Tham dự toạ đàm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đại diện các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa. Về phía Nhật Bản có các ông: Nitta Hachiro - Thống đốc tỉnh Toyama; Mantana be Shige - Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp tỉnh Toyama.
bna-imgl5307-3557--n1.jpg

Toàn cảnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Toạ đàm với Phái đoàn kinh tế tỉnh Toyama (Nhật Bản). Ảnh: Quỳnh Trang

NHẬT BẢN ĐỨNG THỨ 3/141 TRONG CÁC NƯỚC VÀ VÙNG LÃNH THỔ ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đã được Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 11 tháng đầu năm đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất; hai nước có nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực để xứng tầm quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 vừa qua, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội thông qua phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án lớn như các dự án phát triển hạ tầng; chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; phát triển đô thị thông minh, tăng cường chuỗi cung ứng, đặc biệt triển khai mạnh mẽ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Sáng kiến Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Sáng kiến Chuyển đổi số và Sáng kiến Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ giữa hai nước.

bna-imgl5297-4954.jpg

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc Toạ đàm. Ảnh: Quỳnh Trang

Tính đến ngày 20/11/2022, cả nước có gần 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư khoảng 68,8 tỷ USD từ Nhật Bản, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Toyama đã đầu tư 29 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 134,6 triệu USD tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có 16 dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký khoảng 121,1 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, đến nay, Việt Nam đã có 101 dự án đầu tư sang Nhật Bản còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 18,9 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Cho rằng, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Toyama cũng chính là những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn chính quyền tỉnh Toyama tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, chế biến chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

tinh-toyama-nhin-tu-tren-cao-2243.jpg

Một góc tỉnh Toyama (Nhật Bản). Ảnh: Internet

Ông Nitta Hachiro - Thống đốc tỉnh Toyama, Nhật Bản cho biết, kể từ khi Biên bản ghi nhớ về giao lưu kinh tế giữa tỉnh Toyama và Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ký kết vào tháng 12/2016, tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương của Việt Nam tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, hoạt động giao lưu kinh tế trở nên sôi động.

Đồng thời bày tỏ ấn tượng với nền kinh tế ổn định của Việt Nam dù trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của đất nước vẫn ước đạt 8%. Ông Nitta Hachiro khẳng định, Việt Nam luôn là quốc gia ưu tiên mà doanh nghiệp tỉnh Toyama mong muốn đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.

CHÀO ĐÓN CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH TOYAMA ĐẾN KHẢO SÁT, TÌM KIẾM CƠ HỘI ĐẦU TƯ TẠI NGHỆ AN

Phát biểu tại Toạ đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, vị trí chiến lược, quy mô dân số, nguồn nhân lực, tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh Nghệ An.

Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh Nghệ An đứng thứ 12/63 tỉnh, thành; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 đạt hơn 9,08%. Tính đến ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,5 tỷ USD đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn thứ 7, với tổng vốn đầu tư đạt 140 triệu USD với 13 dự án đầu tư.

bna-1-9038.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Quỳnh Trang

Trong 3 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng chính quyền tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển. Kết quả là đã thu hút được 4 nhà đầu tư FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ như Goertek, Everwin, Ju Teng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An nằm trong top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh rằng, để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp tích cực, hỗ trợ quan trọng từ Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức và doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Trong nhiều năm vừa qua, Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Để sẵn sàng các điều kiện tiếp tục đón làn sóng đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về chuẩn bị mặt bằng, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là 1 trong 19 khu kinh tế ven biển của cả nước, có diện tích trên 20.770 ha, được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam. Trong đó có 3 Khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện như: KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 và tiếp tục phát triển thêm các KCN mới. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất với mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đón nhận làn sóng đầu tư mới (trên 2.000 ha).

33066267_1832022.jpg

Toàn cảnh Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Về chuẩn bị hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông chiến lược đang được đầu tư đồng bộ như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đang thúc đẩy, khẩn trương hoàn thành; cảng nước sâu Quốc tế Cửa Lò sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác cuối năm 2025; Cảng hàng không quốc tế Vinh đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp, thiết lập thêm một số tuyến bay trong nước và quốc tế thời gian tới. Hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội được thu hút đầu tư phát triển đa dạng và ngày càng hoàn thiện.

Mặt khác, hàng năm tỉnh Nghệ An bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người trong tổng số hơn 1,6 triệu lao động của toàn tỉnh, đặc biệt trong số đó có một lượng lớn lao động đã học tập và làm việc tại Nhật Bản trở về sẽ đáp ứng ngay các yêu cầu về ngôn ngữ, trình độ, kỹ năng nghề cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại, hạ tầng dịch vụ xã hội phát triển, tỉnh Nghệ An đã và đang quyết tâm đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tiếp tục thu hút, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sau khi được lắng nghe giới thiệu tỉnh Toyama, tin tưởng và đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Toyama và các doanh nghiệp của tỉnh Toyama. Tỉnh Nghệ An mong muốn được đón nhận các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nghệ An trên các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm và lĩnh vực văn hoá - du lịch.

bna-imgl5427-9969.jpg

Các đại biểu tham dự Toạ đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Quỳnh Trang

Chính quyền tỉnh Nghệ An xác định sự thành công của các nhà đầu tư là thước đo hoàn thành nghĩa vụ và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An cam kết xây dựng và tạo lập môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi và tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Thống đốc tỉnh Toyama đã ký kết lại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Toyama và quyết định thành lập Toyama Support Desk. Đây sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên cũng như hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giao lưu kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, làm sâu sắc và toàn diện hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, vì sự thịnh vượng chung của hai đất nước.

Toyama là tỉnh nằm gần với Thủ đô Tokyo, có vị trí địa lý khá đắc địa, có nền kinh tế phát triển vô cùng mạnh mẽ. Dân số của Toyama khoảng 1 triệu người, diện tích hơn 4.248km 2.
Tỉnh Toyama được coi là "thiên đường" của ngành cơ khí và thực phẩm. Tỉnh dẫn đầu trong công nghiệp ven biển Nhật Bản, hội tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về sản xuất máy công cụ, sản xuất linh kiện xe hơi (sản xuất linh kiện cho Toyota, Honda, Tanaka…) như Công ty Fujikoshi, Công ty Komatsu NTC, Công ty máy móc chính xác Tanaka.

Phạm Bằng