“Cái khó ló cái khôn”
Theo đuổi canh tác hữu cơ, sản xuất sạch và an toàn nên giá thành các loại rau của anh Nguyễn Kim Nam (Nam Anh, Nam Đàn) cao hơn thị trường. Nhất là vào thời điểm thu hoạch vụ Đông, các loại rau rộ mùa thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên giá rẻ vẫn khó tiêu thụ. Xác định, để chủ động đầu ra, để không thua lỗ thì phải tìm cho mình một kênh tiêu thụ khác, hướng đến đối tượng khách hàng khác. Do đó, anh Nam đã đầu tư mua điện thoại thông minh phân khúc cao, quay chụp rõ nét và tự mày mò cách “livestream” lên mạng xã hội để quảng bá cho các loại rau mà vườn mình sản xuất. “Ban đầu cũng mặc cảm vì mình nông dân chính gốc, chỉ quen làm không quen nói, chân lấm tay bùn nên rất ngại lên hình, nói trước đám đông. Nhưng nếu không thử, không làm thì biết bán rau này cho ai? Làm sao tiếp cận được khách hàng. Vậy nên cứ “liều”. Một vài lần thì quen dần. Vui nhất, mỗi lần “livestream” có hàng trăm người xem, hàng trăm bình luận và hàng trăm người đặt hàng nên càng có thêm động lực. Có những hôm, chỉ trong 10 phút “livestream” mà tôi bán được hơn một tạ rau cải ngọt, lượng khách chủ yếu ở Nam Đàn, Vinh, Cửa Lò”, anh Nguyễn Kim Nam cho biết.
Vụ thu hoạch cam năm 2021, trại cam của ông Nguyễn Duy Hoá (Đỉnh Sơn, Anh Sơn) chủ yếu bán qua kênh “online” (trực tuyến). 2 ha cam với sản lượng hàng chục tấn quả thường đã “có chủ” ngay khi chưa mở trại bán. Ông Nguyễn Duy Hoá, chủ trại cam Hương Hoá cho biết: “Mọi năm, chúng tôi chủ yếu bán cam bằng cho thương lái vào tận vườn thu mua hoặc bán cho người quen và mang đi các chợ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ trực tiếp ngày càng khó khăn khi ngoài thị trường rất nhiều loại cam, có những loại giá rất rẻ mà cam mình sản xuất theo chuẩn VietGAP không thể cạnh tranh nổi. Theo dõi trên tivi, đài báo, mạng xã hội rất nhiều người kinh doanh bằng hình thức “livestream” và bản thân tôi cũng mua hàng qua kênh này. Tôi suy nghĩ, mọi người bán được sao mình không thử?”. Với chiếc điện thoại thông minh, mỗi ngày, vào mùa thu hoạch, anh cùng các nhân viên trại cam vừa thu hái quả, vừa thuyết minh để giới thiệu sản phẩm trên các kênh zalo, facebook cá nhân và các hội nhóm. “Người này chia sẻ cho người kia, được “mắt thấy, tai nghe” về sản phẩm cam OCOP 3 sao, VietGAP của trại qua những lần “livestream” nên đơn đặt hàng khắp nơi gửi về, từ Hà Nội, Hải Phòng đến tận Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, mua lẻ có, mua sỉ có. Nhờ đó, vụ cam 2021 dù khó khăn do dịch COVID - 19 nhưng cam của chúng tôi vẫn bán hết với giá cao. Vụ cam 2022, dù chưa mở trại bán nhưng trước thời điểm cam chín, chúng tôi cũng thường xuyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, Fanpage Cam Vinh Hương Hoá nên đã có rất nhiều đơn đặt hàng khắp mọi miền Tổ quốc. Chỉ chờ vào lúc thu hoạch là hái cam, chọn lựa, đóng thùng để gửi khách”, anh Hoá phấn khởi chia sẻ.
