bemac-A3-1719661662304-1719740151875.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

5 Nghị quyết gồm: Nghị quyết số 131/2024/QH15 ngày 21.6.2024 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; Nghị quyết số 132/2024/QH15 ngày 24.6.2024 về bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26.6.2024 của Quốc hội bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 138/2024/QH15 ngày 28.6.2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29.6.2024 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Tại Nghị quyết số 131/2024/QH15, Quốc hội quyết nghị thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hànhvà phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực, các Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh làm Phó Trưởng đoàn.

Chuyên đề giám sát nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung giám sát gồm: việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Nghị quyết số 132/2024/QH15, Quốc hội quyết nghị: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.713.787 tỷ đồng (hai triệu, bảy trăm mười ba nghìn, bảy trăm tám mươi bảy tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2021, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.897.466 tỷ đồng (hai triệu, tám trăm chín mươi bảy nghìn, bốn trăm sáu mươi sáu tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023. Bội chi ngân sách nhà nước là 293.313 tỷ đồng (hai trăm chín mươi ba nghìn, ba trăm mười ba tỷ đồng), bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 488.406 tỷ đồng (bốn trăm tám mươi tám nghìn, bốn trăm linh sáu tỷ đồng).

Tại Nghị quyết số 137/2024/QH15, Quốc hội quyết nghị bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Đồng thời, giao Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành kịp thời văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 03 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2027; tổng kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2029; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với tỉnh Nghệ An cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Tỉnh; ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển tỉnh Nghệ An.

Tại Nghị quyết số 138/2024/QH15, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng; tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Tại Nghị quyết số 142/2024/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh; đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9.2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025.