Người xưa cầu hiền
Nguyễn Trãi từng thay mặt Lê Lợi viết chiếu cầu hiền, lệnh cho toàn dân và các quan phải tiến cử hiền tài cho đất nước và có chính sách rõ ràng: “Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bậc, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bậc, tất được trọng thưởng". Trong Bình Ngô đại cáo, ông cũng viết: Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông/ Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả... (các vương giả thời cổ xưa đi xe ngựa thường bỏ trống chỗ đẹp nhất bên trái để tỏ ý cầu hiền).
Ngô Thì Nhậm viết chiếu cầu hiền cho Quang Trung cho rằng hiền tài là vật báu trời ban, nhà vua hôm sớm mong tìm để cùng lo toan việc nước chứ mình vua gánh trọng trách ấy thì lúc nào cũng run run sợ sợ... Quang Trung cũng ba lần viết thư mời Nguyễn Thiếp, một ẩn sĩ ở Can Lộc ra giúp nước.
Năm 1442, Thân Nhân Trung đã đúc kết một chân lý: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia”.
Vì sao Bác Hồ quý người hiền tài?
Trước hết, Bác Hồ là một hiền tài.
Để chiêu mộ và dùng được người tài giỏi thì người đứng đầu quốc gia thật sự phải là một người tài giỏi; nhưng hơn cả là có một đức bao dung vô lượng, một tấm lòng lo nước, lo dân cuồn cuộn như nước triều đông, ai nhìn thấy cũng bị cảm hóa.
Bác Hồ là người có tất cả những điều ấy, là tấm gương sáng nhất trong lịch sử về sự quý trọng và sử dụng người tài.
Điều ấy có căn nguyên sâu xa. Bác sinh ra trong một gia đình khoa bảng, trên một quê hương mà lòng yêu nước, thương người, đức trung hiếu được coi là giá trị bậc nhất của con người. Với tâm hồn thuần khiết, cộng với sự trau dồi đạo đức luôn luôn đi liền với việc bồi bổ tri thức (với Bác gồm đủ Đông Tây kim cổ, đủ Nho Phật Lão và nhiều triết thuyết, nhiều ngành khoa học khác), lại có một mục đích cao cả cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã phấn đấu để trở thành một người hiền, đương nhiên càng biết yêu quý, trân trọng người hiền tài. Đó cũng là con đường của mọi trí thức chân chính, con đường sản sinh, tích tụ chính khí, tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Tầng lớp trí thức là những người nắm vững quy luật, hành xử theo đúng quy luật, hợp với lẽ trời. Vì vậy, Thân Nhân Trung mới nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Thứ hai, Bác là người tự do, tự tại, không sợ tranh giành địa vị
Bác Hồ của chúng ta lại là người đã tự giải phóng mình thành một người tuyệt đối tự do; tự do yêu nước và cống hiến, ung dung tự tại như một ông tiên, thoát vượt khỏi mọi ràng buộc của tiền tài, địa vị và các vật ngoại thân khác; thoát vượt khỏi mọi ràng buộc của thói thường. Đọc câu Bác trả lời một phóng viên nước ngoài năm 1946, và nhìn lại cả cuộc đời của Bác, ta thấy rất rõ điều đó: "Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi" (Báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946).
Thứ ba, Bác là người hiểu và muốn cán bộ, đảng viên và các thế hệ hiểu và làm theo chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Muốn kháng chiến, kiến quốc, việc gì cũng cần đến người tài giỏi. Trên báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946 "Tìm người tài đức" của Bác Hồ. Đó là một mệnh lệnh của Chính phủ, một chiếu cầu hiền của thời đại cách mạng.
Bác Hồ cầu hiền
Trong Chính phủ lâm thời, rồi đến Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (do Quốc hội khóa I bầu), đều giành nhiều ghế bộ trưởng là những chuyên gia, những nhà trí thức không phải đảng viên Đảng Cộng sản như Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Cứu tế xã hội, sau là Trưởng ban Thường trực (Chủ tịch) Quốc hội (người thay Nguyễn Văn Tố làm Thường trực Quốc hội là Bùi Bằng Đoàn, trước đây là Thượng thư Bộ Hình); Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Nội vụ, có thời gian là Quyền Chủ tịch nước; Vũ Trọng Khánh rồi Vũ Đình Hòe thay nhau giữ ghế Bộ trưởng Tư pháp... Trong 15 thành viên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, chỉ có ba người thuộc Mặt trận Việt Minh là Hồ Chí Minh (Chủ tịch), Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Tài chính) và Đặng Thai Mai (Bộ trưởng Giáo dục).
