1. Cử tri Bùi Gia Hảo, trú tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương phản ánh từ khi có các công trình thủy điện trên dòng sông Lam dẫn đến mực nước thất thường, không theo quy luật từ xưa đến nay, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của Nhân dân, biểu hiện như mùa mưa lụt nước sông lên nhanh làm một số địa phương bị ngập lụt nhanh. Khi các thủy điện không xả nước làm cho mực nước xuống thấp, các trạm bơm phải nối vòi, thậm chí một số trạm bơm không nối được vòi vì mực nước xuống quá thấp. Đề nghị tổ chức khảo sát lại hệ lụy do xây dựng thủy điện gây ra để có giải pháp lâu dài. Bên cạnh đó, sau khi Thủy điện tích nước lên cao trình 38, diện tích ngập lụt vượt ra ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng và cao trình được phê duyệt, từ đó đến nay không có cơ quan nào kiểm đếm để làm cơ sở bồi thường cho người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

  1. Về nội dung “Cử tri Bùi Gia Hảo, trú tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương phản ánh từ khi có các công trình thủy điện trên dòng sông Lam dẫn đến mực nước thất thường, không theo quy luật từ xưa đến nay, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của Nhân dân, biểu hiện như mùa mưa lụt nước sông lên nhanh làm một số địa phương bị ngập lụt nhanh. Khi các thủy điện không xả nước làm cho mực nước xuống thấp, các trạm bơm phải nối vòi, thậm chí một số trạm bơm không nối được vòi vì mực nước xuống quá thấp. Đề nghị tổ chức khảo sát lại hệ lụy do xây dựng thủy điện gây ra để có giải pháp lâu dài”

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3775/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 phê duyệt Đề án: “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thuỷ điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động” (thời gian triển khai thực hiện đến 30/9/2023). Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện Quyết định nêu trên. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá các tác động của hệ thống thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, sẽ đưa ra giải các giải pháp lâu dài nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và cuộc sống của nhân dân. Đến nay, Đề án đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các công trình thuỷ điện và hiện đang tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan để đưa ra giải pháp đồng bộ và phù hợp và hoàn thiện báo cáo.

  1. Về nội dung “Sau khi Thủy điện tích nước lên cao trình 38, diện tích ngập lụt vượt ra ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng và cao trình được phê duyệt, từ đó đến nay không có cơ quan nào kiểm đếm để làm cơ sở bồi thường cho người dân”.

 UBND tỉnh đã có Công văn số 3673/UBND-CN ngày 15/5/2023 về việc giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn huyện Con Cuông, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, UBND huyện Con Cuông đã phối hợp với Công ty Thuỷ điện Chi Khê và UBND các xã nằm trong khu vực lòng hồ đi kiểm tra hiện trường xác định các vị trí diện tích đất bị sạt lở, phát sinh sau khi thủy điện tích nước đến cao trình 38m để lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu vực lòng hồ nhà máy thuỷ điện Chi Khê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để lập trích lục, trích đo và triển khai các các bước tiếp theo của công tác bồi thường, hỗ trợ phần diện tích sạt lở phát sinh sau tích nước theo quy định. Khảo sát, đo đạc và thi công hoàn thành việc sửa chữa, tôn cao 02 vị trí đường vào ngày 12/11/2023, bao gồm: Đường bê tông nội thôn bản Bãi Gạo (lối đường vào nhà bà Lô Thị Phòng) và vị trí đường liên xã tại khe giáp ranh giữa bản Bãi Gạo và thôn Khe Choăng, xã Châu Khê.

  1. Các cử tri: Bùi Gia Hảo, trú tại xã Cát Văn; Đặng Anh Dũng, trú tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đề nghị xây dựng lịch hoạt động thủy điện và điều tiết nước tại trạm ba ra Đô Lương phù hợp trong các mục đích vừa chống lụt, chống hạn và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Đập ba ra Đô Lương

UBND tỉnh trả lời như sau:

* Đối với việc xây dựng lịch hoạt động của thủy điện.

- Trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 934,9 MW, trong đó có nhà máy thủy điện Hủa Na và Đồng Văn vận hành và xả nước về hạ lưu tỉnh Thanh Hóa. Các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Bản Mồng, Nhạn Hạc A, Châu Thắng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019), còn lại là các nhà máy thủy điện thực hiện quy trình vận hành do Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt. Trong 20 hồ thủy điện hạ du nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì chỉ có hồ chứa thuỷ điện Bản Vẽ là hồ điều tiết năm; dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3 ở cao trình mực nước dâng bình thường là 200,0m, trong đó có 300 triệu m3là dung tích phòng lũ. 19 hồ còn lại vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm và không có dung tích phòng lũ, không có chức năng cắt giảm lũ cho hạ du.

- Đối với việc xây dựng lịch hoạt động của thủy điện phù hợp trong các mục đích chống lụt, chống hạn và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân được quy định trong quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Trong Quy trình vận hành đã quy định rõ thời gian, các thức vận hành cho mùa lũ và mùa cạn. Trong các mùa đã quy định chi tiết lịch vận hành, cách thức vận hành cho các thời điểm cụ thể để đáp ứng các thứ tự ưu tiên vận hành nêu trên.

* Đối với việc điều tiết nước tại trạm ba ra Đô Lương.

Từ năm 2020, dự án JICA (do Chính phủ Nhật Bản tài trợ) triển khai thực hiện hạng mục cống Tràng Sơn và Đập Bara Đô Lương, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã bàn giao toàn bộ mặt bằng công trình cho đơn vị thi công. Kể từ đó đến nay, Ban Quản lý dự án trực tiếp vận hành đập Bara Đô Lương. Hiện nay công trình thi công chưa hoàn thiện, đang điều tiết vừa phục vụ nhu cầu tưới tiêu vừa phục vụ thi công. Sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho Công ty TNHH MTV Bắc quản lý vận hành theo quy định.

  1. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:

+ Nâng cấp hệ thống mương thoát nước trên tuyến quốc lộ 46 (đoạn qua xã Thanh Liên), hằng năm được nâng cấp nhưng hệ thống mương thoát nước không đảm bảo, đến mùa mưa các hộ dân tại xóm Liên Khai, xã Thanh Liên thường bị ngập úng cục bộ sâu khoảng 1m (cử tri Nguyễn Viết Hạnh, trú tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương);

+ Nâng cấp tuyến quốc lộ 46 (đoạn qua thị trấn Thanh Chương), hệ thống mương thoát nước không đảm bảo, mùa mưa thường bị ngập sâu 40-50 cm, ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân (cử tri Nguyễn Phương Quế, trú tại khối 2 A, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương).

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Nâng cấp hệ thống mương thoát nước trên tuyến QL.46 (đoạn qua xã Thanh Liên), hàng năm được nâng cấp nhưng hệ thống mương thoát nước không đảm bảo, đến màu mưa các hộ dân tại xóm Liên Khai, xã Thanh Liên thường bị ngập úng cực bộ sâu khoảng 1m (cử tri Nguyễn Viết Hạnh, trú tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương)

Nội dung mà cử tri đề xuất nằm trên đoạn tuyến QL.46C, không phải trên QL.46. Khu QLĐB II đã đưa vào kế hoạch sửa chữa đường bộ năm 2023 và đã được Tổng cục ĐBVN (nay là Cục ĐBVN) quyết định đầu tư tại Quyết định số 3732/QĐ-TCĐBVN ngày 23/9/2022 “Về việc phê duyệt Báo cáo KTKT công trình: Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, rãnh thoát nước dọc và hệ thống ATGT đoạn Km104+00 - Km105+450”, trong đó có sửa chữa rãnh thoát nước dọc đoạn Km105+262 – Km105+445 (PT). Hiện nay, đoạn rãnh nêu trên đã được nhà thầu thi công xong trên hiện trường.

