Về kiến nghị của cử tri Nguyễn Hồng Sơn, Công an huyện Tân Kỳ đã trả lời như sau:
Ngày 15/8/2023, Công an huyện Tân Kỳ đã tiến hành làm việc với đại diện công ty TNHH Hoàng Danh, tại thời điểm làm việc các xe trong mỏ không hoạt động và trong nội bộ mỏ khai thác khoáng sản của công ty có 05 (năm) xe ô tô tải, trong đó có 03 (ba) xe còn niên hạn sử dụng; 02 (hai) xe hết niên hạn sử dụng. Giám đốc công ty là bà Đinh Thị Thu Hiền trình bày công ty chỉ sử dụng 03 (ba) xe còn niên hạn sử dụng để phục vụ sản xuất, 02 (hai) xe hết niên hạn công ty không sử dụng. Qua kiểm tra xác minh thì các phương tiện nói trên chỉ hoạt động trong nội bộ các mỏ khai thác khoáng sản, không tham gia giao thông đường bộ. Đối với các phương tiện trên, lực lượng CSGT Công an huyện Tân Kỳ đã tiến hành tuyên truyền, vận động và ký cam kết đối với đại diện công ty TNHH Hoàng Danh không được đưa xe tham gia giao thông đường bộ. Đối với việc xử lý các phương tiện nói trên lực lượng CSGT Công an huyện Tân Kỳ chưa có căn cứ pháp lý để xử lý, xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể sau:
Thứ nhất, về quyền hạn của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ
- Khoản 1 Điều 87 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, […]”.
- Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau: “Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật, […]”
- Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định về tuyến, địa bàn tuần tra kiểm soát của Công an cấp huyện bao gồm:“[…] a, Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b, Các đoạn quốc lộ thuốc các tuyến quốc lộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo Kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
c, Các tuyến đường tỉnh, đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này [..]”.
Như vậy, CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời riêng với lực lượng CSGT Công an cấp huyện chỉ được tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường bộ được phân cấp bao gồm: các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng, đường đô thị theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an.
Thứ hai, về phân loại đường bộ
- Điều 39 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về phân loại đường bộ như sau:
“1. Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau: […]
- e) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
- Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau: […]
- d) Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã”.
- Trong khi đó, địa bàn huyện Tân Kỳ hiện chỉ có các tuyến đường bộ bao gồm: 04 tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 48E, 48D, 15A, Đường Hồ Chí Minh), 03 tuyến Tỉnh lộ (Tỉnh lộ 534B, 534D, 545); 10 tuyến đường huyện; 03 tuyến đường chuyên dùng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 7560/QĐ-UBND-GT ngày 31/12/2014 (bao gồm 03 tuyến đường số hiệu: ĐCD.01 với điểm đầu xã Kim Thành huyện Yên Thành, điểm cuối Km 681+500m ; ĐCD.02 với điểm đầu Km10+100m ĐH372 xã Tân Hợp, điểm cuối Km 7+500 ĐH 376; ĐCD.03 với điểm đầu tại Km 698 Đường HCM, xã Kỳ Sơn, điểm cuối giáp xã Giang Sơn, huyện Đô Lương) và các tuyến đường xã đi qua địa bàn huyện.
Như vậy, các tuyến đường ở phạm vi nội bộ các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Kỳ không phải là tuyến đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ (kể cả đường chuyên dùng).
Căn cứ các nội dung trên, đối với các phương tiện của công ty TNHH Hoàng Danh không tham gia giao thông chỉ hoạt động trong các mỏ khai thác khoáng sản; hiện nay lực lượng CSGT Công an huyện Tân Kỳ đã tuyên truyền, vận động không sử dụng tuy nhiên chưa có căn cứ để xử lý. Thời gian tới, lực lượng CSGT Công an huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp vận động, tuyên truyền đối với chủ phương tiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an xã tiếp tục nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, giám sát và xử lý nghiêm nếu các phương tiện nói trên tham gia giao thông đường bộ.