Chiều 18/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực ngoại giao tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đoàn ĐBQH Hà Nội dự họp trực tiếp).

180320240248-z5260572317959-10351b6f620926e93fe61074e6bf9940-6326.jpeg.webp
Quang cảnh phiên chất vấn chiều 18/3 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; các vị ĐBQH công tác trên địa bàn tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

180320240208-z5260572073718-d2362bb2f2aa95c92a7865a94f9e05ae-5372.jpeg.webp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm và đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

180320240222-z5260669644337-9c2b80f89488819f861bc44123345ad0-6681.jpeg.webp
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.

Trước đó, trả lời ý kiến của ĐBQH cũng liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảnh báo tình trạng lừa đảo đi làm “việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài.

“Việc nhẹ lương cao” là không có, chỉ có làm những việc vi phạm pháp luật; chúng ta cố gắng tuyên truyền thêm cho con cháu”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cảnh báo.

bna-img-8753-8273.jpg.webp
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Trong báo cáo gửi đến các vị ĐBQH, Bộ Ngoại giao cho biết: Từ năm 2022, hoạt động đi lại quốc tế cũng như của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã phục hồi hoàn toàn, nhu cầu đi lao động, học tập, du lịch của người dân tăng nhanh.

Thống kê cho thấy, trong năm 2022 có hơn 3,8 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài và đến năm 2023 con số này đã lên đến hơn 10 triệu lượt.

Việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài với các mục đích khác nhau cho thấy mức độ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, thách thức cho công tác lãnh sự và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

bna-img-8734-7007.jpg.webp
Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Duy

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân bị lừa đảo, cưỡng bức lao động tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao cho biết: Trong năm 2022, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại trực tiếp tham gia nhiều vụ giải cứu công dân ta từ các cơ sở giam giữ người bất hợp pháp; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận gần 1.400 công dân.

Năm 2023, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar tiến hành giải cứu, bảo hộ, hỗ trợ đưa khoảng 1.500 công dân về nước, trong đó, điển hình là các vụ việc tại Philippines và Campuchia.

bna-img-8706-6896.jpg.webp
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Duy

Vấn đề công dân ta bị lừa đi làm việc, cưỡng bức lao động là vấn đề hết sức phức tạp bởi nhiều lý do, như chính sách của các nước cho phép mở các sòng bài, cơ sở đánh bạc trực tuyến, chủ yếu là lừa đảo trực tuyến, việc di chuyển dễ dàng qua biên giới bất hợp pháp giữa các nước, tình trạng thiếu việc làm, cả tin của công dân ta, đặc biệt là thanh, thiếu niên ở các vùng sâu, vùng xa.

Bộ Ngoại giao đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, xử lý.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chủ động nắm bắt tình hình công dân lao động bất hợp pháp, bị cưỡng bức lao động tại các nước, phối hợp với cơ quan chức năng sở tại giải cứu, bảo hộ công dân.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước các chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài.

bna-img-8766-3257.jpg.webp
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An và các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Duy

Đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh của công dân.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người và di cư trái phép.

“Bộ Ngoại giao cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo dưới nhiều hình thức về tình trạng lừa đảo đi làm “việc nhẹ lương cao”.

bna-img-8699-6456.jpg.webp
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Cũng tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời chất vấn của đại biểu về các nội dung xung quanh công tác ngoại giao kinh tế; kết quả của việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa; giải pháp tăng cường hoạt động kết nối mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam; thực trạng và giải pháp khắc phục vướng mắc trong thể chế về kinh tế, thương mại, đầu tư; giải pháp giúp các địa phương chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế;…

Thành Duy