Chính phủ còn mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn, bố trí biệt thự sang trọng ở số 51 phố Gambetta, nay là trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 51, Trần Hưng Đạo.
Trong cách mạng, có nhiều người bị nghi oan, giết oan. Điều ấy không tránh khỏi trong mọi chính biến thay đổi chế độ. Nhưng việc trọng đãi, tin dùng cựu hoàng và nhiều quan lại phong kiến, không có những cuộc rửa thù tắm máu, chứng tỏ sự nhân ái bao la của người Việt, tính nhân văn của Cách mạng Tháng Tám.
Tư tưởng về Đảng của Bác cũng hết sức nhất quán, rõ ràng. Đó là Đảng gồm những người dân yêu nước, phấn đấu vì lợi ích của đất nước, thống nhất với dân tộc, ngoại từ kẻ phản quốc và tham nhũng. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo nước ngoài đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946, Bác khẳng định: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Ðảng dân tộc Việt Nam. Ðảng đó chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Ðảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài".
Trong diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Bác nhấn mạnh bản chất Đảng, yêu cầu đối với Đảng: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Ðảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Ðảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. Cho nên Ðảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta.
Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”.
Trước đó, năm 1955, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác Hồ cho rằng, Đảng đã và sẽ phải là “tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 7, tr.517).
Trí tuệ, danh dự, lương tâm – đó chính là bản chất của kẻ sĩ, của những bậc hiền tài.
Thư Bác viết cho cụ Bùi Bằng Đoàn:
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư".
Sau đó, Bác Hồ lại gửi một bức thư khác, đề là “Lời tâm tri” và chỉ vẻn vẹn một câu thơ: Thu thủy tàn hà thính vũ thanh khiến cụ Bùi không ở ẩn nữa mà xuất thế giúp đời. Tại sao câu thơ có ảnh hưởng lớn đến thế?
Nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường có bài thơ “Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung, Thôi Cổn” nói về ngày thu, ở đình nhà họ Lạc nhớ hai em họ là Thôi Ung và Thôi Cổn như sau:
Trúc ổ vô trần thuỷ hạm thanh,
Tương tư điều đệ cách trùng thành.
Thu âm bất tản sương phi vãn,
Lưu đắc khô hà thính vũ thanh.
Tôi tạm dịch là:
Nước mướt xanh hiên, trúc mướt bờ
Cách trùng thành quách, khổ tương tư
Bóng thu không tản, sương bay hết
Còn lá sen tàn lắng tiếng mưa!
Bác mượn câu kết, có sửa đi mấy chữ, thành “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”, vừa tóm được ý toàn bài, vừa nói lên nỗi lòng tha thiết mong người tài như hồ cạn mong mưa. Cũng có thể hiểu một ngụ ý sâu xa: Dòng nước mùa thu (cách mạng), đã làm tàn chế độ cũ, tất cả những gì cũ kỹ rồi (tàn hà), đang chờ tất cả mọi giọt nước hòa vào dòng nước mới, ao thu mới (thính vũ thanh). Và như thế mới là hợp thời, mới là trí giả (người hiểu biết).
Vì sự tri âm ấy, mà mọi người đều dốc lòng theo Bác, dốc lòng cho sự nghiệp.
Năm 1946, Bác Hồ sang Pháp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp . Dù câu chuyện không thành, một nền hòa bình cho Đông Dương bị bỏ lỡ, nhưng Bác đã cảm hóa được một đội ngũ đông đảo trí thức lớn về nước như Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị ... Họ, cùng với trí thức trong nước, là trụ cột của các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật, luyện kim, y dược, quân giới... phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến và mở trường đại học đào tạo các thế hệ trí thức cách mạng. Lớp Tây học này đều có tên tuổi ở nước ngoài nhưng gặp Bác Hồ đều trọng vì nghĩa, phục vì tài.
Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984), học ở Pháp từ năm 1918-1932, Giáo sư Y học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trước năm 1945, coi quãng đời ý nghĩa nhất của mình là quãng đời theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.
Trong cuốn hồi ký Để tâm hồn được thanh thản, ông viết: “Càng sống lâu, càng suy ngẫm, càng hiểu biết rộng, càng nhìn thấu kim cổ Đông Tây, ta càng thấy rõ Bác Hồ của chúng ta quả là bậc vĩ nhân của các vĩ nhân. Theo tôi, Người là Einstain về mặt đạo đức”...