Chiều 8/9, Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với một số huyện, thành, thị để nghe ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự họp có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực; các Phó Chỉ huy trưởng: Lê Hồng Vinh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế; Phan Đại Nghĩa - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến 8 huyện, thành, thị: Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quế Phong, Nghi Lộc, Yên Thành.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh. |
8/21 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ)
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả nước đã ghi nhận 511.170 ca nhiễm cộng đồng tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, dịch bệnh dang diễn biến rất phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh với 245.708 ca, các ca nhiễm liên tục được ghi nhận và tăng nhanh như Bình Dương: 128.983 ca, Long An: 24.331 ca, Đồng Nai: 23.766 ca; Đồng Tháp: 6.835 ca; Tiền Giang: 10.438 ca, Tây Ninh: 5.693; Khánh Hòa: 6.957 ca;.... Trên cả nước có 22 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm. Trong đó có 3,34 triệu người được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 3,5% dân số).
Tại Nghệ An, tính đến 8h00 ngày 8/9/2021, ghi nhận 1.752 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Trong đó, TP Vinh: 624, Yên Thành: 198, Diễn Châu: 181, Quỳnh Lưu: 146, Cửa Lò: 80, Nam Đàn: 81, Nghi Lộc: 65, Kỳ Sơn: 62, Hưng Nguyên: 61, Quế Phong: 45, Đô Lương: 44, Tương Dương: 29, Tân Kỳ: 24, Nghĩa Đàn: 24, Hoàng Mai: 22, Con Cuông: 16, Thanh Chương: 16, Anh Sơn: 15, Quỳ Hợp: 14, Thái Hòa: 6, Quỳ Châu: 1.
Sở Y tế tiến hành phân loại các địa phương theo các nhóm: Nguy cơ rất cao (Vùng đỏ): Vinh; Nguy cơ cao (Vùng cam): Cửa Lò, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quế Phong; Nguy cơ vừa (Vùng vàng): Đô Lương, Yên Thành; Bình thường mới (Vùng xanh): Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; Nghĩa Đàn; Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Châu, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thái Hòa.
Tổng số công dân đang thực hiện cách ly 17.875 trường hợp. Trong đó, cách ly tại nhà: 15.138 trường hợp; cách ly tập trung: 2.737 trường hợp
Bệnh nhân đã điều trị khỏi, ra viện: 821 ca; Bệnh nhân đang điều trị 820 ca (44 bệnh nhân thở oxy; 15 bệnh nhân nặng, trong đó có 7 bệnh nhân nguy kịch). Số ca tử vong: 6 người.
Số đối tượng đã tiêm ít nhất 1 mũi: 136.012 người (khoảng 3,88% dân số), trong đó 68.148 người tiêm đủ 2 mũi (khoảng 1,94% dân số). Đã tổ chức tiêm đủ 2 mũi cho 447 công dân người Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh báo cáo tại cuộc họp. |
Nói về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh nêu: Các nguồn lực (đặc biệt là nguồn kinh phí) đảm bảo cho công tác phòng chống dịch còn khó khăn và hạn chế; vẫn còn tình trạng người dân trở về từ các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng đường bộ, không khai báo trung thực khiến việc kiểm soát người đi và trở về gặp rất nhiều khó khăn.
Một số địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng như: Quế Phong, Diễn Châu, Nam Đàn và thành phố Vinh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn rất cao. Việc quản lý công tác cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú ở một số địa phương còn hạn chế, đã có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch, đặc biệt là các huyện miền núi chưa hiệu quả. Nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, công tác xét nghiệm…. còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Giám đốc Sở y tế Dương Đình Chỉnh đề nghị: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại TP Vinh, TX Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu. Triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời chú ý đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Các địa phương căn cứ quy định các mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch COVID-19, chủ động nhận định để phân vùng nguy cơ để có giải pháp phù hợp; Các xã/phường khẩn trương thiết lập, kiện toàn các Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch, xây dựng các phương án phù hợp; Phát huy tối đa vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tự quản; tổ chức để toàn bộ người dân ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa điểm tập trung đông người, các khu dịch vụ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và chỉ được hoạt động sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định; tổ chức chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, an toàn; Tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện, vận động các trường hợp có biểu hiện ho, sốt,… chủ động khai báo y tế để được hỗ trợ, theo dõi sức khỏe kịp thời.
Tại cuộc họp, 8 địa phương trong nhóm nguy cơ cao và rất cao đều thống nhất với những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch mà lãnh đạo Sở Y tế nêu. Trong đó, TP Vinh hiện vẫn là điểm nóng của tỉnh về dịch bệnh. Sau lần test diện rộng thứ 4, trên địa bàn vẫn có nhiều ca F0 trong cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, thời gian tới tiếp tục triển khai xét nghiệm toàn dân lần 5 ở vùng có nguy cơ cao và rất cao, gồm: 8 xóm xã Hưng Chính, 2 khối phường Vinh Tân và 1 khối phường Lê Lợi, để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.