- Cử tri Nguyễn Phương Quế, trú tại khối 2A, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương kiến nghị nâng cấp tuyến quốc lộ 46 (đoạn qua thị trấn Thanh Chương), hệ thống mương thoát nước không đảm bảo, mùa mưa thường bị ngập sâu 40-50 cm, ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân.

Đối với nội dung nâng cấp tuyến QL.46B (đoạn qua thị trấn Thanh Chương): Năm 2022, Khu QLĐB II đã triển khai và hoàn thành dự án thảm mặt đường bằng Bê tông nhựa đoạn từ Km42+400 - Km43+400 bằng nguồn vốn sửa chữa đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông.

- Đối với hệ thống rãnh thoát nước:

+ Khu QLĐB II đã đưa vào kế hoạch sửa chữa đường bộ bổ sung năm 2023 và đã được Cục ĐBVN quyết định đầu tư tại Quyết định số 1446/QĐ-CĐBVN ngày 10/4/2023 “Về việc phê duyệt Báo cáo KTKT công trình: Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường từ Km36+100 - Km36+200; Km38+900 - Km39+00; Km39+750 - Km41+150; Sửa chữa rãnh dọc 06 đoạn Km4+200 - Km52+120 và cống thoát nước Km44+474; Bổ sung đinh phản quang Km0 - Km10+230 Quốc lộ 46B, tỉnh Nghệ An” trong đó có đầu tư xây dựng các đoạn rãnh từ Km40+137 - Km40+343 (PT); Km44+474 – Km44+864 (PT); Km46+810 – Km46+941 (TT) và cống hộp kích thước BxH=1x1m tại Km44+474. Công trình dự kiến sẽ triển khai thi công trong năm 2023.

+ UBND huyện Thanh Chương (Chủ đầu tư) đang triển khai thi công dự án “Nâng cấp, cải tạo hồ sinh thái Thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương” trong đó có bổ sung 04 cống ngang từ mép đường nhựa vào lòng hồ (lý trình từ Km43+300 – Km43+400 QL.46B), nhằm đảm bảo thoát nước các vị trí bị ngập cục bộ trên tuyến QL.46B. Đề nghị UBND huyện Thanh Chương có giải pháp xử lý triệt các vị trí đọng nước trên đường ven hồ sinh thái Thị trấn Thanh Chương.

  1. Cử tri Nguyễn Phương Quế, trú tại khối 2A, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đề nghị sớm bàn giao, quản lý tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị đã di chuyển trụ sở làm việc đến địa mới (như Chi Cục thuế, Công an huyện, Viện Kiểm sát).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý do Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở báo cáo kê khai đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra hiện trạng (Riêng nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thì việc kiểm tra hiện trạng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tự thực hiện), lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà, đất. Đối với cơ sở nhà, đất thuộc Chi cục thuế trên địa bàn tỉnh, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến của UBND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến về phương án xử lý đối với các cơ sở nhà, đất thuộc Chi cục thuế trên địa bàn tỉnh trong đó có Chi cục thuế huyện Thanh Chương (Công văn số 1527/UBND-KT ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh) hiện nay đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Đối với cơ sở nhà đất thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến về phương án xử lý (Công văn số 1724/UBND -KT ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh), trong đó chưa có cơ sở nhà đất viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương. (Theo thông tin của UBND huyện Thanh Chương, hiện tại đơn vị Viện kiểm sát đang sử dụng trụ sở cũ để làm việc do trụ sở mới chưa xây xong, khi chuyển sang địa điểm mới, UBND huyện sẽ có văn bản với đơn vị để thực hiện sắp xếp tài sản công theo đúng quy định).

Đối với cơ quan Công an huyện Thanh Chương hiện nay chưa có đề xuất của đơn vị về cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.