Hồng Đăng – một người trí thức trong âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Hồng Đăng quê ở thôn Đông, xã Tràng Thành, quê lúa Yên Thành, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông nội của ông, cụ Phan Đăng Dư là một nhà nho yêu nước, giỏi chữ Hán, chữ Nôm, thông thạo cả Nho, Y, Lý, Số. Cụ đã từng tham gia phong trào chống Pháp và là người thảo bài Hịch đánh Pháp nổi tiếng đọc trong lễ tế cờ ở Nương Su: “Ai là khách anh hùng xin hãy chung lưng đấu cật, nước mất còn chỉ ở lúc ni”. Năm 1908, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, cụ Phan Đăng Dư trở về nhà cày ruộng, bốc thuốc, xem phong thủy và chăm lo cho 4 người con trai học hành đến nơi đến chốn. Ba người con của cụ trúng ngạch thông phán nên bà con thường hay gọi là cụ Phán.

 
 

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 - 2022)

Mặc dù ở quê không nhiều, nhưng ấn tượng về người ông nội đáng kính vẫn in đậm trong Hồng Đăng. Những ngày thơ ấu êm đềm trong ngôi nhà nhỏ ở thị xã Hà Tĩnh, nơi ba ông, cụ Phan Đăng Tài, là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Tĩnh, đêm đêm gảy đàn nguyệt, những bản Bình bán, Lưu thủy, mẹ hát véo von khúc Ví, Giặm Nghệ Tĩnh… Những khúc nhạc thủa ấu thơ gieo vào tâm hồn ông tình yêu âm nhạc. Ngay từ khi lên 10, ông đã tự học và có thể biểu diễn đàn trong những đêm văn nghệ quyên góp quỹ cho kháng chiến…

Ngày đó, ngôi nhà nhỏ ở thị xã Hà Tĩnh của ba mẹ ông là nơi ghé chân, dừng bước của cô, chú họ hàng, anh chị. Mặc dù đồng lương công chức khiêm tốn, ít ỏi, nhưng có lúc trong nhà ông lên đến vài chục người. Nếp nuôi nấng ăn học cho các cháu ở quê, vun đắp cho bà con cơ nhỡ đã tạo ra truyền thống nhân nghĩa thật ấm áp.

Căn nhà nhỏ đó cũng đã là cơ sở liên lạc của bác cả Phan Đăng Lưu và những bạn tù. “Có khi bác đến một mình, có khi bác kéo theo cả vài ba người bạn. Có khi ăn ở dầm dề 5 -7 ngày, có khi chưa kịp ăn xong bữa đã nháy mắt kéo nhau đi thẳng, chẳng biết đi đâu”(1)…. Bác cả Phan Đăng Lưu – nhà cách mạng ưu tú của quê hương vẫn thường ghé chơi gia đình ông trong những chuyến công tác thoắt ẩn thoắt hiện như vậy. “Riêng lần ấy, tôi tò mò thấy ba tôi thì thào với bác rất lâu và giục mẹ tôi sang nhà hàng xóm. Một chốc, mẹ tôi quay về, đưa cho bác một gói nhỏ, chắc là tiền vì có cả một số xu hào lẻ hằn lên trên gói giấy.

Và cũng từ đấy, hầu như đêm nào ba tôi cũng thao thức, mẹ tôi cũng bồn chồn lo lắng theo. Có lần, đi làm về sớm, ba tôi chỉ vào mấy dòng trên tờ báo, rồi cả hai yên lặng ứa nước mắt. Mẹ tôi lủi thủi đi vào bếp… Và tôi không bao giờ còn gặp lại bác tôi…”(1)

Truyền thống cách mạng, lòng yêu nước thiết tha, trọng tình nghĩa ấy, sự hào phóng và độ lượng trong nếp ứng xử của gia đình, đã ảnh hưởng nhiều đến Hồng Đăng sau này, làm nên một tính cách thật đặc biệt. Một Hồng Đăng với tâm hồn lãng mạn, nụ cười trẻ thơ, đôn hậu và thanh khiết, lãng đãng đi qua cuộc đời không bận chút âu lo. Một bản lĩnh cứng cỏi, sừng sững như tùng bách, đấu tranh đến cùng cho một nền âm nhạc dân tộc hiện đại. Một Hồng Đăng hào hiệp và yêu đời, yêu người đến đắm say… Những cá tính đó đã được ươm dưỡng từ trong cuộc sống thanh bần mà khảng khái, khí phách của dòng họ Phan – Yên Thành.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thị xã Hà Tĩnh cũng như bao địa phương khác của Nghệ Tĩnh, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Ba ông chuyển sang làm Chánh Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 4, 3 mẹ con ông tản cư về quê cũ Yên Thành.

