Nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Thanh Chương là huyện có diện tích tự nhiên lớn, số xã xây dựng nông thôn mới nhiều (37 xã) và địa giới hành chính ở mỗi xã lớn, dân cư bố trí thưa, kéo theo hệ thống giao thông phải đầu tư xây dựng nhiều. Điển hình như các xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ, Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai…, chỉ tính các tuyến nội bộ xã, liên xóm, liên gia là 50 – 70 km; cá biệt như xã Thanh Xuân có hơn 140 km. Đây là tiêu chí áp lực nhất đối với các địa phương do cần nhiều nguồn lực, phải vận động Nhân dân hiến đất, hiến cây, tài sản và đóng góp nguồn lực khá lớn để đầu tư. Trong khi điều kiện kinh tế của đại đa số người dân đang ở mức trung bình. Thời điểm cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 43,7 triệu đồng/năm.

f74bcbaa982d5a73033c.jpg
Tinh thần tự lực, tự cường, hiến đất, hiến tài sản xây dựng nông thôn mới của người dân xã Thanh Thuỷ

Cùng với tiêu chí giao thông, thì cơ sở vật chất văn hoá, nhất là nhà văn hoá xóm được đầu tư từ lâu đã xuống cấp, quy mô không đáp ứng, nhất là sau khi sáp nhập xóm, kể cả đáp ứng các thiết chế thể thao, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt của người dân đòi hỏi phải đầu tư lại hoặc bổ sung, nâng cấp. Đó còn là áp lực về rác thải sinh hoạt, áp lực về thói quen, nề nếp sống của người dân chậm thay đổi về ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn thật sự chuẩn “nông thôn mới” và trở thành miền quê đáng sống.

Mặc dù là huyện có diện tích lớn và sản xuất nông nghiệp là “mũi” trọng tâm, tuy nhiên do hệ thống sông, hồ, đập, đồi núi làm chia cắt địa hình đất đai tạo thành nhiều vùng ruộng sâu trũng trong các hốc (người địa phương gọi là những “hóc chọ”), gây khó khăn trong việc tạo ra vùng sản xuất quy mô tập trung lớn, ảnh hưởng việc thực hiện tiêu chí xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững…

516fbd6be7ec25b27cfd.jpg
Dù có tổng số ki lô mét đường giao thông cần xây dựng lớn, song xã Thanh Xuân đang phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để hoàn thiện tiêu chí này

Bên cạnh những yếu tố khách quan, về phía chủ quan, cấp uỷ, chính quyền và người dân một số địa phương còn tư tưởng ngại khó nên chưa có cách lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm; chưa huy động được sức mạnh nội sinh, tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2021, huyện Thanh Chương có 21/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Quyết tâm mới, cách làm mới

Soi vào nội tại của huyện thì kết quả xây dựng nông thôn mới thời gian qua của Thanh Chương là sự nỗ lực, cố gắng; song so với các địa phương trong tỉnh thì tốc độ đang còn chậm. Với tinh thần thẳng thắn, nhận diện những khó khăn, tồn tại hạn chế trong xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn trước, bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp uỷ, chính quyền huyện Thanh Chương đặt ra quyết tâm đổi mới tư duy, cách thức, phương pháp chỉ đạo; chú trọng việc “truyền cảm hứng”, ý chí tiến công của lãnh đạo cấp huyện đến lãnh đạo cấp cơ sở nhằm khắc phục tư tưởng ngại khó, sớm thoả mãn để xây dựng nông thôn mới.

8239a921efa62df874b7.jpg
Gắn với xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, xã Thanh Xuân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm cải thiện thu nhập cho người dân

Trên cơ sở đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ vào năm 2025 có 35/37 xã đạt chuẩn nông thôn (trừ 2 xã tái định cư Thanh Sơn, Ngọc Lâm sẽ tập trung vào nhiệm kỳ tiếp theo để hoàn thành huyện nông thôn mới), huyện Thanh Chương cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng năm. Trong năm 2022 tập trung chỉ đạo đưa 3 xã Thanh Ngọc, Thanh Chi, Thanh Hương về đích nông thôn mới; 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao: Thanh Liên, Thanh Tiên và Thanh Phong; xây dựng xã Thanh Lĩnh đạt nông thôn mới kiểu mẫu Thanh Lĩnh.

Ngoài huy động cả hệ thống chính trị cấp huyện ưu tiên chỉ đạo cũng như nguồn lực cho các địa phương đăng ký về đích trong năm, huyện Thanh Chương cũng chỉ đạo các xã chưa về đích và xã đã về đích nông thôn mới, nhưng không được huyện chỉ đạo về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm 2022 thì chủ động lựa chọn, đăng ký và chỉ đạo tăng ít nhất 02 tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm. Riêng 02 xã tái định cư: Thanh Sơn và Ngọc Lâm, mỗi xã tăng ít nhất 01 tiêu chí. Huyện cũng giao mỗi xã chỉ đạo ít nhất có 01 xóm về đích nông thôn mới, làm cơ sở tuyên truyền, lan toả các xóm khác, mặt khác nhằm dàn trải công việc, sức đóng góp của người dân trong điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Quá trình chỉ đạo được gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã; bí thư chi bộ, xóm trưởng ở các xóm.

5544b385c202005c5913.jpg
Từ bỏ hoang, hiện nay, trên đồng đất xã Thanh Xuân, lúa hè thu đang phát triển tốt

Với cách chỉ đạo đó, mặc dù nguồn xi măng hỗ trợ từ tỉnh trong năm 2021 đến đầu năm 2022 mới có, nhưng các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân, kết hợp kêu gọi con em xa quê đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Một số xã không “nằm” trong kế hoạch về đích trong năm, đồng nghĩa không có nguồn hỗ trợ xi măng từ tỉnh, nhưng cũng đã huy động nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã biên giới Thanh Thuỷ đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và có 02 thôn đã đạt chuẩn, 01 xóm sắp đạt chuẩn nông thôn mới. Hay xã Thanh Xuân có 02 xóm đạt nông thôn mới và đang chỉ đạo tiếp 03 xóm hoàn thành trong năm nay.

Kết quả tổng thể toàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng nguồn vốn huy động và lồng ghép để thực hiện đạt khoảng hơn 114 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp chiếm khoảng 35,9%. Ngoài 21 xã đã về đích nông thôn mới tính đến thời điểm năm 2021, thì 6 tháng đầu năm, số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 16,97%, tăng 0,11 tiêu chí so với năm 2021. Có 5 xã tăng thêm tiêu chí so với năm 2021, gồm Thanh Tùng tăng 02 tiêu chí; Thanh Khê tăng 1 tiêu chí; Thanh Hà tăng 01 tiêu chí; Thanh Mai tăng 01 tiêu chí, Thanh Xuân tăng 01 tiêu chí. Đối với 03 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Thanh Hương, Thanh Chi, Thanh Ngọc) và 03 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Phong) đang tập trung để hoàn thiện từng tiêu chí theo lộ trình, phấn đấu để được thẩm định công nhận vào cuối năm nay.

Việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu ở Thanh Chương đã, đang góp phần hoàn thiện từng bước cơ sở hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn xanh - sạch - đẹp hơn. Đặc biệt đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng cao; tăng cường khối đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành của cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với hệ thống chính trị. Đây là cơ sở, động lực quan trọng để mỗi địa phương phát triển trong chặng đường tiếp theo.

Minh Hà