Con Cuông bước thật vững, tiến thật chắc
Cơ hội vàng để phát triển
Huyện Con Cuông nằm trên tuyến Quốc lộ 7 - kết nối các địa phương ven biển lên đến miền Tây Nghệ An và nước bạn Lào. Huyện có truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời với nhiều di tích như thành Trà Lân, bia Ma Nhai được lập từ thế kỷ XIII, nhà cụ Vi Văn Khang - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây Nghệ An; có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Về điều kiện tự nhiên, miền Trà Lân có Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với hệ sinh thái đa dạng bậc nhất khu vực và thế giới. Nơi đây non nước hữu tình, nhiều danh lam, thắng cảnh như: Thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Pha Lài, sông Giăng, cánh đồng Mường Quạ và hệ thống hang động tự nhiên huyền bí. Cùng với đó, Con Cuông cũng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng người Thái.
Phải nói rằng, huyện Con Cuông có khá nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, huyện còn thiếu một định hướng lớn mang tính tổng quát, cơ bản, bền vững, lâu dài đi kèm là những chính sách hỗ trợ, cơ chế, nguồn lực đủ lớn để làm kim chỉ nam và trợ lực để phát triển. Nghị quyết số 39-NQ/TW ra đời đã giải quyết bài toàn này – Con Cuông được xác định xây dựng trở thành đô thị sinh thái du lịch, kết nối vùng, trở thành động lực phát triển tiểu vùng Tây Nam, từ Anh Sơn lên đến Kỳ Sơn.
Nhận thức rõ về Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là cơ hội vàng để phát triển, nên ngay khi tỉnh Nghệ An ban hành chương trình thực hiện thì huyện Con Cuông đã cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động và hoạt động cụ thể nhằm vận dụng cơ hội này để xây dựng, phát triển địa phương toàn diện.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HOÀI AN - BÍ THƯ HUYỆN UỶ CON CUÔNG:
Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong huyện chủ động tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông xây dựng, ban hành Kế hoạch số 217 KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông về thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ chính trị và Chương trình hành động số 68 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát chương trình, bám quy hoạch tỉnh; cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch chung đô thị Con Cuông, quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông; xây dựng các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Sau khi ban hành Kế hoạch số 217 KH/HU Huyện ủy Con Cuông đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 39-NQ/TW, Chương trình hành động số 68-CTr/TU và Kế hoạch số 217 KH/HU nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, khơi dậy khát vọng, đoàn kết, quyết tâm phát triển toàn diện; phát huy truyền thống, văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời để “vừa bước thật vững, tiến thật chắc, nhưng với phương châm nhanh hơn, mạnh hơn” phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn để xây dựng, phát triển huyện Con Cuông phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới; xứng đáng là đô thị sinh thái, động lực thúc đẩy phát triển của tiểu vùng Tây Nam”.
Song hành với đó, huyện cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện thúc đẩy việc “xây dựng và phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch”.
Nỗ lực trở thành đô thị sinh thái, du lịch
Ở thời điểm này, toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Con Cuông đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở để sớm đưa Nghị quyết số 39-NQ/TW, Chương trình hành động số 68-CTr/TU và Kế hoạch số 217 KH/HU vào cuộc sống.
Theo đó, về phát triển kinh tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, Con Cuông tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái gắn với du lịch; tập trung mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi sản xuất theo chuỗi liên kết; Huyện tiếp tục tăng cường quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, quản lý và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn.
ĐỒNG CHÍ LÔ VĂN LÝ - TRƯỞNG PHÒNG NÔNG NGHIỆP HUYỆN CON CUÔNG:
Hiện Con Cuông đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến năm 2025, sẽ chuyển đổi 59,7 ha lúa nước sang cây trồng khác; chuyển đổi 241,5 ha trồng màu kém hiệu quả sang cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng khác. Cùng với đó, huyện tập trung áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất xanh, bền vững; nỗ lực xây dựng từ 3-5 mô hình nông nghiệp sinh thái, gắn với sản phẩm du lịch và sản phẩm đặc trưng của huyện.
Bên cạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, Con Cuông đã và đang tăng cường thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Huyện chú trọng phát triển hạ tầng thương mại biên giới, khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng; bưu chính, viễn thông.
Về phát triển văn hoá, xã hội, huyện có Đề án: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch huyện Con Cuông giai đoạn 2025-2030”; ban hành chương trình, kế hoạch phục dựng quần thể bia Ma Nhai và thành Trà Lân. Trước mắt, huyện sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành để trình cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận bia Ma Nhai trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt; có kế hoạch lâu dài để phục dựng bia Ma Nhai và thành Trà Lân gắn với quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc… Qua đó, hình thành các điểm đến kết nối hoạt động du lịch với trải nghiệm các giá trị lịch sử.
Trong năm 2023, Con Cuông đã thu hút ít nhất trên 110 nghìn lượt khách du lịch, nguồn doanh thu vượt 26 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt cho ngành Du lịch của huyện. Tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực, Con Cuông đang cần phải khắc phục nhiều tồn tại.
Huyện sẽ thực hiện đánh giá lại tổng thể hạ tầng du lịch để có những giải pháp đầu tư hạ tầng, thiết chế; mở rộng các loại hình dịch vụ homestay, du lịch canh nông; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng cho đội ngũ làm du lịch; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư du lịch tại địa phương.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiến tới xây dựng Con Cuông phát triển theo hướng sinh thái là cơ sở hạ tầng. Do đó, huyện đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến. Theo đồng chí Lô Văn Thao – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông: Huyện sẽ xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển; đẩy mạnh phát triển đô thị; tập trung huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trọng điểm có tính kết nối và có sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục sử dụng có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện; lồng ghép hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-3,5% theo mục tiêu đã xác định.
Xây dựng huyện Con Cuông phát triển không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương mà đây thực sự là khát vọng, là mong ước của nhiều thế hệ người dân trên mảnh đất Trà Lân. Con đường còn nhiều khó khăn song với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt với sự quan tâm, tạo nguồn lực, động lực của Trung ương, của tỉnh, cùng với sự đồng lòng đoàn kết, nhất trí của cán bộ, nhân dân, huyện Con Cuông tin tưởng sẽ trở thành đô thị sinh thái và du lịch vào năm 2045./.
Thành Chung