Lúc này, ông vẫn mang tên thật là Phan Đăng Hồng. Ba mẹ lấy tên của núi Hồng sông Lam, hai danh thắng của quê hương để đặt tên cho hai anh em – Đăng Hồng và Việt Lam, cũng ngầm gửi vào đó ý muốn “Hồng Lam sơn thủy cộng du du”, nghĩa là “Hồng Lĩnh, Lam giang cùng rong ruổi, suốt đời nâng đỡ, thương yêu nhau” (2). Khi trở về quê, tới trường bị bạn bè trêu chọc, tên gì giống tên con gái, Ông tức khí, đòi ông cụ thân sinh đổi thành Phan Hồng Đăng, “nghe cho oai, vì đó là nghệ danh, giống như các nghệ sĩ nổi tiếng”.(2) Nghệ danh đó đã theo ông một đời, gắn với những thành công trên con đường âm nhạc của ông.

Ông đến với âm nhạc như một cái duyên tiền định. Số là, những ngày học ở trường làng huyện Yên Thành, ở trường có một người bạn biết chơi đàn ghita, nhưng cứ khư khư giữ như một tài lẻ, không chia sẻ với bất kỳ ai. Nhà nghèo nên Hồng Đăng chỉ dám mơ ước có được một cây đàn như thế. Trong nỗi khát khao được mở cánh cửa về âm nhạc, Hồng Đăng đã đi bộ một mạch từ Yên Thành về thành phố Vinh, cách 60km để mượn cho kỳ được một tập tài liệu cũ của Pháp về nhạc lý. Ông mày mò tự học, rồi mở một lớp dạy nhạc nho nhỏ… Từ đó, ông nhận ra mình có năng khiếu về âm nhạc và bắt đầu sáng tác. Những sáng tác đầu tiên là Đời học sinh, rồi tiếp theo là bài Nhớ ơn cụ Hồ. Người đầu tiên thể hiện bài hát này là nghệ sĩ Tân Nhân, lúc đó Hồng Đăng mới tròn 15 tuổi.

Năm 1954, sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, ban đầu Hồng Đăng và các văn nghệ sĩ được bố trí ở tập thể phố Quán Sứ. Hồng Đăng lúc ấy mới mười chín, đôi mươi, … Ông như cá được về với nước. Từ là học sinh kháng chiến ở khu IV, qua Nha giao thông Việt Bắc rồi Tổng cục đường sắt ở Thái Nguyên, về Hà Nội, ông được sống trong một cái nôi toàn những tên tuổi nghệ thuật, hội họa, sân khấu, văn học … nổi tiếng của đất nước. Sau cái Tết đầu tiên ở Hà Nội năm 1955, Hồng Đăng được phân vào ban Nhạc vũ trung ương gồm các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nam Cao, Tô Vũ, Văn Chung, Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc … Ban Vũ thì do nghệ sĩ Hoàng Châu và một số nghệ sĩ tốt nghiệp múa ở Bắc Kinh về tổ chức.

Nhạc sĩ Hồng Đăng cùng thành viên nhóm nhạc 5 Dòng kẻ

Những  ngày đó, không khí thật hồ hởi, vô tư. Các tác giả có sáng tác mới, mời bạn bè đến uống nước chè, giới thiệu trước khi tung ra cho khán giả. Không có một bài giảng cụ thể nào, thế nhưng, các kiến thức âm nhạc cứ ngấm dần vào Hồng Đăng thông qua những buổi trò chuyện như thế… Một thời gian ngắn sau, Hồng Đăng đã mạnh dạn trình làng một số bài hát mới như Tổ quốc tôi trên 10 năm đã lớn (lời cộng tác với Nguyên Liệu), Đường đi có nắng mặt trời, Giữa mùa sa nhân … Mỗi bài là một bút pháp riêng, được các nhạc sĩ tiền bối Xuân Khoát, Văn Cao nức nở khen. Quả nhiên, những bài hát đó về sau được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được người Hà Nội biết đến và yêu mến.

Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam thành lập với người Hiệu trưởng đáng kính đầu tiên là thầy Tạ Phước. Hồng Đăng trở thành 15 nhạc sĩ đầu tiên của của khoa Sáng tác – Lý luận. Những người nhạc sĩ đầu tiên của trường Âm nhạc ngày ấy đã đi khắp muôn phương, lan tỏa một tình yêu và khát vọng bảo tồn, phát triển âm nhạc dân tộc.

Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, V và VI. Trong rất nhiều hội nghị quan trọng của ngành âm nhạc, ông đã là một tiếng nói đầy thẳng thắn và trách nhiệm của người trong cuộc. Đó là “Giới nhạc sĩ chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu” – tham luận tại Đại hội Nhạc sĩ toàn quốc lần thứ IV năm 1989; “Xin hãy giúp nghệ sĩ chúng tôi thắp lên ngọn lửa” – tham luận tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Bộ Chính trị ngày 13/10/1992; là “Chúng tôi đã thắng và đã thua như thế nào” – phát biểu trong buổi Tổng Bí thư Đỗ Mười gặp mặt văn nghệ sĩ trí thức. Trong bối cảnh những năm đầu mở cửa kinh tế thị trường, ca khúc đặt hàng phát hành nhan nhản, trong khi đó, các tác phẩm tâm huyết chỉ nằm trên bản giấy do không đủ tiền phối âm, phối khí, thu băng đĩa, phát hành… Có những lúc, ngồi ở ghế khán giả, xem một chương trình chắp vá tùy tiện các bài hát thị trường, ông vã mồ hôi không phải vì khí hậu mà nghĩ mình có trách nhiệm liên đới. Với bản lĩnh của một trí thức, Hồng Đăng đã thẳng thắn nêu ra các giải pháp và kêu gọi Nhà nước đầu tư vì một nền Âm nhạc cách mạng hiện đại, dân tộc. Cho đến tận bây giờ, không phải ai cũng có thể dám đứng ra đấu tranh cho tập thể, bảo vệ những sáng tạo, đổi mới trong âm nhạc như vậy. Nhạc sĩ Hồng Đăng chính là đại diện của người trí thức đã hội tụ 4 yếu tố: Trí, Tài, Tâm, Dũng trong âm nhạc và đời sống.

Trong nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, ông đã thắp lên ngọn lửa ấm áp, thân mật của tình bằng hữu ở sân nhà 51, phố Trần Hưng Đạo.  Cho đến bây giờ, 4 đêm nhạc Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, tổ chức vào ngày 16,17,18,19/4/1994 vẫn để lại một mốc son rực rỡ, gây tiếng vang lớn trong tâm hồn người Việt Nam yêu nhạc thời kỳ ấy. Trong 4 đêm diễn, mỗi đêm Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã giới thiệu 20 ca khúc nổi tiếng của ca khúc Việt Nam. Từ thời khởi đầu Tân nhạc, thời Tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước và những năm đổi mới của đất nước. Mỗi đêm diễn thu hút hàng ngàn khán giả, người yêu nhạc của Hà Nội và các tỉnh lân cận về tham gia trong say mê một cách cảm động… Hồng Đăng cùng các cộng sự đã tất bật đến vắt kiệt sức mình cho những giai điệu được thăng hoa và các tác giả được tôn vinh.

Hồng Đăng là như vậy, chí tình chí nghĩa, luôn nghĩ về người khác, về cái chung mà nhiều khi quên nghĩ cho riêng mình. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông sáng tác nhiều, hơn 700 tác phẩm cho thanh nhạc bao gồm ca khúc, hợp xướng, thanh xướng kịch và nhạc không lời, song đến giờ, quá nửa vẫn còn trên bản giấy. Làm nhạc tốn kém, nên mỗi khi sáng tác xong, ông lại xếp lại, rồi có khi quên mất cả tác phẩm của mình.  Có lẽ, ngày thơ bé theo cha đi nhiều, nhất là biển miền Trung, nên chất Lênh đênh của biển có phần nào ngấm vào âm nhạc và cuộc đời của ông chăng?

