Vững vàng trước thiên tai

 

Ở miền châu thổ sông Cửu Long, người đồng bằng gọi lũ lụt là mùa nước nổi, có khi hiền hòa, đôi khi dữ dội dâng cao, “dâng theo bao nỗi sầu đau”. Những cơn bão lớn vẫn còn lưu lại trong ký ức của người lớn tuổi hoặc trong các tư liệu hiếm hoi. Trận bão lịch sử năm Giáp Thìn 1904 cách đây đã hơn một thế kỷ. Mỗi lần nhắc đến chuyện xưa cũ, bà con hay cảm thán: “Nói toàn chuyện năm Thìn bão lụt”. Rồi cơn bão Linda cuối năm 1997 tàn phá kinh hoàng vùng đất Mũi. Gần đây nhất là trận lụt năm 2000, nước ngập trắng đồng.

Trong khi đó, miền Bắc, miền Trung luôn hứng chịu biết bao cơn bão hằng năm, ập vào bất cứ nơi nào, kéo theo mưa to, lũ lớn. Những con đê sông Hồng và hệ thống đê điều được xây dựng, bồi đắp hàng nghìn năm nay. Những trận vỡ đê luôn ám ảnh đến tận bây giờ, “khắp mọi nơi miền đó, nước trào lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết”. Trận mưa lũ lịch sử năm 1971 cướp đi tính mạng gần sáu trăm người, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu bà con. Những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa vun bồi đồng ruộng, bỗng trở nên hung hãn khác thường.

Những ngày nửa đầu tháng 9 năm 2024, cả nước khắc khoải hướng về miền Bắc thân thương oằn mình trong bão lũ. Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đáng sợ với các thông số lịch sử về cường độ gió giật, phạm vi tác động, thời gian quần thảo khi tiếp bờ. Các địa phương ven biển trải qua đại họa, ngư dân khốn khó, gia sản nuôi biển mất trắng, đô thị ngổn ngang, nhà cửa, cơ quan, trường học, bệnh viện tốc mái, gãy đổ, cây xanh đô thị ngả nghiêng, trốc gốc. Giông bão quét qua các tỉnh thành đồng bằng sông Hồng, vùng lúa bị ngập úng, hoa màu xác xơ, nhiều vườn cây bao năm tạo lập coi như mất trắng.

Thiệt hại nặng nề nhất đến từ những cơn mưa do hoàn lưu sau bão với cường độ cao, trải trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Phần lớn diện tích đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc ngập trong biển nước. Đây là vùng có mật độ dân số thấp, dân cư sống ở các địa hình bị chia cắt, nay càng bị tách biệt bởi tác động của thiên tai cực đoan. Nước dâng tràn hai bờ sông, nhà cửa chìm dần. Hồ đập ngấp nghé mực nước báo động, vừa căng thẳng từng phút, từng giờ theo dõi lưu lượng nước đổ về, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chưa từng có tiền lệ.

Những dãy núi trập trùng, hùng vĩ giờ có nơi trở thành mong manh nhất, rủi ro nhất, thiệt hại nhất do sụt lún, sạt lở. Nhiều cung đường uốn lượn quanh co bên ruộng bậc thang bị biến dạng. Những dòng sông suối, nơi nhiều du khách vẫn thường dừng chân trải nghiệm, nay biến thành dòng lũ ống lũ quét. Những hồ đập trong xanh chốn đại ngàn nước cuộn đỏ ngầu. Tất cả bỗng chốc hóa ra hoang tàn, tất cả bỗng chốc trở nên giận dữ, tất cả bỗng chốc sụp đổ, khi các yếu tố bất lợi cùng lúc ập tới.

Để ứng phó với cơn bão và hoàn lưu sau bão, lực lượng phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương làm việc không ngơi nghỉ, có mặt kịp thời ở những nơi xung yếu nhất. Lực lượng quân sự, công an, dân phòng… ướt sũng trong mưa, trầm mình dưới nước, mang thực phẩm, nhu yếu phẩm đến người dân và đưa người dân đến nơi an toàn. Hàng trăm hàng ngàn anh em ngày đêm bám đê, để kịp thời ứng cứu. Tất cả đều chung mục đích: an toàn cho người dân là trước hết, trên hết!

Ghi nhận thực tế tại nhiều vùng bão lũ, bà con cho biết, nơi đây chưa bao giờ chứng kiến trận bão, ngập nước kinh hoàng, thảm họa như thế này, mực nước dâng cao đến mức này, đã xảy ra từ cách đây vài chục năm. Không ai ngờ tới, không ai nghĩ tới, không ai có thể hình dung. Dẫu biết thế giới đã gióng lên hồi chuông báo động về những thảm họa thiên tai, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng cơn bão Yagi cuốn qua với hậu quả kéo dài nhiều ngày sau đó, còn tàn khốc hơn những hình dung, dự báo.

