Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ và mô hình vỗ béo trâu, bò tại làng Bãi Sở, xã Tam Quang. Lãnh đạo xã Tam Quang cho biết, hiện trên địa bàn xã có 23 hộ gia đình trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 7,1 ha. Những gia đình này đã liên kết với nhau để thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bãi Sở.

bna_long_59905963_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại làng Bãi Sở, xã Tam Quang. Ảnh: Phạm Bằng

bna_thanh_long_16785298_2552022.jpgBình quân mỗi hộ trồng thanh long ruột đỏ thu về khoảng từ 90 -120 triệu đồng/năm. Ảnh: Phạm Bằng

Năng suất trồng thanh long mỗi năm ước đạt 142 tấn. Doanh thu bình quân ước đạt đạt 2,8 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi hộ thu về khoảng từ 90 -120 triệu đồng/năm từ trồng thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, toàn xã cũng có 120 hộ dân tham gia nuôi vỗ béo trâu bò, bình quân mỗi hộ nuôi 5 con. Mỗi năm, các gia đình xuất 2 lứa trâu bò, thu về từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm.

Hiện trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, như hộ ông Trần Văn Đô. Mỗi năm gia đình ông Đô thu nhập từ 240 triệu đồng nhờ nuôi vỗ béo trâu bò, đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp. Hay như gia đình ông Tống Văn Chiến, hiện có 0,6ha thanh long ruột đỏ xen lẫn dưa hấu. Cộng với việc chăn nuôi trâu mỗi năm 2 lứa, quy mô mỗi lứa 4 con và các nguồn thu nhập khác, gia đình ông Chiến thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.

bna_bo_26355349_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình vỗ béo trâu, bò tại làng Bãi Sở, xã Tam Quang. Ảnh: Phạm Bằng

bna_chien3058625_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh trao đổi với ông Tống Văn Chiến - điển hình sản xuất giỏi tại xã Tam Quang. Ảnh: Phạm Bằng

Hiện nay, thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ của các hộ dân ở xã Tam Quang chủ yếu là khu vực thành phố Vinh, TP. Hà Nội và trong huyện, trong xã. Đối với trâu, bò thì chủ yếu bán cho thương lái các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn...

Trong thời gian tới, xã Tam Quang định hướng sẽ mở chợ buôn bán trâu, bò tại làng Nhùng, kết hợp xây dựng lò giết mổ mini để từ đó đăng ký thương hiệu thịt trâu, bò sạch của Tương Dương.

Xã sẽ tận dụng diện tích đất trống để mở rộng diện tích trồng cỏ, từng bước nhân rộng mô hình nuôi bỗ béo trâu, bò ra các bản khác trong xã. Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện để tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu nhằm mở rộng diện tích, tăng sản lượng và chất lượng; từng bước áp dựng KHCN vào sản xuất.

bna_san_vat7202239_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm quan Khu du lịch sinh thái rừng săng lẻ. Ảnh: Phạm Bằng

bna_sang_le_13521713_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung xem gian hàng bán sản vật địa phương tại Khu du lịch sinh thái rừng săng lẻ. Ảnh: Phạm Bằng

Tham quan các mô hình, trò chuyện với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng khi các mô hình kinh tế tại đây đang thực sự phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời ghi nhận sự năng động, chịu khó của những hộ dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyệ̣n Tương Dương, xã Tam Quang quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người dân nắm bắt, tiếp cận và ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

bna_tdc17551144_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng dự án di dời khẩn cấp 46 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh. Ảnh: Phạm Bằng

bna_tsc31464875_2552022.jpgMặc dù đã đầu tư xây dựng từ 4 năm qua nhưng người dân vẫn chưa nhận đất để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phạm Bằng

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng dự án di dời khẩn cấp 46 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 5690/QĐ-UBND ngày 25/12/2018; phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 với tổng mức đầu tư là 14,8 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án đã được bố trí 7,468 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mặt bằng, hệ thống điện, hạ tầng... Tuy nhiên, đã hơn 4 năm trôi qua nhưng người dân chưa nhận mặt bằng để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Nguyên nhân là do nguồn vốn còn thiếu nên hạ tầng trong khu tái định cư chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Người dân còn chưa đồng tình vì cho rằng, diện tích bố trí cho mỗi hộ dân là ít, không đủ để dựng nhà và chăn nuôi.

bna_tdc26639298_2552022--n1.jpgNgười dân trực tiếp chia sẻ vất vả, khó khăn cũng như nguyện vọng của mình với Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

bna_tdc36755901_2552022.jpgChủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những vất vả, khó khăn của người dân trong thời gian qua và cho biết sẽ chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi lắng nghe những vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những vất vả, khó khăn của người dân gặp phải trong thời gian qua; đồng thời đề nghị huyện Tương Dương phối hợp chặt chẽ với các ngành để sớm tháo gỡ các khó khăn; xây dựng lại phương án giao đất hợp lý hơn để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chiều nay (25/5), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành sẽ làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thời gian qua; định hướng, gợi mở cho huyện những giải pháp, nhiệm vụ để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phạm Bằng