Còn đối với các hộ nông dân trồng ổi ở làng Tràm (Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) thì ngoài tiêu thụ được ổi, không bị tồn đọng, ế ẩm thì nhờ bán hàng qua “livestream” mà họ được giới thiệu về làng, về gốc tích của ổi làng Tràm, được có thêm những khách hàng – người bạn ở muôn nơi. Ông Nguyễn Bá Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) cho biết: “Quá trình quảng bá ổi làng Tràm trên mạng xã hội, để thu hút khách hàng thì phải tìm ra được những khác biệt đặc trưng của ổi địa phương với những nơi khác. Những tích chuyện về nguồn gốc ổi làng Tràm; đặc trưng của vùng đất, của khí hậu, của văn hoá, lịch sử làng Tràm được lồng ghép vào đó. Nhờ thế, ngoài bán ổi thì chúng tôi cũng đã làm thêm “sứ mệnh” về quảng bá di tích lịch sử của làng, lan toả giá trị văn hoá làng”.
Quan trọng là chữ “Tín”
Bán hàng qua mạng không phải là hình thức mới mẻ trên thế giới. Song ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi thì lại khá xa lạ với bà con. Hiệu quả của kênh bán hàng qua mạng, chủ yếu qua “livestream” rất lớn nếu biết cách khai thác, có kỹ năng truyền tải bằng hình ảnh, bằng lời nói và quan trọng nhất là giữ chữ “tín” khi bán hàng. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lê Na, người “tiên phong” trong đưa cam Vinh lên mạng xã hội và năm 2021, chị là người có công lớn trong việc “giải cứu” quýt PQ cho nông dân Phủ Quỳ bằng cách “đặc biệt” với giá cao, qua đó, nâng tầm thương hiệu quýt PQ vùng Phủ Quỳ. Vào thời điểm tháng 4/2021, quýt PQ vùng Phủ Quỳ (Thái Hoà, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp) rộ vụ thu hoạch nhưng ế ẩm phải kêu gọi giải cứi với giá “bán như cho” (2-3.000 đồng/kg). Thay vì giải cứu theo cách đó, chị cùng một nhóm đã có cách là riêng đó là “livestream” bán quýt cho nông dân. Nhờ cách làm sáng tạo, chuyên nghiệp, nhờ có sự tham gia của những người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội hỗ trợ nên thành công ngoài mong đợi, hàng trăm tấn quýt PQ được tiêu thụ với giá cao, có những đơn sỉ lên đến cả chục tấn.
Chị Lê Na chia sẻ: “Ngoài những yếu tố khách quan giúp chương trình bán hàng thành công thì điều quan trọng là chất lượng sản phẩm. Nếu như kêu gọi giải cứu, sản phẩm bán với giá rẻ, dân cũng ồ ạt đóng hàng xô bồ, quả ngon có, quả non, quả nhỏ, quả dập có và người mua cũng “tặc lưỡi” theo kiểu “mua từ thiện, mua ủng hộ” nên cũng chỉ “mua một lần rồi thôi”. Còn chúng tôi, sau khi “livestream” chốt đơn, đã chọn các vườn quýt chất lượng, phân loại quýt và đóng thùng trả khách, cam kết quýt đến tay khách tươi ngon. Do đó, khách chấp nhận mua quýt giá cao (20-25.000 đồng/kg) và rất nhiều người đặt hàng thường xuyên. Điều đó cho thấy, chữ “tín” khi bán hàng online rất quan trọng. Do đó, để xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, duy trì lượng khách hàng ổn định và ngày càng mở rộng, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, nhất là với hàng nông sản”.
Ngoài kênh bán hàng trên trang facebook, hiện nay, rất nhiều nông sản của nông dân trong tỉnh đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Voso.vn, postmart… Đồng thời, các ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể đang đẩy mạnh việc đào tạo, hướng dẫn hỗ trợ người dân làm quen với thương mại điện tử, hướng dẫn từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung (content) quảng cáo, lựa chọn kênh bán, livestream...
Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp với điều kiện của nông dân. Chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh và tài khoản facebook là nông dân có thể livestream trong các nhóm phù hợp. Bán hàng trên facebook rất thuận tiện song theo như các chuyên gia thì “yếu tố quyết định hiệu quả của kênh bán hàng này chính là bởi chất lượng sản phẩm, chữ Tín với khách hàng”.