Có những mất mát, có thể làm lại được, phục hồi được, nhưng tính mạng con người, thì không bao giờ bù đắp được. Có những mất mát trên diện rộng tác động đến cả ngành nông nghiệp địa phương. Có những mất mát là cả cơ nghiệp, cả gia sản, cả giấc mơ đổi đời của bà con nông dân. Bão qua đi, gió lặng dần, mưa lũ dần vơi. Siết tay nhau, chúng ta cùng gượng dậy, cùng gầy dựng lại, cùng đánh giá, tư duy sâu hơn về ảnh hưởng ngày càng bất ngờ, cực đoan của biến đổi khí hậu, về những giải pháp mang tính lâu dài, hệ thống.

 

Mỗi lần thiên tai, bão lũ trôi qua, “Điểm tựa Việt Nam” lại càng kiên cường, vững chãi. Mỗi người Việt Nam ở mỗi vị trí của mình đều có thể là điểm tựa trong bão lũ, là điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn. Những dòng xe tải, xe ô tô nối nhau chắn gió cho người đi xe hai bánh an toàn di chuyển trên các cầu cao trong cơn giông lốc. Cộng đồng doanh nghiệp, các đội thiện nguyện, hối hả đưa từng chuyến hàng san sẻ cho bà con đang thiếu thốn.

Từng đoạn phim hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó bão lũ được nhiều tổ chức, nhóm xã hội thực hiện, lan truyền rộng rãi đến cộng đồng. Các chuyên gia thời tiết, khí tượng trắng đêm cập nhật tình hình bão lũ, để kịp thời phát đi cảnh báo đến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Trưởng thôn Ma Seo Chứ, bằng kinh nghiệm của mình, đã chủ động sơ tán người dân thôn Kho Vàng đến nơi an toàn. Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp nén thương đau, hết mình tham gia công tác cứu hộ cứu nạn…

Dù đã bay qua những tầng mây, vươn tới vũ trụ xa xôi, khám phá đáy biển sâu, con người lúc nào cũng mong manh và nhỏ bé trước thảm họa thiên nhiên. Càng dễ bị tổn thương, chúng ta càng tiếp cận nhiều cách thức để vững vàng trước thiên tai.

Công nghệ tiên tiến được ứng dụng và cải tiến liên tục, hỗ trợ công tác dự báo, quản lý rủi ro thiên tai và đưa ra các kịch bản ứng phó sớm hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp tri thức bản địa, như phán đoán nhanh nhạy của các Trưởng thôn hay kinh nghiệm ứng phó thiên tai trong cộng đồng, sẽ tăng tính chủ động cho người dân ở những vùng bị chia cắt.

Bản sắc văn hóa, tri thức bản địa tiếp nối bao đời, tinh thần cố kết cộng đồng, sự bền bỉ, dẻo dai, cùng sự dẫn dắt của già làng, trưởng thôn, trưởng bản sẽ là kinh nghiệm quý về phát huy và nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó, chống chịu vững vàng hơn trước thiên tai.

Con người không thể “đội đá vá trời”, cũng không có giải pháp nào hoàn hảo để không bị thiệt hại do thiên tai. Chúng ta có thể giảm thiểu thấp nhất với cách tiếp cận “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu”.

Chúng ta có thể nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, về ứng phó thiên tai, bằng nhiều hình thức đa dạng. Như chùm phim hoạt hình “An toàn cho con” đang được phát sóng, phổ biến kiến thức và trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em về ứng phó với thiên tai. Như các câu chuyện truyền thanh “Cơn lũ”“Làng chài bình yên”, các bài hát “Lời ru trong bão giông”, “Cô gái đê điều” mang làn điệu dân ca ba miền da diết, để mọi người quan tâm, ý thức tốt hơn về thiên tai.

Như cách tập thể anh, chị, em Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai nhẹ nhàng nhắc nhau về trách nhiệm và bổn phận, đồng loạt cài đặt nhạc chờ điện thoại chung: “À ơi, sấm chớp đằng đông, gió giật bão giông. À ơi, sấm chớp đằng tây, lũ cuốn thượng nguồn… À ơi, bình yên lời ru trong bão giông. À ơi!”.

Hành động sớm, khi dữ liệu, bản tin về thiên tai được cập nhật đơn giản, dễ hiểu và kịp thời, với tư duy liên ngành, nâng cao tính chính xác trong dự báo, hiệu chỉnh nội dung cảnh báo phù hợp, sát sao theo từng địa bàn, khu vực. Hành động sớm, khi nghiên cứu, đầu tư các công trình hồ đập, đê bao, khu tái định cư… đủ sức chống chịu với các loại hình thiên tai và mức độ tác động khác nhau. Hành động sớm, khi hài hòa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển, bảo đảm an toàn đối với các lưu vực sông, không để hành lang thoát lũ bị lấn chiếm. Hành động sớm, khi hoàn thiện chính sách, nâng cao năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai và trong cộng đồng.

“Cơn bão nghiêng đêm.

Cây gãy cành bay lá…

Cơn bão tạnh lâu rồi

Hàng cây xanh thắm lại…”

Tàu thuyền rồi lại ra khơi, bám biển đêm ngày.

Rồi nắng sẽ lên, hoa ban sẽ nở, tiếng khèn lại du dương trên miền rẻo cao!


Nội dung: Lê Minh Hoan
Ảnh: Anh Sa - Hoàng An
Thiết kế:Tiến Thành

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến