Ấm nồng bếp lửa ngày đông

Đó là góc bếp nhỏ trong mảnh đất ông bà nội cho cha mẹ, nơi cất ngôi nhà tạm đầu tiên tồi tàn bằng đất và lợp cọ. Cha tôi đi dạy xa, mỗi ngày ở nhà tôi phụ mẹ kéo nước dưới cái giếng rất sâu bằng sợi dây thừng to mà mỗi gầu nước đổ ra chậu là tay ửng đỏ, lâu ngày thành chai sạn. Nhớ những ngày lọ mọ nấu riệu, mải chơi vòng giun để nồi rượu “sóc hèm” hay khê nồng, ánh mắt mẹ lại đượm buồn. Ngày đông lạnh cả nhà lấy nước nóng pha để tắm, mẹ vừa kỳ lưng vừa chê con lấm láp, cha tranh thủ ngày nghỉ cẩn thận bê chậu nước cho mẹ ngâm chân. Những cục than còn lại được tận dụng nướng ngô, nướng khoai, tro nóng để vần ủ cá kho. Có bữa thằng em lót lá chuối nướng cả mỳ tôm, đẩy nhau vương bỏng cả tay, mẹ vội vàng đập quả trứng gà lên tay con, xuýt xoa mãi. Cứ nhớ đôi vai mẹ gầy thật gầy, nhớ tuổi thơ tôi dính với những con lợn nái réo đòi ăn. Rồi cha mẹ cũng xây được ngôi nhà ngói, mua được chiếc xe máy đầu tiên, nhớ khung cửa sổ tôi thường ngồi học bài và nhìn ra vườn để làm thơ.

Những món ăn thời thơ ấu vẫn đọng mãi trong trí nhớ. Là bà nội với món bánh ngào đợi cháu mỗi khi đi học về. Chiếc cối đá xay từng nắm bột nếp, treo ráo nước, một ít đỗ xanh làm nhân và mật mía, gừng. Tất cả quện lại cùng nhau trong chiếc nồi gang làm mấy đứa cháu xuýt xoa mãi. Ông nội luôn trổ tài nướng bánh trứng vào những dịp đặc biệt. Thời đó bánh bông lan vẫn còn xa xỉ lắm. Ông lấy cát đổ đầy cái chảo to, bà nhóm bếp trong khi cha tôi lấy đôi đũa chẻ làm tư để đánh trứng và bột. Sau gần một tiếng chuẩn bị và nướng, chiếc bánh tròn bông xốp, vàng đều ngọt ngào ấy được đặt trên chiếc mươn tre trong sự háo hức của cả nhà.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Nhớ nhất vẫn là những đêm giao thừa ngủ cạnh bếp than cùng nồi bánh chưng. Mấy đứa cháu trải chiếu, lôi cả chăn vừa nướng đồ ăn, vừa chụm bếp, thỉnh thoảng thêm nước vào nồi bánh. Không chỉ là món ăn, mà còn là khoảnh khắc được nhìn cha lụi hụi làm thịt gà, được nhìn mẹ quấn chả cuốn và hàng xóm sang quây quần bên ấm nước chè xanh.

Bây giờ, bên cạnh căn bếp gạch sạch sẽ sáng loáng, tôi vẫn tự quây cho mình một bếp lửa sau vườn nhà để nhóm lại những kỷ niệm ngày xưa. Những sinh hoạt bình dị đều ở bên bếp lửa nồng ấm ấy, nơi con bé vừa học vừa nuôi lợn, bán rau, nhặt từng đồng tiền lẻ nhàu nát giúp cha mẹ đóng từng viên gạch để xây tổ ấm. Xoè bàn tay tôi vẫn rưng rưng nhớ từng vết chai sạn, vết sẹo ngón tay trỏ thái rau, thỉnh thoảng về vẫn tha thẩn đến nhà họ hàng để thái cây chuối. Tuy động tác đã lóng ngóng, vụng về nhưng nụ cười thì vẫn hồn nhiên, trong trẻo như xưa. Tôi ngồi uống trà cùng cha dưới gốc cây nhãn già, trồng thêm rau trên mảnh đất ông bà để lại, tưới, bắt sâu, cắt rau, lựa từng lá, cột thành nhiều bó bằng vòng ôm của cô bé 7 tuổi lúc ấy để mang về thành phố và lưu trong ký ức.

Vẫn nhớ mãi những câu thơ trong bài “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...”

***

Tết Ất Tỵ 2025 đã về, bếp lửa bánh chưng nơi góc vườn vẫn đỏ lửa như một thói quen không đổi. Ngồi bên nồi bánh, tôi nhớ về những đêm giao thừa sum vầy, ấm áp bên mẹ, bên cha. Giờ đây, dù mẹ đã đi xa, cha tóc đã bạc màu, nhưng bếp lửa ngày Tết vẫn thắp lên hơi ấm của gia đình, gợi nhắc về sự sum họp và truyền thống không bao giờ phai…