1. Cử tri Nguyễn Như Tuấn, trú tại xóm Lưu Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương đề nghị nâng mức cấp bù thủy lợi phí cho các Hợp tác xã. Mức cấp bù áp dụng hiện nay đã ban hành từ rất lâu, không còn phù hợp, trong khi giá điện đã tăng lên nhiều.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Từ năm 2018, để thực hiện đúng quy định và phù hợp với Luật Thủy lợi, Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí, chính sách miễn thủy lợi phí được thay thế bằng chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết về sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 - Nghị định 96/2018/NĐ-CP, mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (trước đây là mức cấp bù thủy lợi phí) được quyết định trên cơ sở giá tối đa do Bộ Tài chính quy định. Từ năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành cụ thể mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh bằng với mức giá tối đa do Bộ Tài chính quy định (tại Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Nghệ An). Do mức giá hỗ trợ này không thay đổi từ năm 2013, nên hiện không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội (do các chi phí như tiền lương, tiền điện…đều tăng). Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng phản ánh vấn đề trên, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 96/2018/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi một số nội dung về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế triển khai thực hiện. Vì vậy, sau khi Nghị định mới được ban hành, các cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai thực hiện mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo đúng quy định.

2. Cử tri Nguyễn Hữu Bình, Bí thư chi bộ xóm Liêu Tiêu, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy gặt và trợ giá giống. Hiện nay, theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025 chỉ hỗ trợ mua máy cấy, máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu không người lái, không phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Chính sách hỗ trợ mua máy máy cày, máy gặt đã được HĐND tỉnh ban hành chính sách tại các Nghị quyết như: Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017. Thông qua thực hiện các chính sách, nhiều hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư mua sắm các loại máy nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, giảm bớt được áp lực về lao động trong điều kiện ngày càng thiếu, già hóa lao động nông thôn. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cao như: Làm đất đạt trên 96%, vận chuyển 95%, gặt lúa 96%...,

Theo tình hình thực tế sản xuất, chính sách hỗ trợ mua máy cày, máy gặt đập liên hợp đã đi vào cuộc sống, số lượng máy cày, máy gặt đập liên hợp đã được người dân mua sắm rất nhiều, một số địa phương số lượng máy nhiều so với nhu cầu trong địa phương nên người dân đã đi sang các địa phương khác để cung cấp dịch vụ. Căn cứ vào nhu cầu thực tế và hiệu quả của chính sách, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương và nhu cầu thực tế của người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, trong đó sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bãi bỏ chính sách hỗ trợ máy cày, máy gặt và bổ sung chính sách hỗ trợ mua máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu không người lái để khuyến khích phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm hao phí sức lao động, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

3. Cử tri xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương phản ánh: Tuyến đường Tỉnh 534 (chạy qua 3 xã Ngọc Sơn - Lam Sơn - Bồi Sơn, huyện Đô Lương), xe tải chở cát sạn rơi vãi khắp nơi, gây ô nhiễm và mất an toàn cho Nhân dân. Đề nghị thường xuyên kiểm tra để chủ phương tiện chấp hành nghiêm quy định pháp luật, chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải, đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Từ đầu năm 2023, với sự ra quân đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng thì tình trạng phương tiện chở hàng hoá quá tải trọng, quá khổ giới hạn đã giảm hẳn trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Thanh tra Sở đã chủ động trong kiểm tra, xử lý các vi phạm nêu trên, Qua đó, cơ bản đã lập lại trật tự ATGT trên các tuyến đường, trong đố có tuyến ĐT.534 mà cử tri phản ánh. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng (32 biên chế), chủ yếu làm việc trong giờ hành chính nên có lúc, có nơi việc kiểm tra, xử lý vẫn chưa khép kín hết địa bàn (nhất là vào thời gian buổi tối đến sáng sớm), nên vẫn còn một số phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải lưu thông trên một số tuyến đường như cư tri phản ánh.

Để giải quyết kiến nghị của cư tri, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục bố trí nhân lực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở GTVT; đặc biệt triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tải trọng xe tại đầu các nguồn hàng; thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, xếp hàng hoá trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá thuộc địa bàn tỉnh...

4. Cử tri Lê Văn Sử, trú tại xóm 1, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương kiến nghị có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa khối, xóm vì sau khi sáp nhập nhà văn hóa hiện tại không đủ diện tích, chỗ ngồi sinh hoạt.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT (đợt 1) cho 15 thôn; Quyết định số 899/QĐ-UBND ngày 07/4/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT (đợt 2) cho 23 thôn, tổng kinh phí được đầu tư 02 đợt hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn bản là 10.400.000.000 đồng. Tổng 2 đợt là 38/83 thôn đã được đầu tư.

- Vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: số thôn được đầu tư hỗ trợ xây dựng, nâng cấp sửa chữa là 48 nhà văn hóa thôn, bản, tổng kinh phí 36,177 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đã được phân bổ cho các địa phương (Nghị quyết số 08/NQ HĐND ngày 24/6/2022 của HĐND tỉnh). Vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 đầu tư cơ sở vật chất văn hóa là 43,256 tỷ đồng, KH 2023: 33,256 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị khẩn trương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý tài sản công của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, nhà văn hóa các xã sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các thôn sau sáp nhập theo quy định trình Sở Tài chính thẩm định. Trên cơ sở đó, tham mưu cho tỉnh quyết định phương án khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu về thiết chế văn hóa, thể thao tại các xã, thôn sau khi thực hiện sáp nhập.

- Về thiết kế mẫu nhà văn hóa cấp thôn áp dụng cho vùng ngập lụt thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 908/SXD-QLXD ngày 18/3/2022 về việc phát hành và hướng dẫn áp dụng hồ sơ thiết kế mẫu nhà văn hóa cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.