Sáng 14/7, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bước sang ngày làm việc cuối cùng với việc xem xét, biểu quyết thông qua nhiều dự thảo nghị quyết rất quan trọng.

bna-img-4277-473--n2.jpg

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII vào sáng 14/7. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII;...

Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2016 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, tính tại thời điểm tháng 1/2022 đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà chưa được tuyển dụng vào viên chức; Các trường mầm non công lập do tỉnh Nghệ An quản lý.

Mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục được bố trí nguồn kinh phí và có cơ sở để thực hiện việc chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2018 và Thông tư liên tịch số 09/2013, tính tại thời điểm tháng 1/2022 đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập thuộc tỉnh Nghệ An quản lý nhưng chưa được tuyển dụng vào viên chức.

bna-img-4203-4741--n1.jpg

Các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, cũng giúp cho UBND các huyện có nguồn kinh phí hỗ trợ để phân bổ cho các cơ sở giáo dục mầm non chi trả tiền lương cho đối tượng giáo viên mầm non hợp đồng lao động nêu trên, nhằm bảo đảm chế độ cho nhà giáo, có đủ giáo viên đứng lớp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới.

Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho đối tượng giáo viên mầm non; Hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho đối tượng giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025.

Nguồn kinh phí thực hiện nguồn ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm). Dự kiến, trong năm 2022 là 127,297 tỷ đồng, năm 2023 là 94,267 tỷ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.

bna-img-4266-1131.jpg

Đại biểu HĐND tỉnh tiến hành biểu quyết trên máy tính bảng. Ảnh: Thành Duy

Theo UBND tỉnh, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, ngành học mầm non tỉnh Nghệ An phải được giao 16.393 chỉ tiêu người làm việc. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ được giao 11.092 chỉ tiêu người làm việc; so với định mức quy định thì còn thiếu 5.301 chỉ tiêu người làm việc. Do thiếu giáo viên nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ, áp lực công việc lên đội ngũ nhà giáo, giáo viên mầm non phải làm việc từ 10 - 12 giờ/1 ngày.

Năm học 2021 - 2022, Nghệ An có 10.870 giáo viên mầm non công lập, gồm: 8.458 viên chức, 1.777 hợp đồng lao động theo Nghị định 06 chuyển sang, 44 giáo viên hợp đồng UBND huyện ký và 591 giáo viên hợp đồng ngắn hạn do trường ký. Mặc dù từ năm 2013 đến nay, tỉnh Nghệ An có 2.508 chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo viên mầm non được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định nhưng nhiều huyện không còn chỉ tiêu để tuyển dụng hoặc chưa đủ tiêu chuẩn, trình độ đào tạo.

Tại khoản 3, Điều 15 Nghị định số 105/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có nội dung: “Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1, Điều 7, 8 của Nghị định số 06/2016 ngày 5/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non được thực hiện đến hết năm 2021”.

bna_gio_hoc_cua_hoc_sinh_mam_non_anh__mh3582615_442022.jpg

Giờ học thể dục của học sinh mầm non. Ảnh: MH

Trước đó, đến cuối năm 2021, tỉnh Nghệ An có 1.777 giáo viên hợp đồng lao động không được tiếp tục hưởng lương theo quy định tại Nghị định số 06/2018, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, đời sống của người lao động (có nhiều giáo viên đã công tác trong ngành 6-10 năm).

Do chỉ tiêu số người làm việc vị trí giáo viên mầm non không có hoặc không đủ, nên thời gian trước mắt chưa thể tuyển dụng hết giáo viên mầm non hợp đồng vào viên chức. Nguồn thu học phí tại các cơ sở giáo dục không đảm bảo để chi trả cho giáo viên đã được hợp đồng, trong khi đó còn phải chi trả cho số giáo viên hợp đồng ngắn hạn khác do chưa đủ số lượng giáo viên đứng lớp theo định mức./.

Phạm Bằng