Chậm trễ từ các địa phương trong xử lý nhà, đất dôi dư sau sáp nhập ở Nghệ An?
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 21, HĐND tỉnh liên quan đến nhóm vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Ngoài phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến sắp xếp cơ sở vật chất dôi dư và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến sắp xếp trường lớp học ở các đơn vị sáp nhập.
Trả lời chất vấn nội dung chủ tọa kỳ họp đặt ra và của các đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Duy Cần (thành phố Vinh), Hồ Sỹ Nguyệt (huyện Quỳnh Lưu) liên quan đến kết quả sắp xếp cơ sở vật chất ở giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021 và sắp xếp cơ sở vật chất để vừa tránh lãng phí, vừa phát huy công năng sử dụng ở giai đoạn 2023 - 2025, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải thông tin: Giai đoạn 2019 – 2021 sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm có tổng 4.408 cơ sở vật chất phải sắp xếp, xử lý; trong đó có 227 cơ sở cấp xã và 3.996 nhà văn hóa và 185 đơn vị sự nghiệp cấp huyện.
Đến thời điểm ngày 4/7/2024, đã có 4.269/4.408 cơ sở nhà đất đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý, đạt 96,84%. Số cơ sở nhà đất còn lại chưa được phê duyệt phương án xử lý là 139 cơ sở (chiếm 3,15%), tại một số huyện: Tương Dương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu…
Nguyên nhân chậm do có một số địa phương chưa thật sự tích cực phối hợp, quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện hồ sơ và lập phương án sắp xếp sau sáp nhập. Mặc dù, UBND tỉnh nhiều lần nhắc nhở, ban hành 10 văn bản hướng dẫn và Sở Tài chính đã ban hành 20 văn bản hướng dẫn, đôn đốc.
Mặt khác, hồ sơ đất đai chưa phù hợp mục đích sử dụng, như trong hồ sơ quản lý của địa chính xã, bản đồ địa chính hiện nay vẫn thể hiện ký hiệu là đất nông nghiệp, theo đó để phê duyệt phương án sắp xếp thì các đơn vị phải lập hồ sơ thực hiện đăng ký đất đai trình Sở Tài nguyên và Môi trường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nội dung này cần nhiều thời gian để tổng hợp hồ sơ, cũng như thực hiện các bước theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Một số cơ sở nhà, đất không có hàng rào cứng bao quanh, không có ranh giới khu đất nên không có cơ sở rõ ràng để xác định diện tích đất để phê duyệt phương án sắp xếp, thì các đơn vị phải thực hiện trích đo lại diện tích nhà, đất nên mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ nhà, đất để lập phương án sắp xếp.
Các cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng theo mục đích cũ cần áp dụng các hình thức sắp xếp khác là bán đấu giá, điều chuyển, nhưng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Nguyên nhân là do các địa phương chưa chủ động cập nhật, điều chỉnh kịp thời các cơ sở nhà, đất này vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới theo mục đích sử dụng mới, nên không phê duyệt được phương án sắp xếp theo đề xuất của các địa phương…
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về bất cập đối với phương án sử dụng tài sản sau sáp nhập không còn phù hợp với quy mô so với hiện trạng trước đây, nhất là nhà văn hóa các xã, nhà văn hoá các xóm, thôn, bản, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 9/12/2021, sau sáp nhập cho phép bán đấu giá một cơ sở để tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất còn lại, đáp ứng yêu cầu sử dụng cơ sở còn lại. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, các địa phương cần lập phương án, Sở Tài chính sẽ nghiên cứu, cân nhắc, xem xét để hỗ trợ nguồn triển khai nếu thật sự cần thiết.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về xử lý nợ công giữa các xã thực hiện sáp nhập, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: Từ năm 2014 với việc siết chặt thực hiện các quy định, tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản không còn; đối với các xã sáp nhập, nguyên tắc trước khi sáp nhập phải xử lý dứt điểm các khoản nguồn đầu tư xây dựng cơ bản.
Không máy móc trong sắp xếp trường lớp
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (huyện Thanh Chương) liên quan đến phương án sắp xếp trường lớp gắn với quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc sắp xếp trường lớp sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện không máy móc, mà tuỳ vào quy mô số lớp và điều kiện đi lại thuận tiện của học sinh để sắp xếp. Có thể sắp xếp 2 bậc tiểu học và trung học cơ sở thành 1 trường và có thể sắp xếp cùng một bậc học thành 1 trường; những trường trung học cơ sở có quy mô 12 lớp học trở lên thì vẫn để cả 2 trường học cùng cấp trong 1 đơn vị hành chính.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Lâu nay, chúng ta cứ quen việc mỗi địa phương, mỗi bậc học chỉ có 1 trường học, tuy nhiên việc một địa phương có nhiều trường học trong 1 bậc học là câu chuyện bình thường. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện sau sắp xếp đảm bảo phù hợp, đáp ứng quyền lợi cho học sinh.