Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị chỉ huy tối cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Người đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước nhằm giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Việt Bắc, tháng 12-1953. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” [2]. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa quân và dân ta với thực dân Pháp. Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị. Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” [3]. Trong giai đoạn này, mặc dù bận rất nhiều công việc, song lúc nào Bác cũng theo dõi sát sao tình hình chiến sự trên chiến trường. Người dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu đến lúc kết thúc chiến dịch.

Diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh nhiều nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Quân và dân ta đã tiêu diệt cứ điểm quân sự kiên cố nhất của Pháp, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống nô dịch thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Theo dõi sát sao tình hình chiến dịch, hiểu được những khó khăn của quân và dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên gửi thư, điện tới những người anh hùng đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Ngày 14-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất” [4].

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Ngày 15-3-1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới cán bộ và chiến sĩ trên mặt trận. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ, nêu ý nghĩa lịch sử của chiến dịch về cả chính trị và quân sự, đồng thời nhắc nhở quân và dân ta: “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này” [5].

Thư, điện của Bác giống như 1 tiếng kèn xung trận, góp phần tạo nên khí thế phấn khởi ngập tràn khắp các chiến hào, trận địa. Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm cờ thưởng luân lưu, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công.

Trước tình cảm của Bác cùng với quyết tâm giành chiến thắng trước thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước, các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đã khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc: Tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm De Castries vào 5 giờ 30 phút ngày 7-5-1954.

Tin vui nhanh chóng lan khắp cả nước, ngày 8-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang” [6].

Vài ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên. Trong thư, Bác gửi lời chào thân ái tới các đồng chí thương binh toàn thể cán bộ và chiến sĩ toàn quốc đã quyết tâm giành được thắng lợi. Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng những phần thưởng biểu dương cho các chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Huân chương chiến sĩ (sau này được đổi tên thành Huân chương chiến công), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huân chương Sao đỏ.

Âm vang chiến thắng Điện Biên

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở đường cho việc ký kết Hiệp định iơ-ne-vơ 1954, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trước hôm Hội nghị Giơnevơ khai mạc đã có ảnh hưởng lớn đến các công việc của Hội nghị và góp phần vào việc ký kết các Hiệp định Giơnevơ đảm bảo lập lại hoà bình ở Đông Dương trên cơ sở thừa nhận các quyền dân tộc của Nhân dân Việt Nam, Miên và Lào. Đồng thời, những âm mưu chính trị của bọn thực dân và đế quốc như "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", trò hề "độc lập" và "dân chủ" nhằm đánh lạc hướng Nhân dân chúng tôi, trò hề "cải cách điền địa" theo kiểu đế quốc..., đều bị phá sản” [7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 5-1954. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ góp phần quan trọng vào việc kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của Nhân dân ta, làm cho miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng mà còn làm cho tiếng tăm của dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu. Trong bài “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa Hè năm 1954…  Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” [8]. Đặc biệt, “Nó đã khuyến khích các Nhân dân bị áp bức ở Á - Phi nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân, giành giải phóng dân tộc” [9].

Bảy mươi năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang mới, nhưng bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học về tiến hành một cuộc chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh, về đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài học đó không những có giá trị trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn được bạn bè thế giới đánh giá cao, coi đó là hình mẫu để học tập, làm theo. Năm 1984, lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Cu-ba, Phi-đen Cat-xtơ-rô đã từng ngợi ca chiến công vĩ đại của Nhân dân Việt Nam: “Việt Nam đã có những đóng góp phi thường cho loài người. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam là bài học lớn nhất đối với tất cả các chiến sĩ, tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Việt Nam là bài học thực tiễn và một bài học lý luận lớn” [10]. Giáo sư Mighen Đêtêphanô của Cu Ba đã đánh giá: “Sau chín năm chiến tranh, sức mạnh quân sự của thực dân Pháp đã bị đập tan tại Điện Biên Phủ. Tháng 7 năm đó (1954) với việc ký kết Hiệp định Genève, các dân tộc Đông Dương đã giành được độc lập. Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của thắng lợi đó… Và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất” [11].

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam hội nhập, phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.


 

Chú giải:

[1]. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H.1970, tr.50.

[2]. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 5, tr.323

[3]. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 5, tr.335

[4, 5, 6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.433, 434, 466.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, tập 10, tr.110

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, tập 12, tr.410

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, tập 11, tr 398

[10]. Hội nghị khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức tại La Ha-ba-na (Cu-ba), năm 1984.

[11]. Hội thảo khoa học Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.53.