Đồng thời đề xuất đến ngày 12/9, nếu rà soát dứt điểm, bóc tách triệt để F0, chuyển trạng thái giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 nâng cao. Song song với việc chuyển trạng thái, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ người ra/vào TP Vinh; Tiếp tục tạm dừng một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu, quản lý chặt chẽ hoạt động tại các chợ. Dự kiến sẽ để 7-8/25 chợ trên địa bàn được phép hoạt động, trong đó chợ đầu mối vẫn phải tạm dừng hoạt động, bởi trong 2 lần bùng phát dịch của TP Vinh đều bắt nguồn từ chợ này; Phối hợp với các sở ngành liên quan khảo sát để chuyển chợ đầu mối ra phía ngoài khu vực tiếp giáp giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên; Tổ chức tự quản cơ sở. Lãnh đạo TP Vinh cũng kiến nghị tỉnh ưu tiên tăng số lượng vắc xin cho thành phố; tham mưu các vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Đối với huyện Quế Phong, địa phương mới bùng phát dịch khi xuất hiện 2 ổ dịch mới, do đặc thù huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ trang thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác xét nghiệm; sớm hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện xe cứu thương để thực hiện di chuyển bệnh nhân Covid-19; tăng cường chuyên gia y tế để tư vấn, hỗ trợ lực lượng lấy mẫu xét nghiệm của huyện nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn có diễn biến phức tạp; hỗ trợ xây dựng khu cách ly của huyện bởi đây là nhiệm vụ lâu dài. Đồng thời, đề xuất tỉnh đồng ý cho huyện nâng cấp độ phòng, chống dịch, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn huyện; riêng xã Mường Nọc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Tại cuộc họp, ãnh đạo các sở, ngành, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu các ý kiến xung quanh vấn đề cung ứng hàng hóa; phòng, chống dịch trong Khu công nghiệp, doanh nghiệp; quản lý di biến động dân cư; tổ chức hoạt động vận tải...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng trong thời gian giãn cách, các địa phương nguy cơ cao thực hiện nghiêm, quyết liệt, khoanh vùng tập trung bóc tách F0; vùng nào ổn định cần đánh giá khách quan, sát với thực tế, đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh để dần trở về trạng thái bình thường mới.
Liên quan đến chuẩn bị điều kiện mở rộng các hoạt động khi trở lại với trạng thái bình thường mới, các địa phương cần chỉ đạo cải tạo lại cổng chợ để đảm bảo đủ điều kiện kiểm soát người ra vào; phối hợp cùng các sở ngành liên quan thẩm định lại điều kiện hoạt động của chợ trước khi đồng ý cho mở. Đặc biệt, việc hình thành địa điểm mới chợ đầu mối Vinh là biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý di biến động dân cư, người từ vùng dịch về và các cơ sở cách ly; Củng cố tổ Covid-19 cộng đồng, nghiêm túc triển khai cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, các địa phương cần phải đón đầu ngăn chặn dịch, không chạy theo, nâng cao công tác chẩn đoán cộng đồng.
Giữ vững thành quả, mở rộng vùng xanh, từng bước đưa các địa phương trở lại trạng thái "bình thường mới"
Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, các địa phương và các thành viên Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung một lần nữa khẳng định hiệu quả trong công tác phòng dịch là khâu tổ chức thực hiện.
Trước những kết quả tỉnh đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền, nhất là các địa phương nguy cơ cao đã tranh thủ được thời gian giãn cách để tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết được các F1 liên quan. Các lực lượng tuyến đầu đã rất tích cực, chủ động, trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn. Người dân đồng tỉnh ủng hộ thông qua việc tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các biện pháp giãn cách trong phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 ở một số địa phương hiện vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân gặp khó khăn trong thời gian dài giãn cách. Nguồn lực hạn chế, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc chấp hành phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận cuộc họp. |
Để tiếp tục giữ được thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch, mở rộng vùng xanh, từng bước đưa các địa phương, nhất là các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị thời gian tới, các địa phương, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, đặc biệt là Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm: Mỗi phường, xã, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”. Đó là vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện giãn cách tuân thủ “Ai ở đâu ở yên đó”; đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân; đảm bảo người dân được tiếp cận y tế; đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo công tác tuyên truyền. Người dân cũng tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, chủ động lo cho bản thân và những người xung quanh. Các địa phương cũng cần chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ bị động sang chủ động, phòng dịch từ sớm, từ xa; rà soát lại các kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, điều kiện mới và phù hợp với thực tế của các địa phương. Đồng thời tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện phòng chống dịch để nâng cao ý thức, trách nhiệm.
