Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3
Sáng 6/9, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) tại các địa phương ven biển.
Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại khu vực cảng cá Lạch Quèn, phía xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu.
Sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, cảng cá Lạch Quèn đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh, trú bão an toàn cho 500 - 700 tàu thuyền của ngư dân địa phương.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu báo cáo, thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn.
Đến sáng 6/9, toàn huyện có 683/687 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Hiện có 4 phương tiện với 23 lao động đang còn trên biển khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh và đang vào bờ. Theo phương án của huyện, khi có gió bão mạnh cấp 7, 8 thì chính quyền địa phương cùng các tổ chức, đoàn thể sẽ vận động, yêu cầu các hộ dân tại 9 xã ven biển di dời dân về khu vực an toàn.
Kiểm tra tại hiện trường, nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu huyện Quỳnh Lưu bố trí việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn, chống va đập và phòng, chống cháy, nổ hiệu quả.
Kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, tàu thuyền, nhằm đảm bảo cao nhất tính mạng khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn. Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển. Trong trường hợp phải di dời người dân, chính quyền địa phương phải chủ động bố trí, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác đã đến kiểm tra tại cống Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Đây là công trình nằm trong hệ thống Thủy lợi Bắc của Nghệ An.
Sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, cống Diễn Thành có nhiệm vụ tiêu úng, giảm ngập cho 15.000 ha vùng trũng của 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu vào mùa mưa; ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa nắng hạn.
Tại khu vực này, lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương đang phối hợp để vận động các chủ phương tiện di dời tàu thuyền neo đậu, nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy trong trường hợp cống vận hành tiêu thoát nước hoặc ngăn triều dâng.
Tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh tinh thần nhất quán là phải chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; thực hiện theo phương án "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng".
Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển. Trong trường hợp phải di dời người dân, chính quyền địa phương phải chủ động bố trí, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã đến kiểm tra cống Nghi Quang và khu tránh, trú bão Nghi Quang tại huyện Nghi Lộc. Hiện có 310 phương tiện đánh bắt thủy sản, với 1.012 lao động của địa phương đã về nơi neo đậu để tránh bão.
Qua nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong việc kêu gọi, tổ chức tàu thuyền về nơi trú bão an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đến kiểm tra khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở tại xóm Rồng, xã Nghi Thiết. Tại khu vực này, đang có hàng chục ngôi nhà của người dân nằm dưới chân núi, khi xuất hiện mưa lớn, kéo dài có thể xảy ra sạt lở.
Để đảm bảo tối đa tính mạng, tài sản cho người dân, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu huyện Nghi Lộc, xã Nghi Thiết và các tổ chức, đoàn thể chủ động trực theo dõi sát diễn biến tình hình bão, mưa, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn khi có yếu tố nguy hiểm.
Trong trường hợp phải di dời, chính quyền địa phương phải chủ động bố trí, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Tại thị xã Cửa Lò, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Cảng Cửa Lò. Theo lãnh đạo thị xã Cửa Lò, đến nay, 218 tàu thuyền trên địa bàn đã về nơi neo đậu an toàn; người dân và lực lượng chức năng đã tổ chức chằng chéo tàu thuyền, tránh va đập, cuốn trôi khi nước biển dâng cao. Các hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cửa Lò cũng đã tạm dừng.
Thị xã Cửa Lò cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân khu vực ven biển chằng chống nhà cửa, nhà hàng. Mặt khác, thị xã cũng đã lên phương án di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu khi nước biển dâng cao.
Tại các địa phương đến kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Đối với các khu vực ven biển, lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương, bố trí việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn, chống va đập và phòng, chống cháy, nổ hiệu quả.
Đặc biệt, cả hệ thống chính trị và người dân không được chủ quan, lơ là; phải luôn trong trạng thái chủ động để ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão.
Kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, tàu thuyền, nhằm đảm bảo cao nhất tính mạng khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn. Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các đơn vị đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ; Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.