND huyện Kỳ Sơn chủ động phương án hỗ trợ gạo cho người dân bị thiệt hại do thiên tai (thời tiết bất thường) của các xã Mường Ai, và Mường Típ theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Trường hợp, địa phương thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

4. Cử tri các khối: 1, 2, 3, 4, 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn phản ánh người dân trên địa bàn thị trấn Mường Xén thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và mùa mưa nước thường đục làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản suất, kinh doanh của Nhân dân. Kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An có giải pháp khắp phục.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong thời gian qua, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND thị trấn Mường Xén phối hợp các cụm dân cư thị trấn Mường Xén khắc phục sự cố các đoạn đường ống đứt gãy, rò rỉ; Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng đã tổ chức phối hợp Ban QLDA huyện Kỳ Sơn khảo sát các tuyến đường ống có nguy cơ đứt gãy do hiện tượng sạt lở đất vào mùa mưa, đề xuất giải pháp di dời đường ống đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu nước và chất lượng nước vẫn chưa được khắc phục triệt để do quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn (như: hiện trạng hệ thống đường ống truyền tải nước thô sử dụng vật liệu bằng thép chất lượng đã xuống cấp, hướng tuyến đường ống cấp nước sạch chủ yếu dựa vào sườn đồi núi nên thường xuyên có hiện tượng đứt gãy ảnh hưởng bởi sạt lở đất). Để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân huyện Kỳ Sơn nói chung và dân cư các khối 1, 2, 3, 4, 5 thuộc thị trấn Mường Xén nói riêng, Sở Xây dựng đã có Công văn số 3760/SXD-HTKT ngày 17/10/2023 đề nghị:

- UBND huyện Kỳ Sơn: Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác khắc phục sự cố các đoạn đường ống đứt gãy, rò rỉ. Phối hợp với Công ty CP Cấp nước Nghệ An và các cơ quan liên quan tổ chức lập phương án để cải hướng tuyến đường ống truyền tải nước sạch đảm bảo tính bền vững. Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước.

- Công ty CP Cấp nước Nghệ An: Khẩn trương kiểm tra, khảo sát hiện trạng, lập phương án thay thế, chỉnh sửa, cải tuyến đường ống (các đoạn đường ống đi trên khu vực sườn đồi núi có nguy cơ sụt lở cao) để chấm dứt tình trạng thiếu nước và nguồn nước không đảm bảo vào mùa mưa. Trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống cấp nước địa bàn thị trấn Mường Xén và vùng phụ cận để tổ chức lập Kế hoạch thực hiện phát triển hệ thống cấp nước, đồng thời thực hiện ký thỏa thuận thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đảm bảo theo đúng quy định.

5. Cử tri các xã: Nậm Cắn, Nậm Càn, Keng Đu, Na Ngoi, Mường Típ, Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn kiến nghị tiếp tục quan tâm, sớm triển khai thực hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện đối với các xã còn lại để hạn chế tranh chấp đất đai, vi phạm diện tích rừng phòng hộ; đồng thời đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ rừng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư được triển khai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn từ năm 2020 đến nay, qua 3 năm triển khai thực hiện Hạt kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tại 06/21 xã trên địa bàn huyện, gồm các xã: Mỹ Lý, Bắc Lý, Bảo Thắng, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Na Ngoi với tổng diện tích 10.580,62 ha, giao cho 1.213 hộ gia đình và 30 cộng đồng. Còn 15 xã, thị trấn chưa triển khai công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp do nguồn kinh phí thực hiện Đề án GĐGR được cấp hàng năm rất ít không thể triển khai đồng bộ trên toàn huyện và một phần do thiếu quỹ đất để thực hiện Đề án GĐGR, phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện do Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý, bảo vệ.

- Ngày 24/4/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 1432/SNN-KL về việc hướng dẫn xử lý khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện Kỳ Sơn sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thực hiện việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp từ Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn giao về cho chính quyền địa phương quản lý để thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp theo Quyết định 4213/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn xin tự nguyện trả lại 40.302,91 ha và giao lại cho địa phương quản lý.

- Thực hiện Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 04/8/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giao rừng, gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đợt 1 năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND huyện Kỳ Sơn hành thực hiện giao rừng năm 2023 trên địa bàn 07 xã Nậm Càn, Hữu Lập, Phà Đánh, Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Típ và Na Loi. Trong thời gian tới căn cứ nguồn vốn được cấp, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phân bổ chỉ tiêu về huyện Kỳ Sơn để thực hiện giao rừng trên địa bàn các xã còn lại.