Trả lời nội dung này, Bộ cho biết một trong những quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015 là thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương: “Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Quán triệt quan điểm trên, BLHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với nhóm tội phạm về chức vụ theo hướng tăng cường hiệu quả xử lý đối với nhóm tội phạm này cụ thể như:

- Bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật.

- Sửa đổi, bổ sung cấu thành tội phạm; sửa đổi, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh như tội nhận hối lộ (Điều 354); tội tham ô tài sản (Điều 353) theo hướng đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

- Về hình phạt áp dụng đối với tội phạm về chức vụ, BLHS năm 2015 sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt bổ sung, theo đó, Bộ luật quy định (i)
tăng mức phạt tiền đối với một số tội như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356)...; (ii) bổ sung hình phạt bổ sung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản áp dụng đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355).

kiem-tra-kho-hang.jpg
Ảnh minh họa. (nguồn internet)

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này theo hướng: (i) cụ thể hóa cấu thành tội phạm và một số tình tiết định khung tăng nặng để đảm bảo tính minh bạch của điều luật và bao quát đối với hành vi phạm tội; (ii) quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả; hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; (iii) sửa đổi, bổ sung hình phạt bổ sung áp dụng đối với nhóm hành vi sản xuất, buôn hàng giả theo hướng tăng nặng như tăng mức tối thiểu của hình phạt bổ sung là hình phạt tiền quy định tại Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tăng mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm .... Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, Bộ luật quy định hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người phạm tội là hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh, xử lý đối với nhóm tội phạm về chức vụ và tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của BLHS đối với các hành vi phạm tội này./.

Thu Nguyễn