Đối với các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 phải phối hợp chặt chẽ với Sở y tế để tranh thủ thời gian giãn cách tầm soát, bóc tách F0 đạt hiệu quả.
Ngành Y tế tiếp tục tổ chức rà soát để bổ sung các điểm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, đặc biệt chú ý bổ sung khu điều trị bệnh nhân nặng để dự phòng cho các phương án xấu hơn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ với khó khăn của một số địa phương phải sử dụng điểm trường, nhà văn hoá để cách ly, tuy nhiên các địa phương cũng cần chủ động rà soát địa điểm cách ly tập trung.
Về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, các địa phương tiếp tục phối hợp ngành Y tế triển khai tốt chiến dịch tiêm chủng. Khi tỉnh được phân bổ vắc xin sẽ tiến tới phân bổ cho các địa phương tổ chức tiêm chủng một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự, thành lập các điểm tiêm chủng cố định. Địa phương nào thực hiện không tốt công tác tiêm chủng, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh việc phân bổ vắc xin; đồng thời phân bổ vắc xin theo nguyên tắc ưu tiên các địa bàn nguy cơ cao, nhiều khu công nghiệp, chợ đầu mối...
Khi các địa phương chuyển trạng thái từ phòng, chống dịch sang “Bình thường mới” cần thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và tổ chức hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế. Từng bước tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đủ điều kiện trong đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch để quay lại hoạt động kinh doanh, tổ chức sản xuất.
Tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối, các trung tâm, siêu thị nơi tập trung đông người cần có biện pháp triển khai phù hợp, phương án cụ thể như lựa chọn số lượng tiểu thương được tham gia, thời gian, địa điểm tập kết hàng hóa, phân luồng ra vào chợ... Tại các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ nhưng linh hoạt, không cứng nhắc. Các địa phương có các biện pháp đảm bảo việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa, sản xuất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Trong thời gian tới, khi tỉnh đưa Cổng thông tin Covid-19 đi vào hoạt động sẽ giúp người dân tiếp cận, nắm bắt nhanh, nhiều hơn về thông tin dịch bệnh để chủ động, đồng hành cùng chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương cũng cần quan tâm đến công tác kiểm soát đảm bảo an ninh phòng, chống dịch; tiếp tục lập các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra/vào tỉnh, các chốt liên huyện, để nắm bắt sự di chuyển của các phương tiện từ các địa phương có dịch vào địa bàn, từ địa phương này sang địa phương khác; có hướng dẫn lưu thông cho các phương tiện khi đi qua địa bàn đảm bảo an toàn.
Ngành LĐTB&XH tiếp tục thực hiện tốt hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 và tiếp tục có sự hỗ trợ, giải quyết việc làm cho các đối tượng mất việc làm. Ban quản lý KKT Đông Nam hướng dẫn, quản lý, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các KCN, đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành GD&ĐT phối hợp tổ chức công tác giảng dạy, học tập phù hợp với điều kiện từng địa phương; xem xét tổ chức hoạt động học tập bình thường tại “vùng xanh”. Ngành Tài chính phối hợp với các địa phương rà soát lại nguồn lực đảm bảo thực hiện “4 tại chỗ”, trong đó có chủ động về nguồn kinh phí, rà soát các khoản tiết kiệm chi, sử dụng đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.
Đối với các kiến nghị của các địa phương, 6 địa phương gồm: TP Vinh, huyện Nghi Lộc, TX Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, huyện Diễn Châu, huyện Nam Đàn, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Tỉnh sẽ có sự xem xét điều chỉnh việc thực hiện Chỉ thị 16 ở thời điểm thích hợp khi tình hình dịch có sự chuyển biến tích cực.
Thống nhất với huyện Yên Thành, huyện Quế Phong chuyển sang Chỉ thị 15 từ 0h ngày 9/9; một số xã có nguy cơ cao như Tri Lễ, Mường Nọc của huyện Quế Phong vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 để hạn chế việc lây lan dịch trên địa bàn.
Về bổ sung vắc xin, trang thiết bị vật tư, căn cứ vào số lượng tỉnh được phân bổ sẽ xem xét phân bổ cho các địa phương theo đối tượng ưu tiên. Trong đó, giao các ngành xem xét hỗ trợ cho huyện Quế Phong về phân bổ vắc xin và tăng cường lực lượng y tế.
Thuỳ Dương
(Nguồn: NTV)