Kỳ 2: Mang hơi thở cuộc sống đến nghị trường Quốc hội
Đến nay, ông Phạm Hồng Thoan, xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa giữ một kỷ lục là có thâm niên gần 25 năm làm cán bộ xóm. Trước đây, ông đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 4, thời điểm đó, quy mô diện tích và dân số nhỏ, chỉ hơn 120 hộ với gần 500 nhân khẩu. Tuy nhiên, sau sáp nhập 3 xóm: xóm 4, xóm 5A, xóm 5B thành xóm 3 mới, quy mô dân số tăng lên gần 2.000 nhân khẩu của hơn 440 hộ, diện tích cũng rộng gần gấp 3 lần.
Sau sáp nhập xóm, ông Phạm Hồng Thoan vẫn đảm nhận “hai vai” nên công việc càng bận rộn hơn, bất kể ngày hay đêm, cứ có việc là đi, dân cần là đến. Với những người như ông Thoan, làm cán bộ xóm xuất phát từ trách nhiệm của người đảng viên, vì tình làng nghĩa xóm, chứ chưa hẳn phải vì phụ cấp, nên nhiều người gọi họ là những người “vác tù và hàng tổng”. Bên cạnh sự nể phục về sự tận tụy, nhiều cử tri cũng trăn trở cho công việc của cán bộ xóm, khi mức phụ cấp còn khiêm tốn, mà việc gì cũng đến tay, chưa kể bất cứ đám hiếu, đám hỉ, tân gia, con vào đại học… bao giờ họ cũng là khách mời danh dự. Thật khó “xoay xở”, nhất là với những cán bộ xóm không có lương hưu!
Vấn đề này được nhiều cử tri đề cập tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử các cấp, theo phản ánh là đang tác động đến tư tưởng, tâm lý những người hoạt động ở xóm, dẫn đến việc tìm người đảm nhận bí thư chi bộ, xóm trưởng một số nơi gặp khó khăn.
Đau đáu trước những trăn trở của cử tri tỉnh nhà, trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: “Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thì trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố?”. Bởi theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, nhưng cấp tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định số 34 đã quy định mức khoán quỹ cụ thể cho từng loại đơn vị cấp xã và thôn.
Trả lời ý kiến của vị đại biểu đến từ Đoàn ĐBQH Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đây là vấn đề nóng, được cử tri cả nước quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2021, Bộ đã nhận được khoảng 100 kiến nghị của cử tri, từ các Đoàn ĐBQH, các cử tri liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, ở nước ta đang khoán kinh phí hoạt động cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Nhưng ở xã chỉ có 8 đến 9 chức danh không chuyên trách; còn thôn, tổ dân phố chỉ có 3 chức danh là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ thừa nhận, quy định như trên theo Nghị định số 34, nhất là quy định số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho thấy bất cập trong thực tiễn. Những nơi có quy mô dân số lớn thì cán bộ không chuyên trách quá tải về công việc. Cho nên Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá đầy đủ, toàn diện về Nghị định số 34 và cho thấy cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. “Chúng tôi xin hứa với các ĐBQH, đây là vấn đề có thể gọi rất là nóng vì đã tiếp thu quá nhiều các kiến nghị của cử tri, nên chúng tôi sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định khi trả lời chất vấn của vị đại biểu Đoàn Nghệ An.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và các ĐBQH, hiện nay (cuối tháng 3/2023), Bộ Nội vụ đã triển khai lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo Nghị định này, Bộ Nội vụ đề xuất tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I – II – III tương ứng từ 16,0 – 13,7 – 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 – 18 – 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/01 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người).
Cũng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Nghệ An mang đến nghị trường nhiều trăn trở, lo âu liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Bởi trước khi khai mạc Kỳ họp, rạng sáng ngày 2/10/2022, tại huyện biên giới Kỳ Sơn đã diễn ra cơn lũ quét kinh hoàng trong lịch sử, gây thiệt hại vô cùng nặng nề với đồng bào các dân tộc ở đó vốn dĩ đời sống còn rất khó khăn.
