bna_linh.jpg
Ảnh: Quang An

" Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chợ

Ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Vinh

Bản báo cáo và phần trả lời chất vấn của đồng chí Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương đã khái quát được tình hình, thực trạng về phát triển chợ hiện nay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chợ truyền thống mà cử tri đang quan tâm như quy hoạch chợ, phòng cháy, chữa cháy tại chợ, kiểm soát hàng hóa tại chợ, tình trạng chợ tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, chợ truyền thống giảm sức hút…

Tôi thấy lãnh đạo Sở Công Thương đã trả lời chi tiết, cụ thể và thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm câu hỏi của các đại biểu đặt ra. Thực tế hiện nay, việc quản lý, phát triển chợ truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khu chợ đã xây dựng lâu năm, xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy.

Ngược lại, có những khu chợ mới xây dựng khang trang, tuy nhiên một bộ phận người dân lại không vào chợ kinh doanh mà buôn bán tự phát ngoài lòng, lề đường, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Trên địa bàn phường Cửa Nam hiện nay, bà con chủ yếu đi chợ Vinh, chợ đầu mối, chợ Đước để mua thực phẩm hàng ngày. Đối với vấn đề lấn chiếm hành lang giao thông vẫn xuất hiện chủ yếu tại tuyến đường Lê Hồng Sơn trước chợ đầu mối và một số điểm. Lực lượng chức năng của phường Cửa Nam và phường Hồng Sơn đã liên tục ra quân, nhắc nhở, xử lý nhiều tiểu thương vi phạm.

bna_ong-thang.jpg
Ảnh: Bảo Hân

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn

Ông Đàm Công Thắng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông

Qua theo dõi truyền hình trực tiếp, tôi thấy không khí phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, trách nhiệm. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực Công Thương như công tác quản lý chợ, gian lận thương mại, kinh doanh online.

Đối với kinh doanh online, dù lĩnh vực này đang thúc đẩy nền kinh tế số của nước ta nhưng thời gian qua, cũng nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tục bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thậm chí lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội rất phức tạp.

bna_ngo-thi-phuongk.jpg
Ảnh: Quang An

Tăng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống

Bà Ngô Thị Phượng, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu

Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, tôi thấy vấn đề thực trạng và phát triển chợ truyền thống được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Thực tế đây là vấn đề người dân chúng tôi rất quan tâm, đặc biệt tại các vùng nông thôn thì việc đi chợ mua sắm vẫn đang là thói quen hàng ngày.

Mặc dù vậy, hiện nay, các khu chợ đã giảm dần sức hút, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số 4.0. Việc người dân sử dụng điện thoại thông minh, đặt hàng qua mạng diễn ra phổ biến. Tôi mong muốn thông qua kỳ họp này, lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành sẽ có các giải pháp để phát triển chợ truyền thống hiệu quả, bền vững, đặc biệt trong công tác quy hoạch, cải tạo, nâng cấp chợ để chợ thực sự là điểm đến cần thiết của nhân dân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại chợ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo. Đối với tiểu thương, cần trang bị cho mình kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự, thái độ bán hàng thân thiện.

bna_phan-thi-thuyet.jpg
Ảnh: Quang An

Kiểm tra chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm

Bà Bùi Thị Thuyết, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương

Nội dung chất vấn về lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm rất thiết thực đối với đời sống của nhân dân hiện nay, vì người tiêu dùng đang sống chung với rất nhiều hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn tràn lan. Tỷ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư… do sử dụng thực phẩm kém chất lượng ngày càng gia tăng khiến người dân vừa lo sợ, vừa bức xúc.

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh, TP. Vinh đã chất vấn đúng với thực tế tình trạng người dân, các em học sinh dễ dàng mua được những sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không có bao bì nhãn mác, dày đặc chữ nước ngoài mà không có nhãn phụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

bna_hang-hoa.jpg
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh mang những hàng hóa không rõ nguồn gốc làm dẫn chứng tại phiên chất vấn sáng 11/7. Ảnh: Thành Cường

Trước thực trạng các mặt hàng này vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường, tôi mong muốn các ban, ngành, đơn vị có thêm những giải pháp triệt để hơn, tăng thêm các chế tài xử phạt để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của nhân dân.

bna_anh-tu-c01d2b15359f174fa8ed4f25e2e77fa2.jpg
Ảnh: Quang An

Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Anh Tú, phường Trường Thi, TP. Vinh

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nhân dân rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Trong những giải pháp được các cơ quan, ban, ngành đưa ra tại phiên chất vấn, tôi đồng ý rất cao với phương án tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thực phẩm bẩn mà đồng chí Giám đốc Sở Công Thương đưa ra.

bna_hinh-anh-cac-hoc-sinh-mua-va-an-nhung-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-truoc-cong-truong-dien-ra-pho-bien.-anh-chup-tai-truoc-cong-truong-tieu-hoc-ben-thuy-tp.vinh-anh-qa.jpg
Hình ảnh các học sinh mua và ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường diễn ra phổ biến. Ảnh chụp trước cổng một trường tiểu học ở TP. Vinh. Ảnh: Quang An

Thực tế hiện nay, việc tuần tra, xử phạt hành vi buôn bán thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc dù thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng để triệt để rất khó. Các tiểu thương có nhiều hình thức tinh vi. Do đó, đối với các em học sinh, thanh, thiếu niên, các bậc phụ huynh cũng như nhà trường phải thường xuyên dạy dỗ, khuyên răn các cháu nhận biết và tránh xa các thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường, không tùy tiện cho tiền các cháu nhỏ vì khi không có người mua thì người bán tự khắc sẽ không còn nhập những mặt hàng này nữa.