Nhân chuyến thăm và làm việc với một trường Đại học Vương quốc Bỉ đã cố gắng thuyết phục họ cho tìm hiểu thế nào là hệ sinh thái khởi nghiệp, và vì sao đại học luôn được xem là vườn ươm khởi nghiệp. Và câu chuyện ghi nhạn được như thế này xin chia sẻ mọi người.
Người phụ trách khởi nghiệp của trường kể: có một doanh nghiệp đến trình bày ý tưởng tạo ra một sản phẩm từ trà kết hợp với vỏ cây thông đặc biệt ở vùng quê của bạn ấy. Vậy là 2 bên phối hợp nghiên cứu và kết quả là làm ra được sản phẩm trà thông thơm ngon, có chứa nhiều dược tính và thiết kế bao bì đẹp. Sau đó, họ nhờ chuyên gia đem sản phẩm đi tiếp thị để nhận phản hồi từ người dùng thử sản phẩm.
Sau một thời gian tiếp thị, các chuyên gia báo cáo kết quả phản hồi của người tiêu dùng, cả về chất lượng, hình thức bao bì và sự tiện dụng. Bản báo cáo bằng đồ hoạ phân chia ý kiến những người dùng thử theo từng nhóm đối tượng: lứa tuổi, giới tính, vị trí xã hội, tình hình thu nhập, địa bàn sinh sống,… . Căn cứ những ý kiến phản hồi, họ cùng nhau cải tiến sản phẩm từ chất lượng, hình thức bao bì cho đến sự tiện dụng cho người tiêu dùng. Qua vài lần thăm dò và cải tiến, họ có một sản phẩm hoàn hảo hơn.
Thường con người hay rơi vào cái bẫy, luôn nghĩ sản phẩm mình làm ra đều ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất. Chúng ta quên rằng, đôi khi người tiêu dùng không nghĩ như vậy hoặc đánh giá ngược lại. Như vậy, sản xuất thử, nhờ dùng thử, thậm chí thuê người chuyên nghiệp hỗ trợ khảo sát phản hồi từ người tiêu dùng là rất cần thiết. Ngay trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng là không gian dùng thử sản phẩm của nhau và góp ý cho nhau một cách chân thành và chân tình.
Gợi ý: Các bạn khởi nghiệp nên tìm đọc 2 quyển sách có thể giúp ích cho mình: Tâm lý hành vi khách hàng, Chu du vào tâm trí khách hàng.
Lê Minh Hoan