Phát biểu thảo luận ở Hội trường Diên Hồng, nữ đại biểu Võ Thị Minh Sinh của Đoàn ĐBQH Nghệ An nhấn mạnh: “Từ năm 2011 đến nay, huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An chỉ trong 11 năm mà có đến 5 cơn lũ quét, trong đó có 3 cơn lũ quét kinh hoàng. Đó là năm 2011, 2018 và rạng sáng 2/10 năm 2022 là “cơn lũ kinh hoàng trong lịch sử”, “lũ chồng lũ” và biết đến bao giờ mới “an cư” nếu như không có các Khu tái định cư cho người dân?!.”. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh đã chuyển tải điều mong muốn thiết tha nhất của người dân vùng thiên tai ở Nghệ An nói riêng và các vùng thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ khác của cả nước lên diễn đàn Quốc hội là người dân cần “an cư lạc nghiệp”.
“Tôi tin, không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta đều lo ngại mỗi khi mùa mưa bão đến, đặc biệt là những người dân ở các địa phương của chúng tôi. Đó không còn là cảm giác “lo ngại” mà là “luôn lo sợ”. Có lẽ cụm từ “sống chung với lũ” được bắt nguồn từ các tỉnh miền Trung “khúc ruột” của dải đất hình chữ S mỗi lần “quặn đau” thì trái tim của cả nước “ứa máu” ” – vị đại biểu Đoàn Nghệ An xúc động nói và kiến nghị Chính phủ cần có ngay những giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ đối với các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng thường xuyên của bão, lũ, lụt, ngập mặn để người dân không chỉ “sống chung với lũ”, “sống chung với mặn” mà thích nghi để “sống chung với biến đổi khí hậu” bền vững.
Nhận thức sâu sắc về niềm tin, sự kỳ vọng của hơn 2 triệu cử tri tỉnh Nghệ An, các vị ĐBQH Đoàn Nghệ An luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường. Nhiều kiến nghị của cử tri Nghệ An thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương giải quyết, như ý kiến đề nghị duy tu, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 7 đã được Bộ Giao thông Vận tải bố trí 54,5 tỷ đồng, triển khai 6 dự án trong năm 2022 và năm 2023 tiếp tục bố trí 3 dự án với tổng kinh phí 33 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH Nghệ An còn tích cực làm với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sự phát triển của tỉnh; đặc biệt trên diễn đàn Quốc hội, các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH đã góp tiếng nói quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/112021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Cùng với các kiến nghị liên quan đến tỉnh, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: Từ kiến nghị của cử tri Nghệ An được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu, nghiên cứu, sửa đổi quy định, chính sách chung của cả nước. Như kiến nghị quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình Trung học phổ thông đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV; hay như bất cập về quy định không được phép vận chuyển đất ra khỏi diện tích đất của gia đình khi người dân thực hiện việc cải tạo đất vườn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào Luật Khoáng sản (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong năm 2024.
Nhiều ý kiến của cử tri Nghệ An liên quan đến đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; kiến nghị nâng mức hỗ trợ và quy định trong các trường hợp bất khả kháng (như do áp thấp nhiệt đới hoặc phương tiện bị hư hỏng phải vào bờ) được hỗ trợ cho tàu đánh bắt xa bờ mặc dù chưa đủ 15 ngày tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa… cũng được Bộ NN&PTNT ghi nhận và đề ra giải pháp để giải quyết mang tính tổng thể trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An Thái Thanh Quý tiếp tục đề nghị các vị đại biểu tích cực đi sâu, tìm hiểu thực tiễn để nắm bắt tình hình, sát cơ sở, mang “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường Quốc hội; đồng thời, phát huy thế mạnh từng đại biểu theo lĩnh vực chuyên sâu để có những ý kiến phát biểu có chất lượng hơn, khẳng định vị thế của ĐBQH và của Đoàn ĐBQH tỉnh; tổ chức thêm các hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, trong đó nghiên cứu đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo địa bàn, theo chuyên đề, theo đối tượng…
Trang chủ
Kỳ 1: Chỗ dựa tin cậy của người dân
Kỳ 3: Ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời
Kỳ 4: Tiên phong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các kỳ họp
Kỳ cuối: Bài học kinh nghiệm và những kiến nghị từ Nghệ An
Nội dung: Đức Chuyên - Thành Duy - Mai Hoa - Hoàng Hoa
Ảnh: PV - CTV
Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Quân