1. Cử tri xã Thông Thụ, huyện Quế Phong đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đối ngoại cho các thôn, bản thực hiện chủ trương kết nghĩa giữa các bản giáp biên giới của xã Thông Thụ huyện Quế Phong, Nghệ An và cụm bản Viêng Phăn (gồm các bản Mường Phú; Mường Piệt; bản Lốc), tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Kinh phí hỗ trợ thôn bản thực hiện chủ trương kết nghĩa giữa các bản có đường biên giới giáp với Lào là một trong những nhiệm vụ chi đặc thù do ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo theo phân cấp và được bố trí trong dự toán chi quản lý nhà nước cấp huyện và chi quốc phòng - an ninh cấp huyện, cấp xã theo quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, theo đó:
- Định mức phân bổ chi quản lý nhà nước cấp huyện (ngoài định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế), bổ sung kinh phí đặc thù đối với các huyện có đường biên giới giáp Lào theo mức: 500 triệu đồng/đơn vị/năm đối với các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; 250 triệu đồng/đơn vị/năm đối với các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương.
- Định mức phân bổ chi quốc phòng - an ninh cấp huyện theo mức: 2.160 triệu đồng/huyện/năm đối với vùng đô thị và đồng bằng, 2.530 triệu đồng/huyện/năm đối với vùng núi thấp, 3.050 triệu đồng/huyện/năm đối với vùng núi cao. Phân bổ thêm theo tiêu chí xã biên giới đất liền giáp nước bạn Lào theo mức: 300 triệu đồng/xã/năm.
- Định mức phân bổ hỗ trợ chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã theo mức: 165 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại I, 150 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại II, 135 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại III. Phân bổ thêm theo tiêu chí xã có đường biên giới giáp với Lào theo mức: 200 triệu đồng/xã/năm.
Căn cứ mức hỗ trợ trên và khả năng cân đối của ngân sách cấp huyện, xã (nếu có bổ sung), UBND cấp huyện, xã trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ, giao dự toán chi tiết các nội dung hỗ trợ (trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ thôn bản thực hiện chủ trương kết nghĩa giữa các bản có đường biên giới giáp với Lào) theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
2. Cử tri xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong phản ánh xã Hạnh Dịch là xã biên giới đặc biệt khó khăn (xã khu vực III), có diện tích tự nhiên 18.019,34 ha với 13,063 km đường biên giới tiếp giáp với Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Theo quy định tại Thông tư 09/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 1 năm 2005 của Bộ Nội vụ thì cán bộ, công chức, viên chức làm việc, công tác trên địa bàn các xã biên giới được hưởng 30% phụ cấp đặc thù của xã biên giới, tuy nhiên đến nay chưa được hưởng chính sách này, trong khi đó đối với các Chiến sỹ đồn Biên phòng Hạnh Dịch có trụ sở đóng quân trên địa bàn xã thì lại được hưởng. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét để cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trên địa bàn xã được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Thực hiện theo Thông tư 09/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; theo đó, có 02 xã thuộc huyện Quế Phong được hưởng phụ cấp đặc biệt là xã Thông Thụ và xã Tri Lễ. Tuy nhiên, đến năm 2006 Bộ Nội vụ có Công văn số 2344/BNV-TL ngày 07/6/2006 trả lời UBND tỉnh Nghệ An về chế độ phụ cấp đặc biệt; Trong đó bổ sung thêm 30% phụ cấp đặc biệt cho những xã thuộc huyện Quế Phong đó là: xã Đồng Văn, Xã Nậm Giải, xã Nậm Nhoóng, và một số bản thuộc xã Hạnh Dịch (Bản Cóm, Chắm Pụt, Bản Khốm, Bản Ná Sái, Bản Mựt và Hủa Mướng) UBND xã Hạnh Dịch nằm trên bản Vinh Tiến (trước đây là Bản Chàm nay sáp nhập với bản Pà Kỉm thành bản Vinh Tiến) hai bản này đều không có trong danh sách các bản được hưởng 30% phụ cấp đặc biệt đối với xã biên giới, đặc biệt khó khăn, do vậy cán bộ, công chức làm việc tại địa bàn trụ sở UBND xã đóng không được hưởng phụ cấp đặc biệt.
3. Cử tri xã Quang Phong, huyện Quế Phong tiếp tục đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thanh Thành Đạt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9346/UBND – CN ngày 01/12/2021, trong đó bàn giao 70ha đất chồng lấn và diện tích tự nhiên không trồng rừng về địa phương quản lý; giao đất, giao rừng cho người dân trên địa bàn. Mặc dù UBND huyện đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng Doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án Trồng rừng nguyên liệu và khoanh nuôi bảo vệ tại xã Nậm Giải, Nậm Nhóng và Quang Phong, huyện Quế Phong do Công ty TNHH Thanh Thành Đạt làm chủ đầu tư, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã có báo cáo và được UBND tỉnh xử lý tại Công văn số 9346/UBND-CN ngày 01/12/2021 về việc xử lý 05 dự án trồng rừng, cao su, dược liệu chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, đối với Dự án Trồng rừng nguyên liệu và khoanh nuôi bảo vệ tại xã Nậm Giải, Nậm Nhóng và Quang Phong, huyện Quế Phong do Công ty TNHH Thanh Thành Đạt làm chủ đầu tư: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quế Phong thu hồi phần diện tích khoảng 70 ha tại thửa số 51, tờ bản đồ số 2, do chồng lấn với các hộ dân trồng keo trong khoảng thời gian công ty làm thủ tục thuê đất, theo đề nghị của UBND huyện Quế Phong, để giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, giao đất sản xuất cho người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và UBND huyện Quế Phong sớm thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Công văn số 9346/UBND–CN ngày 01/12/2021. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt vẫn triển khai chậm nội dung này. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt vẫn triển khai chậm nội dung này. Vì vậy, để có cơ sở xử lý đối với nội dung kiến nghị của cử tri cũng như xử lý đối với Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo đề xuất UBND tỉnh đưa vào kế hoạch kiểm tra các dự án của Đoàn Kiểm tra liên ngành năm 2023 được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 01/11/2023 để kiểm tra, xử lý tổng thể, toàn diện đối với dự án.
4. Cử tri xã Nậm Nhóong, huyện Quế Phong kiến nghị đẩy nhanh việc phân định ranh giới giữa hai xã Nậm Nhóong và Cắm Muộn, thông báo tiến độ thực hiện, thời điểm bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính về cho xã quản lý, sử dụng. Cử tri đã kiến nghị từ trước kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh, tuy nhiên, đến nay, tiến độ thực hiện còn chậm.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án: “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” các cấp (Gọi tắt là dự án 513). Trong những năm qua, tuyến ĐGHC giữa xã Nậm Nhóong và xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong đã được lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC xong, được phân định rõ ràng về ranh giới giữa hai xã và các địa phương đã ký xác nhận pháp lý đầy đủ hoàn thành vào các bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC theo quy định. Thời gian tới, trong Quý IV/2023, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh để trình Bộ Nội vụ và các Bộ, Ngành có liên quan thẩm định phê duyệt hồ sơ ĐGHC các cấp cho tỉnh Nghệ An. Sau khi có kết quả phê duyệt chính thức về hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp, Sở Nội vụ sẽ tổ chức bàn giao lại hồ sơ, bản đồ ĐGHC về cho các địa phương để quản lý, khai thác sử dụng theo quy định.