Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh mục tiêu xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành thành phố vào năm 2030
Đô thị động lực, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 16/12/2024 về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó nhấn mạnh 5 quan điểm, đặc biệt là xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị động lực, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, trước hết là của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hoàng Mai.
Tập trung nguồn lực, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội gắn với tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành thành phố; tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại; đời sống của nhân dân đạt mức cao…
Để đạt mục tiêu tổng thể trên, trước mắt từ giai đoạn 2025 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ, thị xã Hoàng Mai cần đạt tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số, từ 13 - 14%/năm trở lên. Năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân từ 12 - 14%/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng từ 68 - 70%; dịch vụ đạt từ 23 - 25%; nông, lâm, ngư nghiệp đạt từ 7 - 9%; giá trị thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5 - 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 170.000 - 200.000 tỷ đồng.
Phát triển đô thị dọc sông, hướng biển, lấy sông Hoàng Mai làm trung tâm
Để đạt mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó cần xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường liên kết vùng; cụ thể là tập trung hoàn thành Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hoàng Mai, các quy hoạch phân khu trong năm 2025.
Quá trình lập và phê duyệt các quy hoạch trên cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng tính liên kết vùng, phát huy vai trò động lực phát triển, trung tâm vùng; phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống, thiên tai và dịch bệnh.
Tập trung hình thành 3 vùng phát triển là: Vùng đô thị trung tâm, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục; Vùng phát triển công nghiệp, cảng biển và logistic; Vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Bốn hành lang phát triển, gồm: Hành lang kinh tế biển; Hành lang đô thị - dịch vụ - công nghiệp; Hành lang công nghiệp, dịch vụ tổng hợp; Hành lang sinh thái.
Nghiên cứu, quy hoạch và đẩy mạnh phát triển đô thị dọc sông, hướng biển, lấy sông Hoàng Mai làm trung tâm phát triển trong tương lai; khai thác tốt không gian phát triển mới, nhất là các khu vực được đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm.
Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối chặt chẽ giữa Hoàng Mai với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); giữa Hoàng Mai với các động lực tăng trưởng của tỉnh và các địa phương phụ cận để tạo cấu trúc đô thị mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu đô thị hóa.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án có tính chất trọng điểm đang và sẽ triển khai trên địa bàn, trước mắt là các dự án trong Khu công nghiệp Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi, Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập.
Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh cho thị xã Hoàng Mai để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt mục tiêu đề ra.
Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên đầu tư các công trình: Đường giao thông nối đường số 1 đi Quốc lộ 1A và Quốc lộ 48D; đường giao thông nối đường số 2 đi Khu du lịch biển; kè kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn dọc bờ sông Hoàng Mai; tuyến đường nối Quốc lộ 1A đi Khu Di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn và các công trình: Quảng trường, công viên, thư viện, trung tâm điều hành đô thị thông minh...
Huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư các công trình thương mại dịch vụ, khu đô thị, khu nhà ở chuyên gia và nhà ở xã hội.
Khai thác tốt các nguồn lực từ cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để đầu tư có hiệu quả hạ tầng kết nối các Khu công nghiệp Hoàng Mai - cảng Đông Hồi - Khu kinh tế Nghi Sơn - thị xã Thái Hòa và miền Tây Nghệ An để tạo thành cụm liên kết phát triển. Phát triển khu bến cảng Đông Hồi kết hợp với cảng Nghi Sơn thành cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho sự phát triển thị xã Hoàng Mai trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành.
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết.
Thị ủy Hoàng Mai xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết; phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Đảng bộ và nhân dân thị xã để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Ngày 3/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quỳnh Lưu, thành lập thị xã Hoàng Mai trên cơ sở điều chỉnh 16.974,88 ha diện tích tự nhiên và 105.105 nhân khẩu của huyện Quỳnh Lưu. Thị xã Hoàng Mai có 10 đơn vị hành chính, với 5 phường và 5 xã; là đơn vị hành chính cấp huyện trẻ nhất của tỉnh Nghệ An.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Thanh - Bắc Nghệ, sau 11 năm thành lập, từ một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông, ngư nghiệp, đến nay thị xã Hoàng Mai từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An.
Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao (bình quân giai đoạn 2015 - 2023 đạt 11,77%), là một trong 3 địa phương có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhất tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người cuối năm 2023 ước đạt 78,72 triệu đồng, tăng 46,97 triệu đồng so với năm 2014.
Từ năm 2014 đến nay, có trên 50 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 31 nghìn tỷ đồng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng phát triển các khu công nghiệp.
Tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đều xác định mục tiêu xây dựng Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu) trở thành một trong 6 trung tâm đô thị của Nghệ An.