Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV này, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục khẳng định mạnh mẽ những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua, làm tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn đi liền với việc đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức, những tiềm năng, lợi thế của địa phương, đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 -2030.

bna_img_3831.jpg
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham quan triển lãm ảnh các thành tự trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024. Ảnh: Thành Duy

Với tinh thần đó, tôi xin trân trọng đề nghị với Đại hội một số nội dung cụ thể, đó là:

Thứ nhất: Trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; và các chỉ thị, nghị quyết khác của Trung ương; các đề án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Thứ hai: Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba: Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với tiền đề tốt về kết quả giáo dục đào tạo trong tỉnh trong những năm qua cần chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ và cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc nhóm các dân tộc rất ít người, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn; thường xuyên tổ chức, có các hình thức phù hợp nhằm tôn vinh, biểu dương, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; khơi dậy niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, doanh nhân người dân tộc thiểu số trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ tư: Kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, địa bàn biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Chủ động giải quyết tốt mọi mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên và phát triển.

Thứ năm: Tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái.

Thứ Sáu: Chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, đây là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu được bao thế hệ cha ông bền bỉ xây dựng, vun đắp; phát huy tính tự lực, tự cường của các dân tộc với tinh thần tương thân, tương ái; tin tưởng và chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV năm 2024, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước.

bna_img_3972.jpg
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao đổi với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV - năm 2024. Ảnh: Thành Duy

...Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh, tôi tin tưởng rằng tỉnh Nghệ An với vị trí chiến lược, có tiềm năng, lợi thế về rừng và biển, người dân cần cù, thông minh, hiếu học, sẽ có những phát triển đột phá mạnh mẽ, 47 dân tộc anh em tiếp tục phát huy truyền thống yê quê hương, truyền thống cách mạng và hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua mọi trở ngại, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ tỉnh, mục tiêu trong Quyết tâm thư của Đại hội, đồng thời Nghệ An sẽ là hình mẫu để các tỉnh bạn học tập, noi theo cùng phát triển.

--------------------------------