Sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, cử tri huyện Quỳ Hợp phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về hiện tượng rụng quả đối với cây cam, quýt diễn ra khá nhiều, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Cử tri kiến nghị có văn bản công bố tình trạng dịch bệnh trên cây ăn quả nói chung và cây cam, quýt nói riêng để người nông dân được hưởng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả do dịch bệnh theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh.
Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri tại Quỳ Hợp.
Tại Báo cáo số 561/BC-UBND ngày 06/10/2021, UBND tỉnh đã trả lời vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị.
- Về hiện tượng rụng quả đối với cây cam, cây quýt
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, toàn huyện hiện có trên 2.063 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích Cam 1.523 ha (1.173 ha cho sản phẩm và 410 ha đang thời kỳ kiến thiết cơ bản), quýt 540 ha (485 ha cho sản phẩm và 55 ha đang thời kỳ kiến thiết cơ bản). Hiện tượng rụng quả trên cây cam, cây quýt thời kỳ vào chín đến thu hoạch diễn ra khá phổ biến trên các vùng trồng cam của tỉnh nói chung và huyện Quỳ Hợp nói riêng. Mức độ rụng quả trên các vườn là khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm địa hình, điều kiện canh tác, tình hình sâu bệnh, chế độ chăm sóc và phòng trừ dịch hại. Những vườn cam, quýt thấp trũng, thoát nước kém sau mưa, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kém, tỷ lệ bệnh Greening, vàng lá thối rễ cao thường bị rụng nhiều so với các vườn chăm sóc tốt.
- Về đề xuất công bố tình trạng dịch bệnh trên cây ăn quả nói chung và cây cam, quýt nói riêng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Năm 2018, toàn huyện có 116 ha bị nhiễm bệnh Greening trong đó có 9,5 ha nhiễm nặng, 274 ha nhiễm bệnh vàng lá thối rễ (không có diện tích nhiễm nặng), không có báo cáo về phạm vi và mức độ của hiện tượng rụng quả. Năm 2019, toàn huyện có 37 ha bị nhiễm bệnh Greening (không có diện tích nhiễm nặng, không có báo cáo về phạm vi và mức độ của hiện tượng rụng quả). Năm 2020, tỷ lệ bị bệnh vàng lá thối rễ phổ biến 1 – 2% cây bị hại, tỷ lệ bệnh Greening nơi cao 3 – 5%. Không có diện tích nhiễm bệnh đến mức phải thống kê. Năm 2021, tính đến tháng 9 toàn huyện có 260,5 ha bị nhiễm bệnh Greening (không có diện tích nhiễm nặng), không có diện tích nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, chưa có báo cáo về phạm vi và mức độ của hiện tượng rụng quả. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn kỹ thuật quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại khắc phục hiện tượng cam quả kém chất lượng, bệnh rụng quả, vàng lá thối rễ trên cây cam thời kỳ kinh doanh; ban hành quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rễ và bệnh Tristeza hại cây có múi song nhìn chung nông dân vẫn chưa tuân thủ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ theo đúng theo khuyến cáo.
Điều 4 Nghị định 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch hại thực vật như sau:“1. Đối với sinh vật gây hại thực vật không thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật, không phải là sinh vật gây hại lạ thì phải đảm bảo hai điều kiện sau:
a) Sinh vật gây hại thực vật gia tăng đột biến cả về số lượng, diện tích, mức độ gây hại so với trung bình của 02 (hai) năm trước liền kề của thời điểm công bố dịch và dự báo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh trở lên; có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, môi trường, đời sống nhân dân, vượt quá khả năng kiểm soát của chủ thực vật;
b) Các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được chủ thực vật áp dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhưng chưa đạt hiệu quả, phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bắt buộc chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn có dịch thực hiện nghiêm chỉnh trong một thời gian nhất định để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch.”
Như vậy, tình trạng dịch hại trên cây cam tại huyện Quỳ Hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch hại để người nông dân được hưởng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả do dịch bệnh theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh./.
Thu Nguyễn
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
(Tổng hợp)