Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

plugin_ckeditor_upload.upload.b6b0f2105ba79495.5175616e672063e1baa36e6820c49169e1bb836d2063e1baa7752e6a7067.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Tổng sản lượng cây trồng vụ Đông năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn

Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đều xác định vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Các địa phương đều chủ động xây dựng Đề án sản xuất vụ Đông gắn với vụ hè thu, vụ mùa và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể.

Diện tích cây trồng vụ Đông năm 2020 đạt 375 nghìn ha, giảm 13,3 nghìn ha so với vụ Đông năm 2019 do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Trong đó, nhóm cây trồng có diện tích giảm chủ yếu là nhóm cây ưa ấm như: Ngô, đậu tương, khoai lang… Diện tích trồng nhóm rau đậu các loại tăng.

Năng suất của cây vụ Đông năm 2020 có sự biến động tùy từng nhóm cây so với vụ Đông năm 2019. Năng suất cây ngô đạt 46,4 tạ/ha (tăng 5,2 tạ/ha), lạc đạt 24 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha), đậu tương đạt 17,1 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha)… Tổng sản lượng cây trồng vụ Đông năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ Đông năm 2019. Cây trồng có sản lượng tăng chủ yếu là rau tăng 65 nghìn tấn, ngô tăng 66,3 nghìn tấn, khoai tây tăng 6 nghìn tấn…

Tổng giá trị cây vụ Đông năm 2020 đạt khoảng 32.628 tỷ đồng, cao hơn không đáng kể so với vụ Đông 2019. Tuy nhiên, giá trị sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2020 đạt 84,3 triệu đồng/ha, tăng 3,1 triệu đồng/ha so với vụ Đông năm 2019.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ Đông 2020 cao hơn so với vụ Đông 2019 là do đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ Đông từ sản xuất bấp bênh, chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế thấp như đậu tương, lạc, khoai lang đã được chuyển sang cây trồng có giá trị cao hơn như nhóm hoa cây cảnh, cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao…; sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với cơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo đầu ra ổn định.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2021 của khu vực các tỉnh phía Bắc. Theo đó, diện tích vụ Đông năm 2021 dự kiến gieo trồng khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn; trong đó tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 34 -35 nghìn tỷ đồng; trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha.

Cơ cấu cây trồng vụ Đông năm 2021 dự kiến nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ Đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45% tổng diện tích cây vụ Đông.

Vụ Đông năm 2021, Nghệ An phấn đấu gieo trồng trên 35.500 ha

plugin_ckeditor_upload.upload.b49add2d7953fae3.c4906320486f616d6766204e6768c4a961204869e1babf752e6a7067.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn duy trì ổn định, tăng 4,58%; được xem là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn COVID-19 và vừa là cứu cánh trong tăng trưởng chung của tỉnh.

Về sản xuất vụ Đông năm 2020, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 33.400 ha cây trồng các loại; sản lượng các cây trồng đạt trên 264.600 tấn/KH 275.600 tấn, đạt 96,02%. Hình thức tổ chức sản xuất đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, chú trọng sản xuất an toàn, hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Nhiều mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: Dưa chuột, Bí xanh, khoai tây, rau các loại, rau hoa trong nhà lưới thu lãi từ 50-220 triệu đồng/ha. (Toàn tỉnh có 157 nhà lưới, nhà màng với tổng diện tích 25,77 ha). Sản xuất vụ Đông năm 2020 của tỉnh Nghệ An ngoài việc góp phần hoàn thành chỉ tiêu sản lượng lương thực còn mang lại giá trị kinh tế hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 31,6 % so với vụ Đông năm 2019.

Sản xuất vụ Đông năm 2021 được Nghệ An xác định mục tiêu đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng và với phương châm sản xuất an toàn và sản xuất theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 35.500 ha, trong đó: Cây ngô: 20.000 ha (ngô trên đất lúa 3.000 ha; ngô sinh khối 5.000 ha; ngô lấy hạt 15.000 ha); cây lạc: 1.500 ha; cây rau đậu các loại: 12.400 ha; cây khoai lang: 1.500 ha; cây khoai tây: 150 ha.

Trước những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất vụ Đông năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể: Tổ chức chỉ đạo điều hành sản xuất kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và với phương châm “6S, cụ thể là 2 sớm và 4 sát”. 2 sớm là Xây dựng đề án sớm, triển khai đề án sớm. Đến thời điểm này, cây trồng vụ Đông toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 5.000 ha/KH 35.545 ha.

4 sát là có cơ cấu cây trồng thật sát với thực tế của địa phương; sát với dự báo của Khí tượng thủy văn; sát với nhu cầu thị trường và cuối cùng là sát cơ sở để chỉ đạo, chỉ đạo đúng về giống, lịch mùa vụ, bảo vệ thực vật, thủy lợi. Các địa phương cấp huyện chủ động bố trí lịch thời vụ, diện tích, cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường tận dụng nguồn lao động từ các tỉnh phía Nam về do tránh dịch COVID-19 để mở rộng diện tích, quy mô sản xuất nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

“Mục tiêu đạt diện tích sản xuất vụ Đông tối đa, đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế; không sản xuất vụ Đông bằng mọi giá nhưng mà phải bằng mọi cách để đạt được kế hoạch đề ra và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 7,2 vạn lao động về quê tránh dịch COVID-19” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh

Áp dụng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất vụ Đông. Tập trung công tác quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm để tạo thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất vụ Đông. Phân chia vùng lợi thế để chỉ đạo sản xuất và chọn cây chủ lực sản xuất. Làm tốt công tác thủy lợi, tiêu úng, công tác dự tính, dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn. Có phương án chủ động thoát nước để chống úng cục bộ đối với cây trồng vụ Đông.

Về dự báo thị trường tiêu thụ, hiện nay đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy, gián đoạn việc kết nối thương mại nông sản cũng như khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các các vùng trong tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương chủ động phân tích, dự báo thị trường nông sản sát với cơ cấu sản lượng các cây trồng vụ Đông; từ đó xây dựng các giải pháp về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Về cơ chế chính sách, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương và chính sách hỗ trợ thường xuyên của Tỉnh, Vụ Đông năm 2021, UBND tỉnh đang xem xét hỗ trợ kinh phí để nông dân trồng ngô, rau màu các loại trên đất lúa và sản xuất khoai tây có liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Các địa phương cần xác định vụ Đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của tòan ngành cho năm tiếp theo, vì vậy cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển, mở rộng diện tích gieo trồng, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp để tập trung chỉ đạo. Sản xuất vụ Đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Căn cứ vào kế hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 theo các kịch bản. Thực hiện triệt để các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời tăng cường liên kết, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, thương mại điện tử, tham gia xây dựng diễn đàn kết nối cung cầu trong nội tỉnh, theo vùng và toàn quốc. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất vụ Đông.

Đẩy mạnh sản xuất rau ở các vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, có thị trường đầu ra tốt, ổn định. Sản xuất rau có đăng ký đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập đối với người sản xuất rau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Hiệp hội, hội và doanh nghiệp cung cấp đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng giống cây trồng đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

PT

(Nguồn: Cổng TTĐT Nghệ An)