Một điều mà nhạc sĩ Hồng Đăng tự hài lòng về mình nhất, đó là chưa bao giờ lười nhác bỏ qua bất kỳ một cơ hội sáng tác nào, bất kỳ khi nào “tia chớp” ý tưởng vụt xuất hiện hoặc khi mạch cảm xúc đến. Ông có cả ngàn tác phẩm, thế nhưng, đến cuối đời, người nhạc sĩ ấy vẫn chỉ sử dụng chiếc xe máy Cup cũ kỹ,  một chiếc đàn piano cũng chỉ là mơ ước. Ông vẫn luôn bình thản: “Cái số tôi không giàu được”, và cười nhẹ bẫng, đi qua những vất vả đời thường.

NSND Lê Dung, nhạc sỹ Hồng Đăng và nhạc sỹ Trần Mạnh Tuấn trên sân khấu liveshow “Biển lênh đênh” năm 2006; Nhạc sỹ Hồng Đăng và nhạc sỹ Dân Huyền; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ thăm nhạc sĩ Hồng Đăng khi ông bước sang tuổi 85; Nhạc sĩ Hồng Đăng bên vợ tại nhà riêng trong ngày nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, năm 2021.

Ấy thế mà Hồng Đăng là người có lẽ đạt kỷ lục tiếp khách đông nhất trong giới nghệ sĩ, vài chục người mỗi ngày và đều đặn trong hàng chục năm trời. Họ đến vì muốn nghe những nhận định âm nhạc của ông, muốn trò chuyện với ông và rất nhiều người muốn được ông xem tử vi, xem những thăng trầm trong số phận của mình… Mặc dù phòng làm việc của ông luôn treo tấm biển “Xin lỗi! Rất bận!”, nhưng khách vẫn đến phòng và dường như chẳng ai chú ý đến tấm biển ấy.

Ông thích xê dịch, thích tặng quà. Đi đâu, đến vùng đất nào ông cũng mua vài món quà cho bạn bè. Nhưng món quà mà ông tặng nhiều nhất, đó là bật lửa và bút bi. Hầu như người khách nào vào phòng ông cũng đều nhận được quà. Ông cho rằng, “bật lửa tượng trưng cho may mắn, còn bút thì giúp người ta tu luyện chữ nghĩa trau dồi tri thức. Tôi muốn mọi người hãy luôn thắp trong tim một ngọn lửa tin yêu và không ngừng sáng tạo” (3). Thông qua những món quà nhỏ đó, ông muốn củng cố cho người ta lòng yêu thương nhau, có một ràng buộc tinh thần tốt đẹp với nhau!

Con người ấm áp, hiền hòa đó đã đi xa. Nhưng tình cảm thân quý đó vẫn đọng lại ấm áp trong lòng gia đình, bè bạn, vẫn lan tỏa trong nét nhạc nồng nàn, tinh tế. Và người nghe nhạc, bao nhiêu thế hệ vẫn luôn giữ nét nhạc sang trọng, nguồn cảm xúc dạt dào của âm nhạc Hồng Đăng như giữ một ngọn lửa của tình yêu mà nhạc sĩ đã hào phóng dâng tặng cho cuộc đời./.

Hoa Sữa - Thanh Lam (năm 1997)


(1) Trích “Chuyện của gia đình tôi” – Nhạc sĩ Hồng Đăng - Chân trời gọi nắng – NXB Hội Nhà văn năm 2023

(2) Trích Trò chuyện cùng anh – Phan Việt Liên, Nhạc sĩ Hồng Đăng, chân trời gọi nắng – NXB Hội Nhà văn năm 2023)

(3) Trích Hồng Đăng và cuộc rong chơi miệt mài – Tạp chí VTC năm 2007

Châu Anh

 

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến