- Ý kiến số 01: Cử tri xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu phản ánh Dự án bến thủy nội địa tại xã Diễn Bích (bám tuyến Sông Lạch Vạn) đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, tổng mức đầu tư 100 tỷ. Kiến nghị triển khai xây dựng để phục vụ nhu cầu neo đậu tài thuyền, hậu cần nghề cá, phát triển du lịch.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Diễn Châu đã đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 các dự án trên địa bàn huyện Diễn Châu từ nguồn vốn ngân sách tỉnh; trong đó, không đề xuất đầu tư dự án bến thủy nội địa tại xã Diễn Bích (bám tuyến Sông Lạch Vạn); vì vậy, dự án không được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bến cá xã Diễn Bích

Hiện nay, dự án “Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại khu vực Lạch Vạn, huyện Diễn Châu” do Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, với tổng mức đầu tư là 222.000 triệu đồng đã trình xin Bộ, ngành, Trung ương đầu tư từ nguồn đền bù của Cty Formosa (Tại Công văn số 10867/UBND-NN ngày 19/12/2023 của UBND tỉnh). Dự án này khi thực hiện sẽ kết hợp làm nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong khu vực Lạch Vạn; xây dựng cụm công trình chỉnh trị dòng chảy chống bồi lấp tại cửa lạch.

- Ý kiến số 02: Cử tri xóm Sào Nam, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu đề nghị bổ sung cây khoai lang vào danh mục các cây trồng được hỗ trợ khi bị bão lụt vì đây là cây chủ lực trong nông nghiệp tại địa bàn.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; khoản 1, Điều 2, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An: quy định mức hỗ trợ đối với các loại cây trồng bị thiệt hại gồm lúa thuần, mạ lúa thuần, lúa lai, mạ lúa lai, ngô và rau màu các loại, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Theo đó, cây khoai lang được thống kê vào nhóm rau màu các loại, hưởng mức hỗ trợ khi có thiên tai đối với diện tích bị thiệt hại trên 70% là 2.000.000 đồng/ha, diện tích bị thiệt hại từ 30%-70% là 1.000.000 đồng/ha.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Diễn Châu chỉ đạo UBND xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân cụ thể, chi tiết các quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh; xác nhận, thống kê các đối tượng, diện tích thiệt hại theo quy định.

- Ý kiến số 03: Cử tri xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu phản ánh xã Diễn Lâm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 18/10/2019 nhưng đã 5 năm vẫn chưa nhận được tiền khen thưởng theo quy định.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Chính sách thưởng khuyến khích trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh (đối với giai đoạn 2015-2020) và tại Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh (đối với giai đoạn 2021-2025), ngân sách tỉnh đảm bảo đủ nguồn kinh phí để thực hiện chính sách theo quy định.

Đối với các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được thưởng công trình phúc lợi quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua ''Cả nước xây dựng Nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, theo đó tại điểm d, Khoản IV, Quyết định số 1730/QĐ-TTg quy định nguồn kinh phí khen thưởng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc giai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi), không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để khen thưởng. Nghệ An là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, đang còn phụ thuộc vào bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, bên cạnh đó ngân sách tỉnh đang còn phải tập trung các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, chính sách khuyến khích trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các công trình trọng điểm cấp bách, GPMB các dự án…, do vậy ngân sách tỉnh không thể cân đối được nguồn kinh phí theo đề nghị của các đơn vị để thực hiện chính sách khen thưởng được quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Ý kiến số 04: Cử tri xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu phản ánh mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đã tăng từ ngày 01/7/2024 nhưng đến nay các thương binh, bệnh binh xã Diễn Bích vẫn chưa được nhận mức mới.

UBND tỉnh trả lời như sau:

UBND huyện Diễn Châu đã hoàn thành chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho các thương, bệnh binh vào tháng 01/2025, bao gồm truy lĩnh mức tăng theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ về việc nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

- Ý kiến số 05: Cử tri Nguyễn Ngọc Minh, xóm Nam Thịnh, xã Diễn Ngọc huyện Diễn Châu kiến nghị huyện đã chuyển gửi sở Lao động - Thương binh và xã hội hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chuyên gia khi chiến đấu ở chiến trường Campuchia của ông nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc giải quyết trợ cấp một lần đối với người được cử đi làm chuyên gia được quy định cụ thể tại Quyết định 57/2013/QĐ-TTg ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng: Tại Điều 2 Quyết định 57/2013/QĐ-TTg quy định:

“1. Đối tượng được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định này là những người làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chia theo yêu cầu của bạn và những người đi làm nhiệm vụ phục vụ chuyên gia, gồm:

1) Người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Quyết định số 87-CT ngày 01 tháng 3 năm 1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ, chính sách đối với cán bộ sang giúp Lào và Căm-pu-chia;

2) Người đang công tác hoặc nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí, thôi việc. Chế độ trợ cấp quy định tại Quyết định này không áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này đã chết và không còn vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp;

b) Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Căm-pu-chia”.

Hồ sơ, trình tực thực hiện:

Theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 57/2013/NĐ-CP hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử đi làm chuyên gia như sau:

“1. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp được quy định như sau:

a) 01 Tờ khai của đối tượng. Trường hợp đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này đã chết trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì thân nhân trực tiếp của đối tượng lập Tờ khai;

b) Quyết định cử đối tượng sang làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chia; Quyết định về nước (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền);

c) Quyết định nghỉ hưu hoặc nghỉ việc do mất sức lao động (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền) của người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc do mất sức lao động;

d) Quyết định nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc Quyết định thôi việc và hồ sơ lý lịch khai trước khi nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc có xác nhận của cơ quan quản lý (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền) của người nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc;

đ) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về thời gian thực tế của đối tượng được cử sang làm chuyên gia tại Lào, Căm-pu-chia đối với đối tượng thiếu giấy tờ quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này;

e) Giấy ủy quyền của các thân nhân trực tiếp của đối tượng cho một người đứng tên làm thủ tục hưởng trợ cấp đối với trường hợp đối tượng đã chết nhưng còn các thân nhân trực tiếp.

  1. Trình tự giải quyết chế độ trợ cấp được thực hiện như sau: a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này hoặc thân nhân

đối tượng có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp đối với đối tượng đủ điều kiện”.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Ngọc Minh, đến ngày 18/12/2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp một lần đối với người được cử đi làm chuyên gia đối với ông Nguyễn Ngọc Minh, thường trú tại xóm Nam Thịnh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu như ông Minh phản ánh. Do đó, chưa có cơ sở xem xét, tham mưu việc giải quyết chế độ đối với Ông.

- Ý kiến số 06: Cử tri xóm 12, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu kiến nghị tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ cho cán bộ hoạt động tại vùng giáo.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chú trọng thực hiện chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, như: chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đường bê tông giao thông nông thôn…Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... đã quan tâm tạo điều kiện cho các hội viên, đoàn viên vùng giáo vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các chương trình dự án xây dựng nhà văn hóa, xây dựng đường giao thông tại các vùng trọng điểm về tôn giáo được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ, từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã đề xuất và được UBND tỉnh hỗ trợ vùng có đông đồng bào Công giáo: 162 công trình (nhà văn hóa và các công trình, trang thiết bị liên quan; công trình giao thông và các hạng mục có liên quan) với mức hỗ trợ là 245.339.368.000 đồng và 39 công trình đề nghị hỗ trợ xi măng, số lượng 12.758 tấn.

- Đối với cán bộ hoạt động tại vùng giáo, tỉnh cũng đã quan tâm, động viên; tuy nhiên hiện nay chưa có cơ sở để xem xét, giải quyết hỗ trợ đặc thù cho cán bộ hoạt động vùng giáo mà chỉ thực hiện hỗ trợ cho cán bộ công chức theo quy định chung.