Phía sau kết quả đó là tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, khơi dậy niềm tự hào truyền thống, khát vọng vươn lên, ý chí quyết tâm và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy bứt phá trên các lĩnh vực; đặc biệt có sự đóng góp rất quan trọng của các đại biểu và cơ quan dân cử.
Phát huy vai trò cơ quan, đại biểu dân cử
Một dấu ấn rất quan trọng của năm 2024 là tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, với 14 chính sách trên các lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên rừng; tổ chức bộ máy và biên chế.
Các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 137/2024/QH15 tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh; đồng thời bổ sung thêm nguồn lực cho tỉnh. Như vậy, đến nay, Nghệ An là địa phương duy nhất trong cả nước được Quốc hội ban hành 02 nghị quyết về thí điểm và thí điểm bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, bao gồm Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An vào năm 2021 và có hiệu lực từ tháng 01/2022 và Nghị quyết số 137/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; đều thực hiện trong thời gian 5 năm.
Có được kết quả trên, trong nỗ lực chung của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có tiếng nói trên nghị trường phân tích rõ bối cảnh, tình hình, sự cần thiết, cũng như đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung các cơ chế, chính sách; qua đó tạo được sự ủng hộ cao của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và đại biểu Quốc hội đối với việc ban hành Nghị quyết số 137/2024/QH15. Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có những góp ý để cơ quan soạn thảo và thẩm tra điều chỉnh chính sách theo hướng cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được sử dụng ngân sách cấp mình hỗ trợ tất cả các huyện, thành, thị của Nghệ An để tạo các điều kiện cho các địa phương Nghệ An có thể huy động các nguồn lực đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu thay vì chỉ bó hẹp trong phạm vi hỗ trợ huyện Nam Đàn và các huyện, thị miền Tây Nghệ An như dự thảo ban đầu.
Hay qua góp ý của đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An về chính sách trong quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước đã được tiếp thu, chỉnh sửa để giúp tường minh, quá trình tổ chức thực hiện thuận lợi hơn. Cụ thể, Quốc hội đã đồng ý cho phép xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.
Có thể nói trong năm 2024 với 6 kỳ họp Quốc hội diễn ra, trong đó có 4 kỳ họp bất thường, thông qua các hoạt động rất trách nhiệm, tâm huyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; cũng như có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, của đất nước và địa phương.
HĐND tỉnh cũng đã có một năm hoạt động sôi động, làm việc quyết liệt, hiệu quả với tinh thần đổi mới, linh hoạt và đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà như: rút ngắn kỳ họp thường lệ từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày, giảm số lượng các báo cáo trình bày tại kỳ họp… song vẫn đảm bảo hiệu quả và mục tiêu đề ra cao nhất. Trong năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 6 kỳ họp chuyên đề, đây là năm tổ chức nhiều kỳ họp nhất từ trước đến nay, từ đó thông qua 168 nghị quyết, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát được triển khai vừa đa dạng, có sự điều hòa, tránh chồng chéo, làm cơ sở, vừa đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề 2 nội dung; Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 2 phiên giải trình, 2 cuộc giám sát chuyên đề. Các Ban HĐND tỉnh tiến hành nhiều cuộc giám sát, khảo sát trên các lĩnh vực phụ trách. Sau các cuộc giám sát, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND đều tổ chức tổng hợp, phân tích, phối hợp cùng các cơ quan chức năng đánh giá, ban hành các nghị quyết, kết luận, thông báo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, các vị đại biểu, cơ quan dân cử rất quan tâm giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri thông qua đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri; kịp thời đôn đốc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri.
Bám sát thực tiễn, làm đúng quy định của pháp luật, lắng nghe cử tri, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng vào những kết quả của tỉnh đạt được trong năm 2024, trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của tỉnh dự kiến đạt 9,01%; quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, đạt khoảng 200.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 25.096 tỷ đồng. Đặc biệt, năm qua với những bứt phá ngoạn mục trong những tháng cuối, Nghệ An đã thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục từ trước đến nay, gần chạm mốc 1,7 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp hút vốn ngoại vượt mốc 1 tỷ USD. Liên tiếp dòng đầu tư, nhất là FDI chất lượng của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang vẽ lại bức tranh công nghiệp của tỉnh, đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt; nổi bật là công tác an sinh xã hội. Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 3.347 căn nhà được xây dựng, sửa chữa cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; nâng tổng số nhà từ khi phát động chương trình làm nhà cho hộ nghèo từ tháng 2/2023 đến nay lên con số 11.787 nhà; nghĩa là hơn 1 vạn hộ gia đình đã có mái ấm vững chãi để “an cư lạc nghiệp”.
Những con số trên là câu trả lời thuyết phục khẳng định Nghệ An đang đi đúng hướng, kiến tạo những nền tảng vững vàng để phát triển nhanh, mạnh, bền vững, hài hòa giữa 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; vun đắp thêm niềm tin và khơi dậy mạnh mẽ hơn khát vọng chinh phục những tầm cao mới đã vạch ra để đáp ứng niềm tin của Trung ương, cả nước dành cho quê Bác và cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh nhà.
Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị đạt trên 3 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật) với nhiều hoạt động ý nghĩa: Xây dựng 29 nhà ở cho hộ nghèo; làm “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi; giúp đỡ thường xuyên 05 học sinh nghèo…
Phản ứng nhanh, nhạy bén trước những yêu cầu, đòi hỏi phát triển
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; năm áp chót trong nhiệm kỳ 2021 -2026 của Quốc hội khóa XV, HĐND tỉnh khóa XVIII. Đặc biệt, năm nay là một gạch nối chuyển giao rất đặc biệt với nhiều nhiệm vụ quan trọng, sự kiện lớn định hình cho chu kỳ phát triển mới của tỉnh, của đất nước như: Tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dấu mốc nước ta chính thức bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử, để đáp ứng được yêu cầu đó, Quốc hội đang đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. “Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thấm nhuần quan điểm, tinh thần đó, tại tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thống nhất cao quyết tâm tiếp tục đà đổi mới đang thực hiện để có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Quốc hội.
Lan tỏa tinh thần của Trung ương về “tháo gỡ điểm nghẽn”, “tăng tốc, bứt phá về đích”, “tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỉnh nhà đang đặt quyết tâm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của nhiệm kỳ trong năm 2025. HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương - đóng vai trò rất quan trọng trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách cho sự phát triển của tỉnh; trong đó kịp thời cụ thể hóa để vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép Nghệ An thí điểm tại Nghị quyết số 137/2024/QH15 nhằm tạo thêm những xung lực phát triển mới cho tỉnh. “HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng đồng hành, phản ứng nhanh trước những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển tỉnh nhà”, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 25 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).
Thành công trong quá khứ không thể đảm bảo cho thắng lợi ở tương lai. Những gì tạo dựng được trong quá khứ chỉ là tiền đề cho hiện tại. Trong năm gần cuối nhiệm kỳ 2021 - 2026, tin rằng, với quyết tâm cao, trách nhiệm lớn mỗi cơ quan dân cử và đại biểu dân cử trên địa bàn tỉnh Nghệ An thông qua hoạt động của mình sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của quê hương, đất nước, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri./.