Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành.

bna-img-5840-6421.jpg.webp
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

HAI TỌA ĐỘ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG CỦA NGHỆ AN

Trong chiến lược, tầm nhìn của Trung ương và tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh mở rộng là đô thị biển, đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa của cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Gần 2 thập kỷ qua, các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về Nghệ An hoặc cho thành phố Vinh đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển thành phố Vinh; đồng thời, thể hiện vai trò rất quan trọng của đô thị Vinh đối với chiến lược phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Gần đây nhất, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 2/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh được xác định là một trong những trung tâm để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn, nhằm trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới; đồng thời, trở thành thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm văn hóa phía Bắc của vùng.

bna-img-6070-8992.jpg.webp
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị tiếp tục định hướng “tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội, để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ”.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, thành phố Vinh được xác định là 1 trong 2 khu vực động lực tăng trưởng của Nghệ An và là 1 trong 6 trung tâm đô thị của tỉnh.

Đối với huyện Đô Lương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiệm vụ tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có vùng phía Tây Nghệ An. Huyện Đô Lương được xác định là 1 trong 6 đô thị trung tâm, đồng thời, xây dựng, phát triển trở thành thị xã.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định nâng cấp đô thị Diễn Châu và huyện Đô Lương, là điểm kết nối giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển.

bna-img-6057-2412.jpg.webp
Đồng chí Bùi Duy Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, theo đó, huyện Đô Lương được định hướng là trung tâm kinh tế, văn hóa mới của tỉnh Nghệ An, là đầu mối giao thông, tạo động lực cho sự phát triển vùng phía Tây của tỉnh; phát triển đô thị sinh thái, đô thị “vệ tinh - dịch vụ” theo hướng bền vững với các ngành dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao kết hợp định hướng phát triển nông thôn mới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Bùi Duy Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương khẳng định: Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương cùng chung nhận thức, tầm nhìn về nguồn lực nội tại to lớn, đáp ứng được nhiệm vụ trở thành cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh; Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Đô Lương có chung khát vọng hiện thực hóa nhiệm vụ đó”.

Đô Lương là huyện luôn nằm trong tốp 5 địa phương đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị sản xuất của cả tỉnh. Đến nay, huyện Đô Lương đã hội đủ điều kiện để xét công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thành thị xã trước năm 2030. Huyện cũng đã đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, hiện đang trình Trung ương thẩm định, xét công nhận.

Tuy vậy, trong phát huy các lợi thế sẵn có cũng như tìm kiếm các nguồn lực mới cho phát triển, huyện gặp phải một số khó khăn và đang rất cần có được cơ chế, chính sách mới của tỉnh để giải quyết những bất cập hiện nay, từ đó, tạo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực trung tâm, Tây Bắc và Đông Nam của huyện.

Đây là tiền đề cần thiết để huyện tiếp tục phát huy các lợi thế có sẵn và tạo dựng các lợi thế mới tương ứng với "5 sẵn sàng" của tỉnh: quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính tinh gọn, nhanh chóng. Mô hình phát triển mới của huyện cần tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các huyện lân cận phía Đông như Nghi Lộc, TX. Hoàng Mai; công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ cho các huyện phía Tây như Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Phát huy lợi thế hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.

Với các cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý quan trọng đó, tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất cao ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thành phố Vinh và huyện Đô Lương.

XÂY DỰNG CÁC NGHỊ QUYẾT ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý giao Ban Thường vụ Thành ủy Vinh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương chủ trì xây dựng các dự thảo nghị quyết để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thông qua, phấn đấu trong năm 2023.

bna-img-5937-4502.jpg.webp
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương làm việc với Ban Thường vụ 2 địa phương để chuẩn bị xây dựng dự thảo về kinh tế - xã hội; các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có nhiệm vụ phối hợp để chuẩn bị các nội dung về xây dựng Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An lưu ý, quá trình xây dựng cần thực hiện chu đáo, đảm bảo chất lượng.

Trước đó, đối với các “tọa độ” phát triển của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối với 3 thị xã là: Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai và huyện Nam Đàn.

bna-img-6027-3179.jpg.webp
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu ý kiến về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình, bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến về: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình, bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; thông qua báo cáo tổng kết 35 năm thực hiện biên soạn, phát hành và sử dụng Bản tin Thông báo nội bộ và 12 năm thực hiện Đề án 02-ĐA/TU ngày 17/10/2011 về nâng cao chất lượng Bản tin Thông báo nội bộ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Thành Duy