Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ngày 29/3 ký công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố liên quan công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Cùng đó, tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.

"Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa/đơn vị hồi sức tích cực, hoặc đơn vị/giường hồi sức tích cực trong khoa bệnh truyền nhiễm… và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo", Bộ Y tế yêu cầu.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu hạn chế số lượng người thăm bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám chữa bệnh và dự phòng.

Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm đến ngày 20/3 đã có hơn 42.400 ca nghi sởi tại tất cả địa phương, trong đó hơn 4.000 ca xét nghiệm dương tính với sởi. Ít nhất 6 ca tử vong do sởi trong 3 tháng qua.

Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh, thành (trước đó, trẻ cần đủ 9 tháng tuổi mới được tiêm). Bộ Y tế yêu cầu các địa phương gấp rút hoàn thành tiêm chủng trước ngày 31/3.

info-benh-soi-86073.jpg?width=0&s=Uvd2OFYM6iC-C-D_448rGQ
Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc sởi tại nhà. Nguồn: Bộ Y tế

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…

Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều.

Các triệu chứng đặc trưng gồm sốt, viêm họng, viêm kết mạc và phát ban, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí gây tử vong.