Bồi thường ở mức cao không thể thay thế được an cư của người dân

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chung quanh dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, sau 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần giảm những tranh chấp liên quan đất đai, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

ndo_br_dsc01718-9951.jpg

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, cho đến hiện tại, đất đai vẫn là vấn đề “nóng”, được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và kể cả khi khi xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Luật Đất đai cũng đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có 3 nội dung lớn được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý hoàn thiện dự án luật, bao gồm công tác thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư và bồi thường.

ndo_br_dsc01728-2264.jpg

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cũng chia sẻ quan điểm về phương pháp xác định giá đất thống nhất, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng trong luật không thể đưa được vấn đề xác định giá đất cụ thể, bởi giá đất luôn biến động.

Do đó, đại biểu cho rằng chỉ nên đưa ra 1 quy định chung tính giá đất theo cơ chế thị trường là hợp lý.

Đại biểu nêu thực tế bản thân đã từng chứng kiến 2 miếng đất chung 1 con mương nhưng lại chênh lệch lớn về giá: “Tôi đã từng chứng kiến 1 miếng đất ở Sóc Sơn (Hà Nội), 1 miếng đất ở Vĩnh Phúc cùng chung 1 con mương nhưng bên này theo giá đất Hà Nội, bên kia lại theo giá đất của tỉnh. Một bên 40 triệu đồng, một bên chỉ khoảng 4 triệu đồng thì xử lý thế nào? Không thể đưa vào luật được”.

Do đó, đại biểu cho rằng phải đưa vào luật nguyên tắc xác định giá đất theo cơ chế thị trường và tính toán, xác định chuyên môn để hợp lý nhất, tránh tình trạng hiện nay xác định nhiều khi không sát, người dân thì thiệt thòi mà chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà thương mại lại được hưởng quá lớn, dẫn đến bất hợp lý.

Phải đưa vào luật nguyên tắc xác định giá đất theo cơ chế thị trường và tính toán, xác định chuyên môn để hợp lý nhất.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội)

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, đặc biệt là Nghị quyết 18 đã nêu những vấn đề bức xúc, cần phải tập trung giải quyết liên quan giá đất, cấp đất, quản lý đất, quy hoạch về đất đai…

Nêu thực trạng khâu quản lý sử dụng đất hiện nay còn nhiều lỗ hổng, khi có hiện tượng các nông trường đang từ đất rừng, đất phòng hộ chuyển sang đất ở, đất sản xuất, đại biểu Hà Nội cho rằng các cấp ủy, chính quyền các cấp, từ tổ, thôn, xóm đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cả Chính phủ phải vào cuộc để xác định trách nhiệm trong công tác quản lý.

“Nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ bất cứ 1 khâu nào đấy thì chắc chắn sẽ dẫn tới sai phạm. Theo tôi trong luật này phải làm rõ thêm trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vấn đề quản lý sử dụng đất”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu kiến nghị.