- Cử tri Đinh Văn Bình, trú tại xóm 6, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương kiến nghị UBND tỉnh quan tâm thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư trên địa bàn cụm Bích Hào để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động trẻ trên địa bàn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đề nghị UBND huyện Thanh Chương căn cứ Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt; định hướng thu hút đầu tư của địa phương, định hướng phát triển kinh tế xã hội, khả năng đáp ứng quỹ đất của địa phương và các loại quy hoạch có liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng), các điều kiện khác liên quan để tổng hợp dự án vào Danh mục thu hút đầu tư gửi Trung tâm xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư dự án trên địa bàn huyện.
- Cử tri Nguyễn Khắc Diên, trú tại xóm 5, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Thanh Lâm để xã sớm về đích nông thôn mới năm 2024. Hiện tại, trụ sở làm việc của xã đã cũ, nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng, khó đạt tiêu chí nông thôn mới (cử tri Nguyễn Khắc Diên, trú tại xóm 5, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương);
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Trong đó không có chính sách xây dựng trụ sở UBND xã; mặt khác theo quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/12/2022 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc Phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định không đầu tư vốn Đầu tư phát triển Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để xây dựng trụ sở xã.
- Cử tri Nguyễn Cảnh Nam, trú tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương phản ánh theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó quy định địa phương nơi có địa điểm mà các hộ dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên Quyết định nêu trên không quy định rõ về việc hộ nuôi trồng thủy sản phải có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ ban đầu theo yêu cầu cho địa phương. Điều này rất khó khăn trong việc kiểm soát, có thể hộ gia đình làm hồ sơ hỗ trợ ở cả 2 địa phương. Kiến nghị quy định cụ thể để chính quyền và người dân thực hiện.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tại khoản 2, điều 4, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 quy định về điều kiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh: Các đối tượng sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
Trong đó, điều kiện (2): Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
Do đó, đề nghị UBND xã Thanh An, huyện Thanh Chương phổ biến quy định về điều kiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 để người dân nắm rõ và thực hiện.